Bài 1: Hàng loạt công trình bị xâm hại
Những năm gần đây, nhiều công trình nhà biệt thự cổ theo kiến trúc Pháp trên địa bàn TP Hà Nội đã bị chuyển đổi công năng phục vụ các mục đích khác nhau, để làm nơi làm việc hoặc kinh doanh... mà không tuân thủ quy định về quản lý, sử dụng gắn với bảo tồn. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị kiến trúc và văn hóa lịch sử của Thủ đô. Trước nguy cơ biệt thự Pháp cổ dần bị mai một, rất cần có các giải pháp bảo tồn, lưu giữ những di sản kiến trúc của đô thị Hà Nội.
Biệt thự Pháp cổ có bề dày lịch sử, trải dài ở một số quận tạo ra quỹ di sản kiến trúc đồ sộ và rất có giá trị ở Hà Nội. Đây là những công trình mang nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc gắn liền với một giai đoạn lịch sử của Thủ đô. Tuy nhiên, tình trạng biệt thự cổ xuống cấp hay bị cơi nới, xây thêm làm biến dạng đang diễn ra khá phổ biến.
Giá trị kiến trúc vô giá
Khu phố Pháp ở Hà Nội bắt đầu xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ XIX, đã để lại những dấu ấn cho Hà Nội. Hệ thống đường phố được quy hoạch và xây dựng theo mạng lưới hình ô bàn cờ dựa hoàn toàn vào nguyên tắc thiết kế của phương Tây tạo nên những ô phố vuông. Trên các con phố, người Pháp chia thành những lô đất nhỏ để xây dựng nhà ở loại biệt thự độc lập, có vườn rộng, cây cao bóng cả. Thời kỳ đó, khu phố Tây chủ yếu là các ngôi biệt thự cao 2 tầng, xây tách riêng cho tư nhân và công chức Pháp ở.
Trải qua khoảng 70 năm (1875 - 1945), khu phố Tây dần hình thành, ghi dấu đậm nét vào giai đoạn phát triển của Hà Nội nằm ngoài khu 36 phố phường và để lại di sản đô thị cho đến ngày nay. Tuy có sự khác biệt về cấu trúc hình thái nhưng hàng trăm biệt thự được xây dựng với diện mạo theo phong cách quy hoạch và kiến trúc của Pháp vẫn cùng tồn tại song song với những công trình kiến trúc truyền thống của Việt Nam, tạo nên sự giao thoa, tiếp xúc văn hóa Đông - Tây đặc sắc. Biệt thự Pháp được xem là những công trình có giá trị vật thể cụ thể, phản ánh lịch sử kiến trúc một giai đoạn hình thành Thủ đô và đối với nhiều người Hà Nội, biệt thự Pháp cổ không chỉ đứng số một về mặt kinh tế mà còn hàm chứa những giá trị không thể đo đếm về lịch sử, văn hóa, kiến trúc... Nó đang là một di sản hiện hữu làm nên vẻ sang trọng, vẻ đẹp riêng cho đô thị của Hà Nội trong vùng Đông Nam Á.
Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, KTS Lê Văn Lân cho rằng, công tác quy hoạch, kiến trúc trong giai đoạn mới hiện nay đòi hỏi phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, dù đổi mới như thế nào thì yếu tố cần giữ chính là nét đặc trưng tính văn hiến trong đô thị Hà Nội, sự khác biệt của Hà Nội với những TP khác. Phải làm thế nào để bạn bè thế giới khi đến với Hà Nội không phải trầm trồ khen ngợi những công trình cao tầng, khu đô thị hiện đại mà bị thu hút bởi hệ thống di sản, trong đó có kiến trúc của những tòa biệt thự Pháp cổ.
Lách luật cải tạo, cơi nới
Chính vì giá trị thương mại và lợi nhuận kinh doanh cao nên rất nhiều chủ sở hữu công trình nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ đã dùng nhiều chiêu trò để có thể cải tạo công năng sử dụng của những công trình này, từ việc cải tạo chui cho đến việc lách luật, biến thành những công trình đồ sộ hơn.
