Bài 1: Loay hoay bài toán học phí

Học phí giữ nguyên, ngân sách chi cho đầu tư bị cắt giảm, thậm chí không có; chính sách tự chủ chưa đồng bộ… khiến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khối ngành sức khỏe, đặc biệt là những trường thực hiện tự chủ, gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không sớm có chính sách hỗ trợ khối trường này, nguồn cung ứng nhân lực chăm sóc sức khỏe y tế toàn dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo lộ trình, năm học 2022 - 2023, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngành sức khỏe thực hiện tự chủ sẽ tăng học phí để bảo đảm chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nhiều trường đã hoãn lại kế hoạch này nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 165/NQ-CP. Kéo theo đó, khó khăn tài chính ngày càng đè nặng lên vai các trường.

Ngày càng ít sinh viên theo học

Đầu năm học 2022 - 2023, trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng điều chỉnh tăng mức học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP lên 40% so với năm học trước để bảo đảm tính đúng, tính đủ. Theo đó, mỗi tháng, sinh viên đóng khoảng 1.500.000 thay vì mức 1.140.000 đồng như trước.

Tuy vậy, cuối tháng 12.2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng năm học trước đó. Nhà trường ngay lập tức thực hiện quy định này và số tiền đã thu tăng sẽ được điều chuyển sang học kỳ 2 cho sinh viên.

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình thực hành hóa hữu cơ. Ảnh: Quang Khánh

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình thực hành hóa hữu cơ. Ảnh: Quang Khánh

“Nghị quyết số 165 thực sự cần thiết để tiếp tục hỗ trợ học sinh, sinh viên, hộ gia đình thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn sau đại dịch Covid-19”, TS. Đào Văn Tùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng nói. Tuy vậy, chính sách này cũng khiến nhà trường gặp khó khăn.

TS. Đào Văn Tùng cho biết, trường thực hiện cơ chế tự chủ từ năm học 2021 - 2022 (nhóm 2). Thời điểm đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng tuyển sinh thấp khiến nguồn thu sự nghiệp giảm sút. Sau đại dịch, tình hình không cải thiện. Trước đây, nhà trường tuyển mỗi năm cả nghìn sinh viên, 2 năm trở lại đây chỉ được 400 - 500 em. Số lượng sinh viên ít, học phí chưa được tính đúng tính đủ song phải giữ ổn định không thể bù đắp nổi chi phí đào tạo.

Cùng cảnh ngộ, Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình cũng đang chật vật để vừa bảo đảm chất lượng giảng dạy, vừa bảo đảm đời sống, thu nhập cho gần 120 cán bộ, nhân viên cơ hữu và hơn 40 giảng viên thỉnh giảng.

TS. Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, số sinh viên thi vào khối ngành sức khỏe giảm hẳn. “Chưa bao giờ khối ngành đại học y đa khoa phải tuyển bổ sung như năm học 2022 - 2023. Chúng tôi cũng chỉ tuyển được hơn 300 sinh viên, trong khi các năm dao động 400 - 500 sinh viên và kế hoạch của nhà trường là từ năm 2018 sẽ tuyển 1.000 sinh viên mỗi năm”.

Mốc 2018 mà TS. Nguyễn Thị Thu Dung nhắc tới chính là thời điểm Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình thực hiện tự chủ hoàn toàn, được tự quyết mức học phí song cũng chỉ vào khoảng 40% mức trần theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về thu học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (1.650.000 đồng/tháng/sinh viên so với mức trần 4.040.000 đồng/tháng/sinh viên).

Theo lộ trình, từ năm học 2021 - 2022, nhà trường sẽ tăng 10% học phí để thu đúng, thu đủ cũng như bảo đảm chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trường đã giữ nguyên học phí trong cả 2 năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023 nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên và các gia đình, nhất là sau đại dịch Covid-19. “Đây là chính sách hết sức nhân văn”, TS. Nguyễn Thị Thu Dung nhấn mạnh. Tuy vậy, việc giữ nguyên mức học phí cũng khiến nhà trường giảm 20% nguồn thu, tương ứng khoảng 5 tỷ đồng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến số lượng sinh viên tuyển vào ngành sức khỏe ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sụt giảm. Theo TS. Đào Văn Tùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng, một phần bởi các em nhìn thấy được sự khó khăn, áp lực của đội ngũ y tế trong 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19 nhưng chế độ đãi ngộ rất thấp, không đủ sức thu hút người học.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng y tế Thái Bình cho biết, do việc thực cơ chế tự chủ chưa đồng đều dẫn đến chênh lệch về mức học phí. Thường thì các trường tự chủ tốt ở nhóm 1, bảo đảm chất lượng lại có mức học phí cao, trong khi các trường chưa tự chủ được ngân sách hỗ trợ nên thu học phí thấp chỉ tầm 900.000 - 1.000.000 đồng/tháng. Trong khi đó, hiện chưa có đơn vị xếp hạng chất lượng đào tạo giữa các trường. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới thu hút sinh viên của các trường tự chủ, nhất là tự chủ nhóm 1.

