Giữ ổn định giá xăng dầu – Đòn bẩy kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều bất ổn và áp lực từ cả trong nước lẫn quốc tế, chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu tiếp tục phát huy vai trò như một công cụ điều tiết linh hoạt. Không chỉ giúp kiềm chế giá xăng dầu và kiểm soát lạm phát, chính sách này còn hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, người dân ổn định chi tiêu và góp phần duy trì đà tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm quy định mức thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2026.
Công cụ linh hoạt để bình ổn giá, kiểm soát lạm phát
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, có vai trò chiến lược trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp. Từ năm 2022 đến nay, giá xăng dầu thế giới và trong nước liên tục biến động mạnh, gây áp lực lên hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống người dân.
Trước bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất và trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều nghị quyết giảm thuế BVMT đối với xăng dầu, mỡ nhờn nhằm ứng phó kịp thời với tình hình thực tế. Gần đây nhất, Nghị quyết số 60/2024/UBTVQH15 tiếp tục duy trì mức thuế BVMT ưu đãi cho cả năm 2025, bằng mức giảm của năm 2024: xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; dầu hỏa là 600 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg.
Nhờ chính sách này, giá xăng dầu trong nước được kiềm chế, giúp kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát. Báo cáo của Cục Thống kê cho thấy, năm 2024, CPI chỉ tăng 3,63% so với năm trước – thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Trong 5 tháng đầu năm 2025, chỉ số CPI bình quân chỉ tăng 3,21% so với cùng kỳ, trong đó nhóm hàng xăng dầu giảm 13,39%, kéo CPI chung giảm 0,48 điểm phần trăm.
Bộ Tài chính cho biết, việc giảm thuế BVMT không chỉ góp phần ổn định giá xăng dầu, mà còn trực tiếp giảm chi phí tiêu dùng và sản xuất. Với tính chất là một loại thuế gián thu, giảm thuế BVMT kéo giá bán lẻ xăng dầu giảm, từ đó giảm chi phí đi lại, vận chuyển hàng hóa, tiêu dùng của người dân và chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Thực tế, trong nhiều ngành kinh tế, chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng chi phí sản xuất. Cụ thể, chi phí xăng dầu chiếm tới 76,73% trong ngành khai thác thủy sản, 63,36% trong ngành vận tải và 45,18% trong khai thác than. Việc duy trì giá xăng dầu ở mức hợp lý nhờ chính sách thuế đã giúp các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này giảm gánh nặng chi phí, cải thiện năng lực tài chính, từng bước phục hồi và mở rộng sản xuất sau giai đoạn suy giảm do dịch bệnh.
Đối với người tiêu dùng, việc giá xăng dầu được giữ ở mức ổn định nhờ giảm thuế cũng giúp hạn chế tác động lan tỏa của lạm phát sang các nhóm hàng hóa, dịch vụ khác, góp phần đảm bảo đời sống dân sinh, đặc biệt trong bối cảnh thu nhập của nhiều hộ gia đình còn chịu ảnh hưởng sau đại dịch.
Tiếp tục “kéo giãn” chính sách giảm thuế
Theo Bộ Tài chính, giá dầu thô thế giới có xu hướng giảm do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, với mức giá bình quân đầu năm 2025 đến cuối tháng 6/2025 là khoảng 70,58 USD/thùng đối với dầu Brent và 67,39 USD/thùng đối với dầu WTI. Tuy nhiên, thị trường xăng dầu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro biến động giá do căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là xung đột tại Trung Đông và chiến sự Nga – Ukraine, cùng với các thay đổi chính sách thương mại toàn cầu.
Cùng với đó, những yếu tố bất lợi từ bên ngoài kết hợp với thách thức nội tại đang đặt nền kinh tế Việt Nam trước sức ép lớn. Việc giảm tốc của các nền kinh tế lớn, chính sách bảo hộ thương mại, xung đột khu vực, rủi ro tỷ giá – lạm phát và các yếu tố như thiên tai, dịch bệnh… đều ảnh hưởng đến khả năng duy trì ổn định và tăng trưởng bền vững.
Bộ Tài chính khẳng định, để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021–2030, đặc biệt là tạo nền tảng cho giai đoạn tăng tốc từ năm 2026, cần tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Trong đó, việc kéo dài chính sách giảm thuế BVMT đối với xăng dầu trong năm 2026 – tương tự như giai đoạn 2022–2025 – là giải pháp cần thiết.
Điều này không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào cho sản xuất – kinh doanh, mà còn hỗ trợ kiểm soát giá cả, kích thích tiêu dùng, góp phần củng cố sức chống chịu và thúc đẩy phục hồi kinh tế trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đang đan xen.
Hiện, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm quy định mức thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2026. Đây là bước điều chỉnh chính sách thuế hướng tới cân bằng mục tiêu bảo vệ môi trường và phục hồi sản xuất – kinh doanh.