Bài 1: Hào khí Pha Long

Lịch sử dân tộc Việt Nam luôn gắn với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt hàng nghìn năm qua, cha ông ta đã hy sinh bao xương máu để giữ gìn từng tấc đất trên suốt chiều dài biên giới. Những cuộc đấu tranh chính nghĩa đã sinh ra nhiều ngươìcon anh hùng, đơn vị anh hùng, vùng đất anh hùng và xã Pha Long, huyện Mường Khương là một trong những địa danh như thế, đặc biệt là khi gắn với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cách đây 41 năm.

Vững vàng một dải biên thùy

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Pha Long bên Đài bia danh sách anh hùng, liệt sỹ của đơn vị.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Pha Long bên Đài bia danh sách anh hùng, liệt sỹ của đơn vị.

“Còn một người cũng chiến đấu”

Pha Long là xã vùng cao của huyện Mường Khương với đặc thù có nhiều dãy núi cao, bị chia cắt mạnh bởi những vực sâu, song đây lại là vị trí địa lý hết sức quan trọng. Tiếp nối hành trình lịch sử hàng nghìn năm giữ nước, cách đây 60 năm, tháng 9/1960, bọn phản động liên quan đến quân của Tưởng Giới Thạch, trùm phỉ Châu Quáng Lồ đã tạo thế bạo loạn đánh cướp Đồn Biên phòng Pha Long hòng gây thanh thế và độc tôn vị trí chiến lược. Cuộc đánh cướp của bọn phản động nhanh chóng bị quân ta phản công và đập tan, hầu hết lực lượng của chúng bị tiêu diệt và bắt sống...

Sau đó gần 20 năm, mờ sáng 17/2/1979, quân xâm lược với chiến thuật “biển người” ồ ạt tràn vào nước ta trên dọc tuyến biên giới 6 tỉnh phía Bắc. Riêng tuyến biên giới xã Pha Long, địch đã dùng tới 2 trung đoàn tấn công trong khi lực lượng ta chỉ có 3 đơn vị là Đại đội Cơ động của lực lượng Công an vũ trang, Đội dân quân của Lâm trường Pha Long và cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Pha Long. Những tưởng đè bẹp được quân ta nhanh chóng nhưng địch không ngờ vấp phải sức chiến đấu quyết liệt, kiên cường của quân ta. Chỉ trong 4 ngày, từ 17 đến 20/2/1979, quân ta đã đẩy lùi 5 cuộc tổng tấn công của địch, trong đó có 20 lần tiến công vào Pha Long. Chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn, mất liên lạc, chi viện bị cắt đứt nhưng các lực lượng vũ trang của ta vẫn giành chiến thắng khi tiêu diệt gần 800 tên giặc, thu nhiều vũ khí, khí tài của địch.

Trong trang sử của Đồn Biên phòng Pha Long có nêu rõ: Cuộc chiến đấu và thắng lợi ở Pha Long đến từ ý chí, lòng dũng cảm, tinh thần ngoan cường, bất khuất cho dù ta yếu, địch mạnh, dù ta cũng phải trải qua nhiều tổn thất, hy sinh. Trong những ngày đầu của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, các đồn biên phòng của Lào Cai có 57 cán bộ, chiến sỹ hy sinh thì riêng Đồn Pha Long có 24 người. Tên những người anh hùng của các đơn vị vũ trang, nhất là Đồn Biên phòng Pha Long mãi rạng danh, được đời đời khắc ghi. Đó là tấm gương về Trạm trưởng Trạm Biên phòng Lồ Cô Chin, anh Hà Văn Sặn cùng 3 chiến sỹ trước khi hy sinh đã kiên cường đánh bật nhiều đợt tiến công của địch vào đơn vị; tấm gương Phó Đồn trưởng Nguyễn Anh Đức cùng đơn vị dũng cảm chiến đấu trước khi hy sinh trên chiến hào; đảng viên Lê Khắc Xuân gan dạ chiến đấu từ lúc địch mở cuộc tấn công đầu tiên vào 5 giờ 45 phút ngày 17/2/1979 cho đến khi anh ngã xuống vào 21 giờ 30 phút cùng ngày... Trong thời gian Đồn trưởng đi công tác chưa kịp trở về đơn vị thì đồng chí Chính trị viên Trần Xuân Ngọc đã đảm đương tốt vai trò chỉ huy, bố trí hỏa lực chiến đấu, ngăn chặn sức tiến công như vũ bão của địch.

