Bài 1 - Mạch sống từ làng ra khơi

Từ những làng chài nép mình bên sóng đến những xóm ven đầm phá trầm mặc, vùng ven biển miền Trung không chỉ là địa bàn cư trú của cộng đồng ngư dân hàng trăm năm, mà còn là nơi lưu giữ kho tàng văn hóa dân gian phong phú. Hát ru, hò khoan, hát bả trạo, lễ hội cầu ngư, nghề đan lưới, làm mắm… những giá trị tưởng như giản dị ấy lại chính là sợi dây liên kết giữa con người với biển cả, giữa hiện tại với cội nguồn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đô thị hóa và phát triển du lịch mạnh mẽ, không ít làng biển đang đứng trước ngã rẽ: hoặc bị cuốn theo vòng xoáy hiện đại hóa, hoặc bị “đóng khung” như một thứ văn hóa trưng bày, mất đi sinh khí sống động vốn có.

Một góc làng ven biển miền Trung, không chỉ là nơi cư trú mà còn là ‘bảo tàng sống’ của văn hóa biển

Một góc làng ven biển miền Trung, không chỉ là nơi cư trú mà còn là ‘bảo tàng sống’ của văn hóa biển

Bài toán đặt ra không chỉ là bảo tồn di sản phi vật thể, mà còn là tìm hướng gắn kết giữa văn hóa và sinh kế cộng đồng, để giá trị truyền thống không chỉ được “giữ gìn” mà còn “hồi sinh” trong lòng cuộc sống mới.

Lời ru, tiếng hò vẫn chưa tắt

Miền Trung không chỉ nổi tiếng với những bãi biển đẹp mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể quý báu của cư dân ven biển.

Những điệu hò khoan xứ Huế, bài chòi Quảng Nam – Quảng Ngãi, hay những tiếng trống, lời hò bả trạo giữa lễ hội dân gian ở Đà Nẵng… đang dần được đánh thức, thắp sáng lại trong nhịp sống đương đại.

Những nghi lễ trong lễ hội truyền thống của người dân vùng biển mang đậm tính tâm linh của cư dân vùng biển miền Trung

Những nghi lễ trong lễ hội truyền thống của người dân vùng biển mang đậm tính tâm linh của cư dân vùng biển miền Trung

Dọc theo vùng biển ở TP. Huế, những làng chài như Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải… vẫn còn lưu truyền các điệu hò mái nhì, mái đẩy, hát ru.

Bà Trần Thị Phước, 73 tuổi, ở phường Thuận An chia sẻ: “Tôi học lời hò từ mẹ, từ bà nội và nay cũng đang truyền lại cho mấy cháu trong làng. Mỗi dịp lễ Tết, đám cưới, ngư dân ra khơi hay cầu ngư, lại có dịp cất lời hò”.

Tại Đà Nẵng, các địa phương ven biển như Mân Thái, Thọ Quang (Sơn Trà), Hòa Hiệp (Liên Chiểu) cũng gìn giữ các nghi lễ và diễn xướng dân gian, như lễ hội Cầu ngư, bả trạo.

Những năm gần đây, ngành Văn hóa địa phương đã phục dựng lại nhiều hoạt động văn nghệ dân gian gắn với lễ hội truyền thống, đưa các đội bả trạo đi biểu diễn tại các sự kiện lớn như Lễ hội Quán Thế Âm, Lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng.

Ở Quảng Ngãi, những làng biển Sa Huỳnh, Tịnh Kỳ, Tịnh Khê… từng là nơi diễn ra nhiều hoạt động hát bài chòi, múa chầu văn, hát sắc bùa.

Những năm qua, tỉnh đã ghi danh và lập hồ sơ cho nhiều Di sản phi vật thể cấp quốc gia, tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật dân gian cho học sinh, thanh niên tại cộng đồng.

Di sản không chỉ để trưng bày

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và làn sóng đô thị hóa lan nhanh, việc bảo tồn các di sản phi vật thể ven biển gặp không ít khó khăn. Người trẻ ít quan tâm đến văn hóa truyền thống, đời sống cộng đồng có nhiều thay đổi, trong khi đội ngũ nghệ nhân ngày càng mai một.

Những mái chèo hòa nhịp cùng tiếng trống rộn ràng trong lễ hội đua thuyền truyền thống, nét đẹp văn hóa lâu đời của cư dân ven sông, ven biển Quảng Ngãi

Những mái chèo hòa nhịp cùng tiếng trống rộn ràng trong lễ hội đua thuyền truyền thống, nét đẹp văn hóa lâu đời của cư dân ven sông, ven biển Quảng Ngãi

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, chính quyền và cộng đồng đang bắt đầu chủ động hơn trong gìn giữ di sản. TP. Huế triển khai dự án "Lưu giữ tiếng hát dân gian ven biển", xây dựng các không gian diễn xướng cộng đồng.

Đà Nẵng tổ chức nhiều hội thi, liên hoan các đội bả trạo, hò khoan hằng năm; gắn văn hóa dân gian vào hoạt động học đường thông qua các chương trình ngoại khóa.

Quảng Ngãi đẩy mạnh mô hình “xã hội hóa” trong phục dựng bài chòi, phối hợp với các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ để số hóa các di sản dân gian và phát triển du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, việc hồi sinh di sản cần gắn với nhu cầu thực tế của cộng đồng và tạo động lực phát triển sinh kế. Không thể “trưng bày” văn hóa như vật mẫu trong bảo tàng, mà cần đưa di sản trở lại đời sống, thành một phần của nhịp sống hằng ngày.

Làng chài Nam Ô bên cửa sông Cu Đê,nơi lưu giữ ký ức ngư nghiệp truyền thống của cư dân vùng ven Đà Nẵng

Làng chài Nam Ô bên cửa sông Cu Đê,nơi lưu giữ ký ức ngư nghiệp truyền thống của cư dân vùng ven Đà Nẵng

“Muốn hát bả trạo tồn tại thì phải có người diễn, có người nghe và có môi trường cộng đồng để nuôi dưỡng”, ông Nguyễn Văn Lâm (Sơn Trà, Đà Nẵng) chia sẻ. “Tôi mừng khi năm nào Hội An cũng mời đoàn về biểu diễn dịp Tết, du khách rất thích, họ còn hỏi chúng tôi có đĩa thu âm hay sách không để mang về”.

Việc kết hợp bảo tồn với các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm là một hướng đi khả thi. Khi du khách không chỉ tham quan cảnh đẹp mà còn được thưởng thức những thanh âm từ biển cả, được sống trong không gian văn hóa làng biển, thì di sản mới thực sự sống lại.

Giữ gìn văn hóa phi vật thể vùng ven biển không chỉ là chuyện của quá khứ. Đó là lời cam kết với thế hệ tương lai về một miền Trung không chỉ có nắng gió và sóng biển, mà còn có cả lời ru, tiếng hò, âm thanh của ký ức và bản sắc.

Sự hồi sinh thầm lặng của các di sản nơi đây đang mở ra một hành trình mới – hành trình giữ lửa cho văn hóa, và làm giàu thêm cho tiềm năng du lịch biển bền vững.

TẠ ĐÌNH DŨNG; ảnh: NHƯ ĐỒNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/bai-1-mach-song-tu-lang-ra-khoi-150179.html