Bài 1: Lời hiệu triệu mang tính thức tỉnh sâu sắc
Thông điệp về 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư Tô Lâm là một chỉ đạo mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc, khuyến khích mọi người xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội. Từ đó, kêu gọi cả hệ thống chính trị và từng người dân cần có ý thức tránh xa lãng phí, không chỉ vì lợi ích quốc gia, lợi ích của bản thân, gia đình, xã hội mà còn vì trách nhiệm với thế hệ tương lai.
Chống lãng phí - Thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm
LTS: Bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm như một lời nhắc nhở sâu sắc về ý thức tiết kiệm và sử dụng nguồn lực hợp lý, có trách nhiệm để xây dựng, phát triển đất nước. Trước tình hình mới, nhiệm vụ mới, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bài viết “Chống lãng phí”, bốn giải pháp cơ bản phòng chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm đã truyền tải thông điệp rất rõ ràng về chống lãng phí, tạo bầu không khí để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thống nhất nhận thức, quyết tâm để tham gia vào mặt trận chống lãng phí thực sự có hiệu quả.
Chuyên trang Pháp luật & Xã hội xây dựng loạt bài để góp thêm những quan điểm, ý kiến đồng lòng nhất trí, quyết tâm thực hiện tốt thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí.
Tình hình tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn diễn biến phức tạp...
Ngày 31/12/2024, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã họp phiên thứ 27 để thảo luận, cho ý kiến về kết quả hoạt động năm 2024 và chương trình công tác năm 2025; kết quả chỉ đạo, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo năm 2024 cùng một số nội dung quan trọng khác.
Năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với nhiều chủ trương, quan điểm mới của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo; sự nỗ lực, cố gắng của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng, nên công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, có bước đột phá mới, quyết liệt và hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương. Với những kết quả nổi bật là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn”, “nút thắt” về thể chế để khơi thông nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành trên 40 chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Quốc hội đã ban hành 31 luật, 7 nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 162 nghị định, 288 nghị quyết, 23 quyết định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 11.184 văn bản về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần khắc phục những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, từng bước hoàn thiện thể chế để “không thể” tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Chỉ đạo đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, tạo chuyển biến mới về nhận thức, quyết tâm, gắn phòng, chống lãng phí với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo cả phòng, chống lãng phí.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo đã có nhiều thông điệp chỉ đạo mạnh mẽ về phòng, chống lãng phí; các cấp ủy, tổ chức đảng đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về công tác phòng, chống lãng phí. Nhất là, chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý các tồn tại kéo dài liên quan đến các công trình, dự án chậm tiến độ, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn; khởi tố một số vụ án gây lãng phí lớn ngân sách Nhà nước để điều tra, xử lý.
Quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nhất là công tác cán bộ, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bộ Chính trị đã ban hành và chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, góp phần phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực từ gốc.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã có một bài viết với nhan đề: “Chống lãng phí” được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện báo chí, truyền thông. Với tầm nhìn chiến lược, dẫn dắt đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận được nhiều sự quan tâm từ công chúng, các nhà nghiên cứu, giới báo chí, truyền thông. Tổng Bí thư Tô Lâm đã có nhiều phân tích sâu sắc, ý nghĩa quan trọng của việc phòng, chống lãng phí đối với công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Không chỉ phản ánh quan điểm của một lãnh đạo cấp cao mà còn thể hiện sự thẳng thắn, chỉ ra những vấn đề tồn tại và nguy cơ tác động nghiêm trọng của việc lãng phí, gây suy giảm các nguồn lực, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Như một lời nhắc nhở sâu sắc về ý thức tiết kiệm và sử dụng nguồn lực hợp lý, có trách nhiệm để xây dựng, phát triển đất nước, bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm rất có ý nghĩa đối với mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Mỗi câu, mỗi chữ không chỉ nói về trách nhiệm của bộ máy công quyền nhà nước, của toàn xã hội trong việc phòng, chống lãng phí mà còn là thông điệp thôi thúc mọi tầng lớp Nhân dân, những người có lòng yêu nước chân chính, khơi dậy chí khí của một dân tộc anh hùng, phát huy tinh thần đoàn kết để vượt qua mọi thách thức, khó khăn và tiếp tục viết nên những trang sử mới của một dân tộc trong kỷ nguyên mới.
Lãng phí không chỉ làm suy yếu sự phát triển của một quốc gia mà còn là sự bất công với các thế hệ tương lai
Lãng phí, xét cho cùng, không chỉ làm suy yếu sự phát triển của một quốc gia mà còn là sự bất công với các thế hệ tương lai. Thay đổi nhận thức và hành động ngay từ bây giờ sẽ giúp chúng ta xây dựng một nền tảng bền vững hơn cho các thế hệ mai sau…
Ngày 4/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp), thời gian qua Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác chống lãng phí. Gần đây nhất, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới được bổ sung nhiệm vụ mới về phòng, chống lãng phí. Đặc biệt bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp rất trúng. Có thể nói đây là một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ trong bộ máy công quyền cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội. Tình trạng này theo bà Mai Thị Phương Hoa, có nhiều nguyên nhân, trong đó còn có một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý.
