Bài 1: Mọi công dân có quyền tiếp cận tri thức

Sơn La hiện thực hóa Thành phố học tập toàn cầu

Tháng 2.2024, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) vinh dự trở thành thành phố thứ 5 và là thành phố khu vực miền núi, khó khăn đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Từ đó đến nay, tuy thời gian chưa dài, song Sơn La đã có nhiều sáng kiến để xây dựng Thành phố học tập đúng nghĩa, được đông đảo người dân hưởng ứng và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Bài 1: Mọi công dân có quyền tiếp cận tri thức

 Nhà nghiên cứu chữ Thái Lò Mai Cương giới thiệu về lớp học chữ Thái tại Ngôi nhà Trí tuệ bản Mé Ban

Nhà nghiên cứu chữ Thái Lò Mai Cương giới thiệu về lớp học chữ Thái tại Ngôi nhà Trí tuệ bản Mé Ban

4 giờ chiều ngày thứ Bảy, lớp học chữ Thái vẫn diễn ra sôi nổi. Hơn 30 học viên, nam có, nữ có, lớn nhất 76 tuổi, nhỏ nhất 9 tuổi, tham gia lớp học này từ khoảng đầu tháng 3.2024. Tuần học 2 buổi, ai cũng vui vẻ, hào hứng. Dự thính và trò chuyện với học viên, chuyên gia về giáo dục người lớn và học tập suốt đời Tống Liên Anh nhận xét: “Đây đúng là tinh thần học tập suốt đời!”.

Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ

Lớp học chữ Thái là một trong nhiều hoạt động tại Ngôi nhà Trí tuệ bản Mé Ban, phường Chiềng Cơi, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La. Trực tiếp xây dựng giáo trình và đứng lớp là nhà nghiên cứu chữ Thái Lò Mai Cương.

Bà Cà Thị Như Loan, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Mé Ban, cho biết, đây là một trong những Ngôi nhà Trí tuệ đầu tiên tại TP. Sơn La, được thành lập sau khi thành phố chính thức gia nhập Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO tháng 2.2024. Bí thư Chi bộ, Trưởng bản kiêm luôn Chủ nhiệm Ban điều hành Ngôi nhà Trí tuệ. “Thêm nhiệm vụ, vất vả nhưng vui. Đã hứa rồi thì phải cố gắng duy trì, tuyên truyền, vận động thu hút bà con tham gia các hoạt động của Ngôi nhà Trí tuệ. Đáng mừng là trẻ em, học sinh đến Ngôi nhà Trí tuệ ngày càng đông, vì ở đây có rất nhiều sách”, bà Loan chia sẻ.

Ngôi nhà Trí tuệ là không gian học tập cộng đồng tích hợp nhiều module, như góc giới thiệu văn hóa địa phương; các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao; các lớp học cộng đồng; những buổi thảo luận/chia sẻ theo chủ đề… Trong đó, Thư viện Nhân ái được các Ban điều hành coi trọng, với suy nghĩ, sách và đọc sách là những viên gạch đầu tiên, vững chãi nhất để xây dựng học tập suốt đời và xã hội học tập, bởi ai cũng có thể dễ dàng thực hiện trong cuộc sống hằng ngày làm giàu tri thức cho bản thân.

 Bí thư Thành ủy Sơn La Hà Trung Chiến trao giải cuộc thi giới thiệu sách năm 2024

Bí thư Thành ủy Sơn La Hà Trung Chiến trao giải cuộc thi giới thiệu sách năm 2024

Điều đặc biệt là, việc tổ chức xây dựng và duy trì hoạt động của các mô hình này hoàn toàn do Nhân dân bàn bạc, thống nhất và triển khai theo hình thức tự nguyện, với tinh thần “góp một cuốn sách để được đọc nhiều cuốn sách”. Đây là yếu tố then chốt để lan tỏa văn hóa đọc, gắn với vai trò và trách nhiệm của cộng đồng dân cư vào việc xây dựng thành phố học tập.

Ông Nguyễn Khắc Thành, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng, Chủ nhiệm Ban điều hành Ngôi nhà Trí tuệ Tổ 4, phường Quyết Thắng, nhớ lại, sau khi phường chủ trương xây dựng Thư viện Nhân ái, các hộ gia đình trên địa bàn đã chuyển sách từ tủ sách gia đình về đây. Chỉ sau 4 ngày đã huy động được 3.000 cuốn sách. “Có gia đình tặng 200 - 300 cuốn. Có người đem tặng cả những cuốn sách quý mà họ đã cất giữ cả đời, để rồi thi thoảng đến xem lại đầy lưu luyến”.

Chỉ từ tháng 3 đến nay, TP. Sơn La đã ra mắt và duy trì hoạt động trên 100 Ngôi nhà Trí tuệ và Thư viện Nhân ái, 23 câu lạc bộ văn hóa giữ gìn bản sắc văn hóa, chủ yếu tại các tổ, bản; huy động được trên 2 triệu đầu sách. Các Ngôi nhà Trí tuệ được thành lập và hoạt động theo hình thức “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của từng tổ, bản.