Lo không giữ được giảng viên

Khi nguồn thu sụt giảm, ngay lập tức thu nhập của cán bộ, giảng viên và người lao động bị ảnh hưởng. Ví dụ, thu nhập tăng thêm của cán bộ, nhân viên Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình giảm mạnh tới 90%. Làm cách nào giữ được cán bộ là câu hỏi “đau đầu” với những người đứng đầu ở các trường y tế thực hiện tự chủ. Năm 2022, Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình có 4 Thạc sĩ chuyên ngành cùng 1 Kỹ thuật viên xin nghỉ việc. “Cứ đà này, chúng tôi không biết có còn giữ được cán bộ, nhân viên ở lại làm việc nữa hay không”, TS. Nguyễn Thị Thu Dung lo lắng.

Tương tự, lãnh đạo trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng dù đang cố gắng cân đối thu, chi để bảo đảm lương, phụ cấp, học bổng… cho cán bộ, giáo viên, người lao động, giữ ổn định các hoạt động của đơn vị. Tuy nhiên, như chia sẻ của TS. Đào Văn Tùng, Hiệu trưởng nhà trường, việc này thực sự rất khó khăn.

Chi thường xuyên đã thiếu thốn, chi đầu tư càng chật vật hơn! TS. Đào Văn Tùng cho biết, Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng tự chủ chi thường xuyên từ năm 2021 song trước đó thành phố đã ngừng cấp ngân sách để trường chi đầu tư. Theo trí nhớ của ông, lần cuối trường được cấp kinh phí là năm 2020 với số tiền 450 triệu đồng để đầu tư cho xây dựng, sửa chữa cơ bản. So với nhu cầu thực tế, số vốn này quá ít vì trường đã xây dựng 20 năm, nhà cửa xuống cấp. Cũng bởi vậy, “những năm vừa rồi nhà trường không đầu tư trang thiết bị nên càng khó thu hút sinh viên”.

Tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, ngay từ khi lên kế hoạch tuyển sinh năm học 2022 - 2023 vào khoảng tháng 3.2022, trường đã xác định sẽ không tăng học phí để chia sẻ khó khăn với người học sau đại dịch Covid-19, điều này cũng phù hợp chủ trương của HĐND thành phố khi ban hành Nghị quyết quy định mức học phí trên địa bàn ở mức thấp nhất theo Nghị quyết số số 81/2021. Dù nhà trường đã chủ động kế hoạch thu, chi trong năm học, song “khó khăn hiện rất lớn”, TS. Phạm Văn Tân, Hiệu trưởng nhà trường xác nhận. Hiện, toàn trường có khoảng 7.000 sinh viên, đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên từ năm 2018 và “gần chục năm nay hầu như không được ngân sách cấp kinh phí đầu tư, trừ khoản hơn 4 tỷ đồng vào năm ngoái để sửa chữa cơ sở vật chất”. Số tiền này không thể đáp ứng nhu cầu, trường phải tìm mọi cách “liệu cơm gắp mắm” nhưng việc xoay sở cũng không dễ dàng gì!

Thống kê sơ bộ cả nước có hơn 1.300 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hàng năm có gần 990.000 học sinh, sinh viên tốt nghiệp. “Như vậy Nghị quyết số 165 rõ ràng có ý nghĩa rất lớn, đúng với tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội”, ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội nói.

Bên cạnh đó, ông Quý cũng xác nhận: “Học phí giữ nguyên thì chắc chắn các cơ sở giáo dục nói chung và nhất là cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ còn khó khăn hơn trong việc phải xoay sở, cân đối để bảo đảm chi phí cho việc duy trì các hoạt động”. Tuy Nghị quyết số 165 đã xác định khuyến khích các địa phương bố trí và huy động nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022 - 2023 song “thực hiện việc này không đơn giản, bởi hiện mới có 14 - 15 tỉnh tự cân đối được thu - chi ngân sách”.

Quang Khánh - Vũ Thủy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/bai-1-loay-hoay-bai-toan-hoc-phi-i317229/