Bài 1: Khởi đầu đầy gian khó

Thực hiện Kế hoạch số 61 ngày 18/1/2017 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng chi bộ thôn, bản giai đoạn 2017 - 2020, thị xã Sa Pa đã có nhiều quyết sách đột phá nhằm phát triển đảng viên, đạt mục tiêu nâng cao số chi bộ nông thôn có chi ủy, nhất là tại các thôn nằm trong diện đặc biệt khó khăn.

Sa Pa: Tăng cường xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng ở thôn đặc biệt khó khăn

Để tạo đà cho thực hiện mục tiêu phát triển đảng viên, góp phần triển khai hiệu quả Kế hoạch số 61, Sa Pa xác định cần phát huy tốt vai trò của tổ chức đảng trong nhiệm vụ lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2017 - 2020, Huyện ủy Sa Pa (nay là Thị ủy Sa Pa) đã tập trung củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nông thôn, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu gắn với ưu tiên triển khai các đề án phát triển kinh tế - xã hội tại thôn đặc biệt khó khăn.

Trưởng thôn Sín Chải (trái ảnh) thông tin với cán bộ xã về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thôn.

Trưởng thôn Sín Chải (trái ảnh) thông tin với cán bộ xã về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thôn.

Qua rà soát vào năm 2017, thị xã Sa Pa có 5 thôn đặc biệt khó khăn là Can Hồ Mông (xã Bản Khoang, nay là xã Ngũ Chỉ Sơn), Cửa Cải (xã Tả Giàng Phìn, nay là xã Ngũ Chỉ Sơn); Sín Chải (xã San Sả Hồ, nay thuộc các xã, phường: Ô Quý Hồ, Phan Si Păng, Hoàng Liên); Sín Chải (xã Trung Chải); Bản Toòng (xã Bản Phùng, nay là xã Thanh Bình). Căn cứ kết quả rà soát, Sa Pa đã xây dựng và triển khai 5 đề án (19, 20, 21, 22, 23) về phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị của từng thôn, giai đoạn 2017 - 2020 tại 5 thôn đặc biệt khó khăn trên.

Theo báo cáo của Thị ủy Sa Pa, vào thời điểm trước khi triển khai các đề án, 5 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn đều có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo rất cao; số đảng viên tại chỗ của các chi bộ chỉ 1 - 3 người nên vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng chưa được phát huy. Cụ thể, Can Hồ Mông (nay thuộc xã Ngũ Chỉ Sơn) là thôn vùng 3, trước khi triển khai Đề án số 19, thôn có 54 hộ thì 44 hộ nghèo, còn lại thuộc diện cận nghèo, thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/năm. Mặt bằng dân trí thấp, tỷ lệ hộ theo tôn giáo chưa được công nhận cao khiến công tác phát triển đảng viên để thành lập chi ủy rất khó khăn. Trong tổng số 6 đảng viên thì chỉ có 3 đảng viên sinh sống tại thôn, do đó, vai trò lãnh đạo của chi bộ và hoạt động của chính quyền, đoàn thể ở thôn còn rất hạn chế.

Còn thôn Cửa Cải, xã Tả Giàng Phìn (nay là Ngũ Chỉ Sơn) có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong 5 thôn đặc biệt khó khăn của thị xã Sa Pa; năm 2017, thôn có 35 hộ, gần 90% thuộc diện hộ nghèo. Chi bộ Cửa Cải có 4 đảng viên, trong đó chỉ có 1 đảng viên cư trú tại thôn, số lượng đảng viên ít, cộng với kinh tế khó khăn đã trở thành rào cản lớn đối với sự lãnh đạo của chi bộ. Từng có dịp ghé thăm Cửa Cải đúng thời điểm Sa Pa bắt đầu triển khai Đề án số 20 tại thôn, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về nơi này là cái nghèo bao trùm những ngôi nhà tạm.

Cũng giống 4 thôn còn lại, Sín Chải thuộc xã San Sả Hồ (nay thuộc các xã, phường: Ô Quý Hồ, Phan Si Păng, Hoàng Liên) được chọn để triển khai Đề án số 21 về phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, giai đoạn 2017 - 2020. Thôn có 262 hộ với 99% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trong đó 204 hộ nghèo và 23 hộ cận nghèo. Do đặc thù về địa hình, mỗi hộ trong thôn có diện tích đất sản xuất rất nhỏ. Hơn nữa, kinh tế còn mang nặng tính tự cấp, tự túc nên bà con chưa chú trọng sản xuất hàng hóa, thu nhập bình quân của người dân chỉ đạt 6,5 triệu đồng/năm. Dù có 14 đảng viên, trong đó 11 đảng viên cư trú tại thôn nhưng năng lực lãnh đạo của chi bộ thôn rất hạn chế; chất lượng hoạt động của ban công tác mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở thôn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì những lý do này mà Sín Chải vẫn nằm trong danh sách thôn đặc biệt khó khăn.

Dù được coi là cửa ngõ của xã Trung Chải nhưng thôn Sín Chải vẫn bị liệt vào danh sách thôn đặc biệt khó khăn bởi nằm cheo leo theo triền núi, kinh tế của các hộ chủ yếu dựa vào cấy lúa, trồng ngô. Sín Chải có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Thu nhập bình quân của người dân năm 2017 mới đạt 6,5 triệu đồng, thôn có 28 hộ thì 14 hộ nghèo, còn lại là cận nghèo, chi bộ có 5 đảng viên thì chỉ 1 người có hộ khẩu thường trú tại thôn.

Bản Toòng cũng là thôn khó khăn nhất của xã Bản Phùng (nay là xã Thanh Bình) với địa hình đồi núi dốc, chia cắt, phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Năm 2017, thôn có 47 hộ thì 40 thuộc diện nghèo và 6 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân của người dân chỉ đạt 6 triệu đồng/năm. Để giúp Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao trình độ văn hóa, dân trí, đời sống vật chất, tinh thần, Sa Pa đã chọn Bản Toòng để triển khai đề án số 23.

Với xuất phát điểm khi triển khai 5 đề án từ “số 0”, Ban Thường vụ Thị ủy Sa Pa đã chỉ đạo các địa phương và các phòng, ban chuyên môn chủ động phối hợp với UBND các xã triển khai các dự án được phân công phụ trách, thực hiện lồng ghép mọi nguồn lực để thực hiện. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các mục tiêu của đề án đến người dân tại 5 thôn để bà con hiểu, từ đó phát huy vai trò chủ thể của mình. Với những nỗ lực không mệt mỏi, sau 3 năm triển khai, Sa Pa đã đạt được những kết quả bước đầu về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố tổ chức đảng tại 5 thôn đặc biệt khó khăn này.

THU NGỌC - THANH HUỆ

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/giai-bua-liem-vang/bai-1-khoi-dau-day-gian-kho-z91n20201011075716098.htm