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại địa bàn quận Hai Bà Trưng, như số 51, 51A, 55 Hàng Chuối... đều là biệt thự Nhóm 2 theo “Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội” nay được cải tạo thành quán bia, nhà hàng. Hay biệt thự số 7, ngõ 2, phố Hàng Chuối, vốn là biệt thự Nhóm 3 nhưng bị phá dỡ và thay vào đó một tòa nhà 7 tầng. Biệt thự Nhóm 3 số 16 Tăng Bạt Hổ cũng đang được sửa chữa, cải tạo thành nhà hàng. Hai căn biệt thự tại số 20 – 22 Phạm Đình Hổ bị xây dựng cơi nới làm thay đổi toàn bộ kiến trúc so với ban đầu. Tại địa bàn quận Hoàn Kiếm có biệt thự cổ số 68 - 70 Thợ Nhuộm bị cải tạo thay đổi công năng thành nhà hàng. Đáng chú ý, biệt thự số 68 Trần Hưng Đạo còn bị cải tạo, xây dựng mới toàn bộ phần mặt tiền thành một nhà hàng theo kiến trúc Chămpa...
Phó trưởng Phòng quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) Vũ Đức Thắng cho biết, tại Quyết định số 7177/2013/QĐ-UBND về danh mục nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ được phân loại, bảo tồn, trên địa bàn Hà Nội có 1.253 nhà, biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954, được xếp thành 3 nhóm, gồm: 225 biệt thự Nhóm 1 (được đánh giá từ 70 - 100 điểm): Những biệt thự gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa, các sự kiện chính trị được xếp hạng theo quy định của pháp luật; biệt thự có giá trị đặc biệt về kiến trúc (từ 30 - 35 điểm về giá trị nghệ thuật kiến trúc); 382 biệt thự Nhóm 2 (từ 50 - 69 điểm): Có giá trị về kiến trúc nhưng không thuộc biệt thự Nhóm 1 và 646 biệt thự Nhóm 3 (dưới 50 điểm). “Một trong những khó khăn của công tác quản lý Nhà nước đối với các công trình nhà biệt thự là việc các công trình này do nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân quản lý, sử dụng nên nhiều trường hợp không có hồ sơ quản lý, kịp thời cập nhật tình trạng biến động về phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại” – ông Vũ Đức Thắng cho hay.
Trước đó, qua giám sát, Ban Pháp chế (HĐND TP Hà Nội) đã nêu rõ, hiện nay, nhiều biệt thự, công trình kiến trúc trước năm 1954 ở cả 3 nhóm, đặc biệt với Nhóm 3 bị các chủ sử dụng xây dựng cơi nới nhưng không được ngăn chặn, xử lý kịp thời, triệt để. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo dừng việc cấp phép xây dựng, phá dỡ biệt thự nhưng Sở Xây dựng, UBND một số quận không thực hiện nghiêm túc, đã cấp phép để phá dỡ và xây dựng công trình mới ở 25 biệt thự cũ. Công tác quản lý theo dõi cũng bị đánh giá thiếu chặt chẽ: 63 biệt thự đã tự phá dỡ, xây mới, hiện cơ quan quản lý không có hồ sơ, không xác định được thời điểm xây dựng; 19 biệt thự báo cáo là biến dạng hoàn toàn và xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có hồ sơ đánh giá, thẩm định chất lượng; 2 biệt thự báo cáo không tìm thấy nhưng thực tế đã tìm thấy; 48 biệt thự báo cáo đã phá dỡ, xây mới nhưng trên thực tế vẫn còn (16 biệt thự vẫn còn, 35 biệt thự chỉ sửa chữa, cơi nới, nâng tầng); 45 nhà báo cáo không phải biệt thự thì thực tế có 8 nhà là biệt thự...
(Còn nữa)
Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 của UBND TP nêu rõ UBND các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ phải chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để tình trạng cải tạo, phá dỡ, xây dựng không phép nhà biệt thự.
Những vi phạm về quản lý đất đai, phát triển nhà chung cư, trật tự xây dựng đô thị (trong đó có việc cải tạo sai phép tại các công trình biệt thự cổ)... xảy ra trong thời gian qua, một phần trách nhiệm không nhỏ thuộc về chính quyền cấp cơ sở. Ngoài những chế tài đối với các chủ đầu tư vi phạm, cần phải có chế tài nặng hơn đối với lãnh đạo chính quyền cơ sở, thay vì cảnh cáo, khiển trách..., cần thực hiện hình thức nặng hơn đó là cách chức hoặc cho thôi việc.
KTS Nguyễn Văn Thanh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam