Bài 1: Mài sắc 'bảo kiếm' nâng tầm vị thế cơ quan dân cử

Các hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND trong hơn 8 năm thực thi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 đã góp phần giúp Chính phủ, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh. Nhiều kiến nghị, đề xuất thông qua giám sát đã giúp các ban, ngành liên quan chấn chỉnh kịp thời, đặc biệt là các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của Nhân dân… Tuy nhiên, vẫn còn những 'điểm nghẽn' trong thực thi nên việc sửa đổi là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 tại Công ty CP Thủy điện Ngàn Trươi huyện Vũ Quang

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 tại Công ty CP Thủy điện Ngàn Trươi huyện Vũ Quang

Nâng tầm vị thế cơ quan quyền lực

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được ban hành ngày 20.11.2015, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2016. Sự ra đời của Luật được đánh giá là một bước tiến quan trọng và kế thừa kết quả lập pháp, thành tựu kinh nghiệm hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND qua các thời kỳ. Hoạt động giám sát của cơ quan dân cử được luật hóa cũng khẳng định vị thế chức năng quan trọng này của Quốc hội và HĐND. Hơn 8 năm thực thi, hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được phát huy mạnh mẽ, chuyên nghiệp và thực chất hơn. Trong hoạt động của HĐND, các quy định của Luật như ngọn lửa pháp lý soi đường, nâng tầm vị thế của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

 Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 tại Công ty CP Thủy điện Ngàn Trươi huyện Vũ Quang. Ảnh: Xuân Hòa

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 tại Công ty CP Thủy điện Ngàn Trươi huyện Vũ Quang. Ảnh: Xuân Hòa

Mặc dù có những ưu việt về pháp lý nhưng Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND vẫn bộc lộ những “điểm nghẽn” trong thực thi. Việc sửa đổi Luật này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi cơ quan dân cử đang được đổi mới hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Hoàn thành sứ mệnh cao cả

Qua 8 năm thi hành, hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội và HĐND đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đối với hoạt động giám sát của HĐND, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định rõ 5 loại hình hoạt động giám sát cơ bản, gồm: Xem xét báo cáo công tác của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và các báo cáo khác theo quy định tại Điều 59 của Luật này; xem xét việc trả lời chất vấn của những người bị chất vấn quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5 của Luật này; xem xét quyết định của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp; Giám sát chuyên đề; Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Đối với từng loại hình, luật quy định rõ trình tự, chủ thể thực hiện, thủ tục, cách thức, phạm vi, đối tượng và nội dung giám sát cụ thể. Để thực thi các hoạt động, việc xây dựng chương trình giám sát hàng năm của HĐND, từng chủ thể giám sát của HĐND (Thường trực HĐND, các Ban của HĐND) được thể chế hóa rõ ràng.

Từ quy định của Luật, các hoạt động giám sát phong phú, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo để vận dụng hiệu quả theo thực tiễn. Một trong những hoạt động giám sát thu hút sự quan tâm của cộng đồng là hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu. “Tôi cho rằng đây là hình thức giám sát quan trọng, cân đong đo đếm việc thực hiện lời hứa của những người được Quốc hội, HĐND bầu trước cơ quan đại diện cho dân. Hy vọng sau này sửa đổi Luật hình thức này sẽ được tăng cường hơn nữa, cụ thể là tăng số lần lấy phiếu. Mỗi nhiệm kỳ tổ chức một đợt vào giữa nhiệm kỳ còn ít” - cử tri Lê Văn Cương, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An bày tỏ.

Các hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND trong hơn 8 năm thực thi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 đã góp phần giúp Chính phủ, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh. Nhiều kiến nghị, đề xuất thông qua giám sát đã giúp các ban, ngành liên quan chấn chỉnh kịp thời, đặc biệt là các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của Nhân dân, được đa số cử tri quan tâm, theo dõi. Kết quả giám sát cũng là căn cứ thực tiễn quan trọng giúp cơ quan dân cử có thông tin, căn cứ khoa học, thực tiễn để ban hành nghị quyết phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Từ đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, là “cầu nối” bền chặt giữa cử tri với chính quyền, phát huy được vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.

Thông qua hoạt động giám sát cũng góp phần quan trọng bảo đảm quyền lực của Nhân dân được thực thi nghiêm minh: Qua hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND, hoạt động của các cơ quan nhà nước sẽ được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Từ đó, bảo đảm được kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục được tính cục bộ địa phương, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những tiêu cực trong bộ máy nhà nước. Đây chính là điều kiện bảo đảm vững chắc cho quyền lực của Nhân dân được thực hiện trong thực tế.

Lê Hồng Hạnh - Trưởng Phòng Tư pháp thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-1-mai-sac-bao-kiem-nang-tam-vi-the-co-quan-dan-cu-post390238.html