Bài 1: Một ngày không sóng điện thoại ở Trường Sa
Trên chuyến tàu KN 390 hướng về quần đảo Trường Sa, giữa đại dương bao la, những chiếc điện thoại thông minh bỗng trở nên vô dụng. Không sóng, không wifi, không thông báo. Trong những ngày 'mất kết nối' ấy, những người quen với nhịp sống số như chúng tôi lại lần đầu chạm vào những tầng kết nối sâu xa hơn với thiên nhiên, với đồng đội và với chính mình.
Màn hình tối, trái tim sáng
Giờ thứ ba trên biển. Điện thoại của tôi hiển thị dòng chữ quen thuộc: “Không có dịch vụ”. Một đồng nghiệp bên cạnh thử bật tắt máy ba lần, rồi lắc đầu: “Hết thật rồi”. Nhiều người trong đoàn vẫn chưa buông điện thoại, có người vuốt máy theo thói quen, không để làm gì. Có người ngồi thu mình, chốc chốc lại ngó xem có vạch sóng nào không. Thói quen kiểm tra Facebook, Zalo, email hàng ngày như một phản xạ ăn sâu. Chúng tôi giống như những chiếc điện thoại mất GPS giữa biển khơi, không còn bản đồ dẫn đường nào ngoài tâm trí và nhịp đập của con tàu. Cảm giác ban đầu thật trống trải. Một anh bạn trẻ ngồi cạnh tôi khẽ thở dài: “Em chưa từng đi đâu mà không nhắn được về nhà một dòng tin”.

Đồng chí Lê Ra- Viện trưởng Viện 1 -VKSND cấp cao 2 làm bài dự thi về biển đảo.
Sự bất an lan nhẹ trong từng cử chỉ, một số người trong đoàn dường như không biết tay phải làm gì nếu không cầm điện thoại. Trên khoang sinh hoạt chung, những chiếc máy nằm im lìm, chẳng còn ánh sáng xanh, không tiếng rung, không tín hiệu. Một nữ phóng viên đem theo điện thoại để quay tư liệu, ngồi bên cạnh tôi thì thầm: “Thế này thì chắc phải mang giấy bút ra ghi như thời sinh viên thôi, anh nhỉ!”. Câu nói tưởng đùa lại mở ra một thay đổi thật sự. Không ít người bắt đầu moi từ ba lô ra những cuốn sổ tay, những cây bút và viết bằng tay. Buổi tối đầu tiên không có sóng, bầu không khí trên tàu khác lạ. Không còn ánh sáng từ màn hình, không ai cắm tai nghe, chẳng có ai “lướt một chút rồi ngủ”. Người ta ngồi với nhau thật hơn, lâu hơn. Có người mang cốc trà nóng lên boong tàu, im lặng nhìn sao. Có người nằm dài ra ghế, mắt không dán vào một ứng dụng nào, mà dõi theo đường chân trời phía xa. Tôi ngỡ ngàng khi nhận ra, từ rất lâu rồi, tôi chưa từng ngồi im mười phút không làm gì cả, không nghe, không xem, không gõ phím. Không làm gì cả, chỉ là hiện diện.
Thay vì lướt tin, tôi bắt đầu lắng nghe
Không có sóng, người ta quay lại nói chuyện với nhau. Những cuộc hội thoại bất ngờ rôm rả, trên boong tàu, trong bữa cơm, ở phòng ngủ tập thể. Những câu chuyện vốn chỉ thường hé mở qua tin nhắn hay những lần gặp mặt chớp nhoáng, giờ đây có dịp được kể bằng lời, bằng ánh mắt, bằng giọng nói thật. Tôi nghe một nghệ sĩ kể chuyện lần đầu biểu diễn cho chiến sĩ trên đảo chìm, giọng nghẹn lại khi nhớ ánh mắt của người lính vỗ tay bằng một tay, bởi tay kia đang giữ dây chằng chống gió. Chị nói, chưa từng có khán giả nào khiến mình xúc động đến vậy. Một bác sĩ quân y chia sẻ về ca cấp cứu giữa biển, không sóng điện thoại, không gọi viện trợ, chỉ có kinh nghiệm, đôi tay và sự bình tĩnh. Anh kể bằng một vẻ trầm lặng, không kịch tính, nhưng chúng tôi ai nấy đều ngồi im lặng hồi lâu sau đó.

