Bài 1: Kết nối sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng
Các sản phẩm sau khi tham gia Chương trình OCOP đều mở rộng được thị trường tiêu thụ, sản lượng tiêu thụ tương đối ổn định và cao hơn so với lúc đầu.
OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương. Các địa phương, chủ thể sản xuất thấy được lợi thế, cơ hội để phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP, chính vì vậy, tăng cường quảng bá và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP là điều cần thiết.
Bảo đảm các tiêu chí để người tiêu dùng tin tưởng
Qua hơn 3 năm thực hiện, Chương trình OCOP tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hiện nay, toàn tỉnh có 68 sản phẩm OCOP, trong đó có 47 sản phẩm 3 sao, 20 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, xếp hạng).
Đến nay, chương trình đã lan tỏa rộng khắp, qua đó góp phần tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm sau khi tham gia Chương trình OCOP đều mở rộng được thị trường tiêu thụ, sản lượng tiêu thụ tương đối ổn định và cao hơn so với lúc đầu. Số lượng sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP tính đến thời điểm này vượt chỉ tiêu đề ra so với đề án và vượt chỉ tiêu của kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hằng năm.
Những năm gần đây, nhiều sản phẩm của tỉnh có chất lượng cao đã tạo được uy tín và được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao. Đặc biệt, các đơn vị, cơ sở sản xuất đạt chuẩn OCOP đã và đang được hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường, giúp lan tỏa hàng Việt xuất xứ trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, tất cả các sản phẩm được đánh giá, xếp hạng là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đều đạt các tiêu chuẩn chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã bao bì, dây chuyền sản xuất, sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc trong tỉnh gắn với truy xuất nguồn gốc bằng mã số mã vạch hoặc mã QR.
Các sản phẩm thuộc nhóm rau, củ, quả, hạt tươi đều đạt giấy chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt VietGAP; một số sản phẩm thuộc nhóm chế biến còn đạt được các chứng nhận quan trọng về an toàn vệ sinh thực phẩm như: ISO 22000, HACCP, FSSC 22000, HALAL, FDA, như: dưa lưới Fargi của chi nhánh 1 Công ty TNHH nông nghiệp Tương Lai, sầu riêng của Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Đồn đạt chứng nhận VietGAP; bánh tráng siêu mỏng của Công ty TNHH Tân Nhiên đạt chứng nhận ISO 22000, FSSC 22000, HALAL, FDA. Nhìn chung, các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng theo quy định.
Theo ông Lê Hồng Vân- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hòa Thành, sau nhiều năm triển khai, sản phẩm OCOP Thị xã đang từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao và lựa chọn sử dụng.
Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP phát triển và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, vẫn phải tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng; quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; sự hiểu biết của một số chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nhiều nội dung còn phụ thuộc vào tư vấn; một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn về vốn và công nghệ.
Ông Nguyễn Đình Xuân cho biết thêm, sản phẩm OCOP cần đáp ứng các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm; có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm và tương đương (VietGAP, ISO 22000, HACCP, FSSC 22000…) còn thời hạn; bản tự công bố chất lượng sản phẩm.
Bao bì, mẫu mã sản phẩm phải đáp ứng các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa được quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-C ngày 14.4.2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 9.12.2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14.4.2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Bên cạnh đó, để bắt kịp xu hướng của thời đại, bao bì các sản phẩm cần phải được sản xuất từ các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường.
Quan tâm quảng bá, giới thiệu sản phẩm
Thời gian qua, để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP, tỉnh tập trung quảng bá sản phẩm bằng nhiều hình thức như: phối hợp với các đơn vị liên quan thuê gian hàng online và hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia trưng bày theo hình thức trực tuyến tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế (AgroViet); tổ chức Hội nghị OCOP Tây Ninh - Nâng tầm sản vật địa phương; tổ chức 6 gian hàng tại Diễn đàn “Liên kết cùng phát triển” tại tỉnh Đồng Tháp từ ngày 28.4.2022 đến 3.5.2022 với 10 doanh nghiệp tham gia trưng bày sản phẩm; 4 gian hàng tại “Lễ hội văn hóa, du lịch nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng” với 11 doanh nghiệp tham gia trưng bày sản phẩm; lễ hội quảng bá “Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh” lần thứ I năm 2023… đây là những chương trình phù hợp với nhu cầu thị trường; nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể về việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, giá trị và thương hiệu của sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế.
Tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sản phẩm OCOP. Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, tỉnh chưa ban hành chính sách hỗ trợ riêng biệt cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP cũng như sản phẩm đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP, nhưng đã lồng ghép hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như: hỗ trợ kinh phí thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết, cá nhân, hộ gia đình về chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025; hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh; chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; danh mục ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn 2023-2025, trong đó dự kiến hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP các nội dung như: chi thuê chuyên gia trong nước và tổ chức tư vấn độc lập; chi hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; chi hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP; chi hỗ trợ chi phí bao bì, in tem; chi tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thường niên; giải thưởng cho các sản phẩm đạt sao.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-1-ket-noi-san-pham-ocop-den-nguoi-tieu-dung-a157764.html