Lâu nay họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần phải khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Bên cạnh đó có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước không hiệu quả. Thực tế còn có lãng phí về cơ hội và thời gian.
Một chuyên gia nước ngoài đã nhận định rằng lãng phí cơ hội và thời gian là sự lãng phí tài sản vô hình lớn nhất của con người. Khi cơ hội và thời gian trôi qua sẽ không bao giờ quay trở lại.
Bà Mai Thị Phương Hoa cũng dẫn lại ý kiến Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định thủ tục hành chính rườm rà làm lãng phí thời gian của người dân, doanh nghiệp; bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc sẽ lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, đất nước. Thêm vào đó, “bệnh thành tích”, “tư duy nhiệm kỳ”, “tư duy chủ quan” của một số cán bộ muốn thực hiện những dự án ở địa phương, bộ ngành mình và trong nhiệm kỳ mình làm lãnh đạo để chứng tỏ năng lực, sự năng động. Nhưng do cách làm nóng vội, sự tính toán chủ quan, sự không tuân thủ đầy đủ các quy trình, thủ tục nên một số dự án đã không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Vừa qua một số dự án đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực điểm mặt, chỉ tên là những dẫn chứng cụ thể nhất.
Một nguyên nhân khác, bà Mai Thị Phương Hoa nói chế tài xử lý hành vi lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao. Trong đó Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, việc xử lý hành vi vi phạm trong việc để xảy ra tình trạng lãng phí. Tuy nhiên các quy định này chủ yếu có tính chất cảnh báo, nhắc nhở.
Bộ luật Hình sự có 2 điều đề cập đến các hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả lãng phí. Đó là tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Trên thực tế, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho biết, các điều luật này ít khi được sử dụng để xử lý hành vi lãng phí mà thường được xử lý bằng các tội danh khác như tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng…
Với cách xử lý này, mặc dù tội phạm vẫn bị trừng trị nhưng tính răn đe, giáo dục về chống lãng phí chưa cao.
Bà Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh: “Nếu chống lãng phí thành công như chống tham nhũng thời gian qua thì đất nước ta nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình”.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu về sự lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên. Ông cho biết khoáng sản là tài nguyên quý giá, hầu hết không được tái tạo mà ngày càng cạn kiệt. “Khoáng sản là miếng mồi ngon”, đại biểu nhận định và cho biết những người biết cách sẽ khai thác triệt để, bất chấp hệ quả.
Nhiều khoáng sản quý nằm lẫn lộn trong đất đá nên tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở luật pháp để lách, khai thác. Việc khai thác khoáng sản quý trái phép diễn ra cục bộ ở một số nơi vẫn qua mắt được cơ quan chức năng...
Với đồng bằng, ông nhìn nhận việc khai thác cát sỏi, vật liệu xây dựng cũng phức tạp, bất cập. Việc quy hoạch đánh giá trữ lượng rất khó khăn, độ chính xác không cao, “cát tặc” thường khai thác ở những nơi giáp ranh, địa hình phức tạp giữa các địa phương để dễ dàng lẩn trốn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu áp lực sử dụng cát sỏi thông thường để san lấp, khả năng thiếu vật liệu là rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án, công trình. Nhưng có điều nghịch lý là khối lượng đất đá thải ra từ các mỏ lại chưa sử dụng do chưa nghiên cứu để sử dụng cho công trình.
Trong khi đó tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy đốt than thải ra hằng năm rất lớn nhưng vẫn chưa được sử dụng thay thế vật liệu san lấp. Lý do chưa được nghiên cứu kỹ và hướng dẫn thực hiện.
Ông Phạm Văn Hòa nêu việc nhiều nơi được chôn lấp bỏ thành đống rất lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường. Ông đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành có giải pháp để sử dụng đất đá thải ra từ mỏ khoáng sản, xỉ than, từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện sử dụng thay thế cho cát sông làm vật liệu.
Cũng về vấn đề chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, báo cáo của Chính phủ chỉ rõ: từ năm 2021 đến tháng 8/2024 có hơn 3.000 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa (chiếm 18,9% trong tổng số các quy định được rà soát). Đây là một con số rất lớn.
Theo đại biểu, những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp. Những thủ tục không cần thiết này làm lãng phí thời gian, lãng phí các nguồn lực xã hội và lãng phí cả những cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.
“Con số hơn 3.000 thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa mang cả tính hiệu vui và chưa vui. Tín hiệu vui vì đây là kết quả của sự rà soát tích cực, trách nhiệm và khoa học. Nhưng chưa vui vì con số này cũng là kết quả của sự hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua”, đại biểu phân tích.
Để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm, đại biểu kiến nghị cần tập rà soát ngay từ khâu xây dựng ban hành quy phạm pháp luật, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và tổng hợp…
(Còn nữa)