Bài 1: Hiệu quả từ những 'van giảm áp' trong nửa đầu năm

Dù đối mặt với nhiều biến động từ thị trường thế giới và áp lực trong nước, công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm 2025 đã đạt được thành công quan trọng, giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát bình quân ở dưới mức mục tiêu đề ra. Theo các chuyên gia, áp lực lạm phát từ bên ngoài đã được trung hòa nhờ các yếu tố thuận lợi từ thị trường và những 'van giảm áp' là sự chủ động của các phương án điều hành giá.

Linh hoạt điều hành, chủ động phòng ngự

Bối cảnh kinh tế thế giới nửa đầu năm 2025 được ví như một vùng biển động với những con sóng khó lường, từ các xung đột địa chính trị, đến cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế, đặc biệt là chính sách thuế đối ứng mà Mỹ đưa ra… đã phủ bóng lên thương mại toàn cầu. Diễn biến này đã đẩy giá cả nhiều loại hàng hóa chiến lược vào vùng nhiễu động, mang đến ảnh hưởng cho một quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam.

Nhưng trong bức tranh đầy thách thức đó, Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh điều hành kinh tế vĩ mô đầy tích cực, khi GDP 6 tháng đầu năm tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025.

CPI bình quân quý II/2025 tăng 3,31% so với quý II/2024. Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 3,16%.

Nguồn: Cục Thống kê. Biểu đồ: H.Dịu

Nguồn: Cục Thống kê. Biểu đồ: H.Dịu

Theo các chuyên gia, kết quả trên cho thấy Việt Nam đã kiểm soát khá tốt mặt bằng giá cả, nhờ sự chủ động trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành mà đóng vai trò chủ chốt là Bộ Tài chính.

Báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, từ cuối năm 2024 và đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo Điều hành giá đã sớm đề ra định hướng và mục tiêu cho công tác điều hành giá năm 2025 và bảo đảm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Bộ Tài chính đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ để đến ngày 30/5/2025, Chỉ thị số 15/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý giá, chấp hành pháp luật về giá được ban hành.

Chỉ thị yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nghiên cứu, thực hiện việc niêm yết giá, kê khai giá, đảm bảo rõ ràng, không gây nhầm lẫn cho khách hàng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, tăng tính công khai, minh bạch; phát hiện, ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, thao túng giá, nâng khống giá bán.

Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu…

Đồng thời, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính chủ động phối hợp với các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến kinh tế, chính trị thế giới tác động đến trong nước, tình hình cung cầu, diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu và tổng hợp các phương án giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường.

Qua đó phân tích, đánh giá các yếu tố có thể tác động lên mặt bằng giá để cập nhật các kịch bản lạm phát làm căn cứ đề xuất các định hướng quản lý, điều hành giá đảm bảo thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát Quốc hội và Chính phủ đề ra năm 2025.

Sự ổn định của thị trường lương thực, thực phẩm trong nước là một trụ đỡ vững chắc cho công tác điều hành giá. Ảnh: H.Dịu

Sự ổn định của thị trường lương thực, thực phẩm trong nước là một trụ đỡ vững chắc cho công tác điều hành giá. Ảnh: H.Dịu

Những “van giảm áp” đầy hiệu quả

Theo các số liệu liên quan đến CPI mà Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố, CPI 6 tháng đầu năm tăng chủ yếu do giá một số nhóm hàng tăng như: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình…

Các nhóm hàng này tăng chủ yếu do ảnh hưởng của diễn biến thị trường thế giới, nhu cầu trong nước tăng cao, thời tiết nắng nóng… Đặc biệt từ quý II/2025, trước sức ép từ chính sách thuế quan của Mỹ, tỷ giá USD/VND bình quân đã tăng 3,3% so với cùng kỳ nên cũng gây áp lực lên giá cả. Theo giới phân tích, các nguyên nhân này chủ yếu mang tính chi phí đẩy, không phải do tổng cầu yếu hay những biến động tiêu cực từ thị trường trong nước.

Báo cáo của Cục Thống kê cũng cho rằng, CPI tăng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế, nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản. Vì thế, lạm phát cơ bản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 3,27% của CPI bình quân chung.

Theo TS. Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), Việt Nam đang có nhiều yếu tố giúp ổn định giá cả thị trường.

Đó là nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào, các chỉ số kinh tế vĩ mô như dự trữ ngoại hối, cán cân thương mại, nợ công… khá tốt, hỗ trợ tích cực cho điều hành kinh tế vĩ mô, tạo dư địa kiểm chế lạm phát; đồng thời Nhà nước đã kiểm soát giá năng lượng như điện, than, xăng dầu… Đặc biệt là chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% tiếp tục được kéo dài triển khai đã giúp giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, sự ổn định của thị trường lương thực, thực phẩm trong nước cũng là một trụ đỡ vững chắc. Theo Cục Quản lý giá, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, luôn được đảm bảo, diễn biến theo quy luật hàng năm. Yếu tố này, kết hợp với việc giữ ổn định học phí giáo dục mầm non, phổ thông và giảm giá sách giáo khoa, đã góp phần quan trọng vào việc giữ ổn định mặt bằng giá chung và củng cố an sinh xã hội.

Những vấn đề trên cho thấy áp lực lên công tác điều hành giá là rất lớn, song kinh tế Việt Nam có nhiều “van giảm áp” để tận dụng, kết hợp nhuần nhuyễn chính sách để ổn định thị trường, củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.

Nhưng tất nhiên, chúng ta không thể “ngủ quên” trên thành tích, bởi hành trình của công tác điều hành giá từ nay đến cuối năm được dự báo còn nhiều thử thách, nhất là khi Mỹ sẽ có những công bố cụ thể về chính sách thuế đối ứng. Do vậy, các giải pháp nêu trên cần phát huy và triển khai quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.

Hương Dịu

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bai-1-hieu-qua-tu-nhung-van-giam-ap-trong-nua-dau-nam.html