Những ngày đầu của cuộc chiến đấu, trong nhiều bức điện của Đồn Biên phòng Pha Long chuyển đi có 2 bức mang nội dung rất xúc động, bức điện ngày 18/2 ghi: “Đồn Pha Long bị bao vây, địch đã chiếm hết các chốt của ta, lực lượng thương vong nhiều nhưng anh em chúng tôi còn lại kiên quyết không rời vị trí chiến đấu, dù còn một người cũng chiến đấu”; bức điện ngày 19/2 có đoạn: “Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí”.

Với những chiến công hiển hách, tháng 12/1979, Đồn Biên phòng Pha Long được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; năm 2012, đơn vị vinh dự thêm một lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Hào khí Pha Long

Ngày 10/8/2013, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ khi tới thăm vùng đất Pha Long đã cho dựng tấm “Văn bia chủ quyền quốc gia” bằng khối đá hoa cương tại vị trí trang trọng bên cổng Đồn Biên phòng Pha Long. Trên văn bia có đề tựa: “Nguyên thần bổn mệnh giữ núi non/Nam sơn bốn cõi tựa sách trời định/Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng/Tuyệt tuyệt long phụng báo quốc an/Bình nhất hà Việt Nam quốc thổ” (nghĩa là: Nguyên thần được giao xứ mệnh giữ núi non/ Núi Nam bốn cõi đã định trong sách trời/Đời đời nhật nguyệt linh thiêng ứng nghiệm/Rồng phượng bảo vệ an nguy Tổ quốc/Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây). Truyền thống lịch sử vẻ vang, hào hùng của quê hương cách mạng trở thành niềm tự hào đối với mỗi người dân địa phương, là hào khí để vùng đất Pha Long vững bước trên con đường phát triển, chăm lo bảo vệ biên giới quốc gia.

Những ngày đầu tháng 2/2020 vừa qua, khi ngành giáo dục đang cho học sinh phổ thông nghỉ học vì ảnh hưởng của dịch Covid-2019 thì cô giáo Trần Thị Bình, giáo viên bộ môn Văn - Sử, Trường THCS Pha Long vẫn tranh thủ tới Đồn Biên phòng Pha Long để tìm hiểu, ghi chép thêm thông tin về nghệ thuật quân sự, về các trận đánh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979 làm ví dụ cho các bài giảng lịch sử đối với học sinh khối 8 và 9. Cô Bình cho biết, một phần của giáo trình giảng dạy môn Lịch sử có lịch sử địa phương. Do đó, để bài giảng sinh động và hấp dẫn hơn, đặc biệt là khơi gợi trong thế hệ trẻ lòng ái quốc, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, cô luôn cố gắng lựa chọn các dữ liệu liên quan đến miền đất Pha Long anh hùng.

Ông Vàng Sảo Hòa, 64 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã - người con của đồng bào Mông sinh ra và lớn lên tại xã Pha Long. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới cách đây 41 năm, ông là một trong những người đóng góp trực tiếp và tích cực cho cuộc chiến. Ông Hòa bảo, mỗi người dân nơi đây đều có quyền tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương mình, bởi trong chiến tranh, họ đã cùng bộ đội ở lại giữ đất, giữ làng, tham gia đánh đuổi quân thù. Trong thời bình, dù miền đất Pha Long có điều kiện sống rất khắc nghiệt do thời tiết, khí hậu, nguồn lực phát triển nhưng nhiều năm qua, người dân địa phương luôn đoàn kết, bám trụ ở vùng đất biên cương, không có hộ dân nào di cư tự do và nghe theo kẻ xấu để làm điều sai, điều ác.

Đồng chí Phàn A Quý, cán bộ Đồn Biên phòng Pha Long đang được tăng cường giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã Pha Long cho biết: Xã có 8,8 km đường biên giới với Trung Quốc, toàn xã có gần 4.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào Mông chiếm 84%, đồng bào Nùng chiếm 14%. Phát huy truyền thống anh hùng, trong những năm qua, cộng đồng các dân tộc thiểu số ở xã Pha Long tích cực phát triển kinh tế - xã hội, hưởng ứng phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh, trật tự thôn, bản”, “Kết nghĩa bản - bản biên giới”…

Mỗi vùng đất luôn có những trang sử liên quan đến cơ đồ dựng nước và giữ nước, với Pha Long, vùng đất luôn ánh lên hào khí thiêng liêng, nhất là trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương, Tổ quốc cách đây 41 năm.

Bài 2: Cuộc sống mới nơi địa đầu Tổ quốc

CAO CƯỜNG - THÀNH PHÚ - MẠNH DŨNG

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/chinh-tri/bai-1-hao-khi-pha-long-z1n20200316153318276.htm