Tiết mục văn nghệ của đoàn VKSNDTC cùng các nghệ sĩ biểu diễn tại đảo Len Đao.
Buổi tối, không ai nhìn vào màn hình. Họ nhìn lên bầu trời. Lần đầu sau nhiều năm, tôi thấy người ta ngồi im nghe tiếng sóng thay vì mở nhạc. Có chiến sĩ ngồi gảy đàn guitar. Có phóng viên trẻ viết nhật ký tay, thay vì đăng story. Một nhóm nhỏ ngồi với nhau chỉ để bàn về một bài báo đã đọc cách đây hai năm, mà nay mới nhớ ra để chia sẻ. Tôi chợt nhận ra, âm thanh không đến từ tai nghe mà từ lời kể thật. Cảm xúc không đến từ biểu tượng cảm xúc, mà từ cái gật đầu, từ ánh mắt lặng im chia sẻ. Không có sóng, nhưng lòng người gần nhau lạ kỳ. Thật ra, không ít người trong chúng tôi từng nói về việc muốn một cuộc sống xanh, không sóng điện thoại, không truyền hình…nhưng chưa ai làm được. Chỉ đến khi ở giữa biển, cách đất liền cả trăm hải lý, không còn lựa chọn nào khác, chúng tôi mới thật sự tháo dây sạc với thế giới ảo và nối lại đường truyền với chính mình.
Tôi bắt sóng chính mình
Ngày thứ ba trên biển, tôi cất hẳn điện thoại. Không có lý do để giữ nó bên mình ngoài việc chụp ảnh. Tôi lấy trong hành lý mấy cuốn sách mang theo từ đất liền, đọc và cố gắng chiêm nghiệm để thấu hiểu hết nội dung. Buổi trưa trên boong tàu, tôi đọc sách mà thỉnh thoảng phải dừng lại vì gió biển lật giấy. Đó là lần đầu sau rất lâu tôi đọc một cuốn sách mà không bị ngắt quãng bởi một tin nhắn hay một cuộc gọi.

Các chiến sĩ đảo Đá Tây A chăm chú đọc Báo Bảo vệ pháp luật.
Có người khác thì vẽ phác họa con tàu giữa đại dương và những chú cá hình thù kỳ lạ. Một chị cán bộ tỉnh đội lặng lẽ ngồi viết thư tay cho con, dự định gửi từ đảo. Những hành động tưởng như nhỏ bé ấy lại khiến con tàu trở nên gần gũi, ấm áp lạ kỳ. Một bạn trẻ nói, không internet, tự nhiên em nhớ những thứ như bữa cơm với mẹ, tiếng nói cười trong nhà, thậm chí nhớ cả tiếng chổi quét sân. Một anh khác thú thật, ở nhà mỗi bữa cơm chỉ ăn cùng vợ chồng chưa tới 20 phút vì còn bận kiểm tra email, còn giờ thì thấy thèm một bữa cơm bình yên mà chẳng ai cầm điện thoại.

Đoàn công tác VKSND tối cao giao lưu với chiến sĩ Nhà giàn DK1/9.
Tôi chợt hiểu, có những dạng tín hiệu không cần mạng để truyền tải. Đó là tín hiệu của ký ức, của cảm xúc thật. Và ở giữa đại dương, nơi điện thoại không phát ra sóng nào, lại là nơi tôi bắt được những tín hiệu ấy rõ ràng nhất. Khi không còn Facebook để nhìn bạn bè đang nghĩ gì, tôi bắt đầu tự hỏi chính mình đang nghĩ gì. Khi không còn Youtube để xem thiên hạ làm gì, tôi nhìn lại mình đã làm gì. Sự im lặng này hóa ra không đáng sợ. Nó là một khoảng lùi quý giá, để thở, để nghĩ, để sống thật hơn.

Hai Kiểm sát viên cùng lá cờ Tổ quốc trên đảo Đá Thị
Một ngày không sóng điện thoại, tưởng chừng là một khoảng trống, hóa ra lại là khoảng lặng quý giá để con người chạm đến những tín hiệu thật sự. Ở đó, giữa bao la biển cả, chúng tôi nghe được tiếng nói không lời từ ánh mắt đồng đội, từ tiếng gió luồn qua boong tàu, từ tiếng hát giữa canh khuya của người lính đảo. Và cả tiếng nói vọng về từ bên trong chính mình, từ những lớp cảm xúc đã lâu chưa chạm đến. Chính ở nơi tưởng như xa cách nhất ấy, tôi lại thấy mình gần hơn với đất liền, gần hơn với ý nghĩa của hai chữ quê hương. Nơi không có sóng điện thoại, nhưng những nhịp sóng của lòng yêu nước, của tình thân, của sự thức tỉnh nội tâm chưa bao giờ lặng đi.
Tôi tin rằng khi trở về, sẽ có những người để dành một khoảng trống, để ngồi với người thân, để nhìn con lớn lên, để lắng nghe tiếng lòng mình không bị át bởi thông báo nhấp nháy. Và họ sẽ nhớ, ở một nơi xa có những con người vẫn sống kiên cường không cần đến sóng, nhưng luôn phát ra những tín hiệu yêu thương rõ ràng nhất giữa đại dương xanh của Tổ quốc.