Bắt đầu từ tạo dựng văn hóa đọc

Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024, TP. Sơn La tổ chức cuộc thi giới thiệu sách chủ đề “Vai trò của sách trong học tập suốt đời”. 66 video dự thi giới thiệu các tác phẩm từ nhiều thể loại khác nhau như chính trị - pháp luật, văn học nghệ thuật, truyện, nhật ký, khoa học viễn tưởng, kỹ năng sống, tiểu thuyết, lịch sử và sách thiếu nhi. Một số tác phẩm nổi bật được giới thiệu như "Dế Mèn phiêu lưu ký", "Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử", "Lược sử nước Việt bằng tranh"… không chỉ truyền cảm hứng đọc sách mà còn tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, có rất nhiều nguồn thông tin khác nhau, nhưng sách vẫn giữ vai trò không thể thay thế. Đọc sách không chỉ trang bị tri thức mà còn mang lại giá trị văn hóa và tinh thần. Như ông Trần Minh Tuấn, tổ 4, phường Quyết Thắng, năm nay đã 82 tuổi, nhưng mỗi ngày vẫn dành ít nhất 15 - 30 phút để đọc sách. Ông ví sách như “người tình trăm năm”. “Nói đến văn hóa đọc, một số người cảm thấy xa lạ và ngại đọc, nhưng với tôi, đọc sách là niềm cảm hứng vô tận, là hoạt động không thể thiếu hàng ngày”.

 Học viên lớp học chữ Thái lớn nhất 76 tuổi, nhỏ nhất 9 tuổi

Học viên lớp học chữ Thái lớn nhất 76 tuổi, nhỏ nhất 9 tuổi

Đáng chú ý, có nhiều bài dự thi bằng tiếng Anh, cho thấy khả năng hội nhập cao của công dân Thành phố học tập toàn cầu Sơn La. “Con muốn giới thiệu cho bạn bè nước ngoài một trong những tác phẩm văn học thiếu nhi rất hay của Việt Nam là Dế mèn phiêu lưu ký. Với sự hiểu biết sâu sắc về thế giới động vật, nhà văn Tô Hoài đã kể lại cuộc phiêu lưu của chú Dế Mèn, đưa người đọc vào một hành trình kỳ thú và đáng yêu”, Nguyễn An Phú, một trong những học sinh giành giải Nhất cuộc thi chia sẻ.

Phú học tiếng Anh từ khi 5 tuổi, thích đọc sách bằng tiếng Anh và có thể tự tin kết bạn, nói chuyện với người nước ngoài qua mạng xã hội. “Sách là người bạn tuyệt vời, giúp chúng ta có thêm hiểu biết về thiên nhiên, tình yêu quê hương và cuộc sống. Con cảm thấy hạnh phúc khi mỗi ngày được giới thiệu những cuốn sách hữu ích để mở rộng tâm trí”.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Sơn La Trần La Giang cho rằng, “Cuộc thi không chỉ là một sự kiện văn hóa đơn thuần mà còn là một chiến dịch giáo dục mạnh mẽ, góp phần hình thành và phát triển thói quen đọc sách bền vững trong cộng đồng. Trước trang sách, mọi người đều bình đẳng và tỏa sáng như nhau. Đó là thứ ánh sáng đẹp đẽ của niềm đam mê khám phá giới hạn không cùng của trí tuệ”.

 Bí thư Thành ủy Sơn La Hà Trung Chiến thăm Thư viện Nhân ái, Ngôi nhà Trí tuệ Tổ 4, phường Quyết Thắng, TP. Sơn La

Bí thư Thành ủy Sơn La Hà Trung Chiến thăm Thư viện Nhân ái, Ngôi nhà Trí tuệ Tổ 4, phường Quyết Thắng, TP. Sơn La

Việc thành lập các Ngôi nhà Trí tuệ hay tổ chức các hoạt động như Ngày Sách và Văn hóa đọc chỉ là khởi đầu. Bước tiếp theo quan trọng hơn, làm sao để Ngôi nhà Trí tuệ hay là các mô hình học tập ở cộng đồng thực sự phát huy hiệu quả, thu hút được sự tham gia và thụ hưởng của đông đảo bà con các dân tộc trên địa bàn thành phố.

“Chúng tôi mong muốn các tổ, bản tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư, nâng cấp, đa dạng hóa hoạt động của Ngôi nhà Trí tuệ, thu hút người dân đến khai thác kho sách, tối thiểu mỗi công dân đọc 5 cuốn sách/năm; hướng đến mọi công dân có thể tiếp cận tri thức, đóng góp vào sự phát triển bền vững của thành phố, duy trì, giữ vững tiêu chí Thành phố học tập toàn cầu”, Bí thư Thành ủy Sơn La Hà Trung Chiến kỳ vọng.

Hương Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-1-moi-cong-dan-co-quyen-tiep-can-tri-thuc-post400654.html