Bài 1: Động lực thúc đẩy phát triển, kết nối liên vùng

Nhiệm kỳ 2016 - 2021 và 2021 - 2026, HĐND, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh Hòa Bình đã chủ động giám sát và ban hành nghị quyết triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối và chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh gắn với vùng, liên vùng. Đặc biệt, HĐND tỉnh khóa XVII thống nhất phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kết nối liên vùng; đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh Tây Bắc, các khu đô thị, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp...

Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, liên vùng

Phát triển vùng là một chủ trương xuyêt suốt và nhất quán của Đảng ta trong quá trình phát triển đất nước nhằm khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của các vùng và các địa phương trong cả nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: "Phát huy tốt nhất lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới...".

Một buổi giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát HĐND tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Huy Hà

Một buổi giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát HĐND tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Huy Hà

Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10.2.2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng với vùng đồng bằng sông Hồng, thủ đô Hà Nội; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch; bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn; đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái và an ninh nguồn nước”.

Trên cơ sở các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về phát triển vùng, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình luôn xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh chính là giải pháp phát triển kinh tế vùng, liên vùng. Với vị trí chiến lược, là cửa ngõ nối thủ đô Hà Nội với vùng Tây Bắc, có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, đô thị vệ tinh, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh và phát triển nông nghiệp sạch gắn với vùng và liên vùng, tỉnh Hòa Bình đã chú trọng đẩy mạnh xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đường bộ liên tỉnh; ứng dụng khoa học công nghệ tăng cường liên kết vùng...

Chủ động giám sát, ban hành nghị quyết

Nhiệm kỳ 2016 - 2021 và 2021 - 2026, HĐND, Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh Hòa Bình đã chủ động giám sát và ban hành nghị quyết triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối và chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh gắn với vùng, liên vùng.

Qua giám sát chuyên đề cho thấy, về cơ bản công tác điều hành của UBND tỉnh đã bám sát các chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các nhóm giải pháp được đưa ra tại các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm đều gắn với vùng, liên vùng. Trong đó, đưa ra giải pháp thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược của tỉnh; chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng với các tỉnh lân cận, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh đã kiến nghị nhiều giải pháp đối với UBND tỉnh trong chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, tạo cơ sở để UBND tỉnh nghiên cứu triển khai.

Nội dung các nghị quyết tập trung chủ yếu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh việc tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất vùng chuyên canh giá trị gia tăng cao, tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông kết nối với thành phố Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, quy định về mức hỗ trợ, các chính sách trong lĩnh vực tài chính, ngân sách; đất đai, các chương trình mục tiêu quốc gia; lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội...

Đặc biệt, HĐND tỉnh Hòa Bình khóa XVII thống nhất phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) với tổng mức đầu tư 4.120 tỷ đồng; Dự án Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000+Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) với cơ cấu vốn là vốn ngân sách Trung ương 8.243 tỷ đồng và vốn ngân sách tỉnh 1.534 tỷ đồng, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kết nối liên vùng; đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh Tây Bắc, các khu đô thị, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp, phục vụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành để thúc đẩy phát triển vùng còn ít, chưa theo kịp đòi hỏi thực tế, chủ yếu mang tính hỗ trợ, chưa chú trọng kích thích phát triển. Quy hoạch thiếu sự liên kết, đồng bộ, thống nhất, chưa gắn với chủ trương phát triển liên vùng…

THU AN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-1%C2%A0dong-luc-thuc-day-phat-trien-ket-noi-lien-vung-i319103/