Mực nước biển dâng - 'Bài toán khó' với nhân loại
Các nhà nghiên cứu cho biết mực nước biển dâng cao sẽ trở thành một thách thức nghiêm trọng đối với khả năng thích ứng và phục hồi của nhân loại trong nửa sau của thế kỷ XXI và xa hơn thế nữa.
Điều đáng lo ngại là mối đe dọa này vẫn hiện hữu, ngay cả khi các quốc gia đạt được mục tiêu đầy tham vọng là khống chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Băng trôi trên Vịnh Baffin ở gần Pituffik, Greenland. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Communications Earth & Environment, tốc độ dâng cao của các đại dương toàn cầu đã tăng gấp đôi trong 3 thập kỷ. Theo xu hướng hiện tại, tốc độ này dự kiến sẽ tăng gấp đôi một lần nữa vào năm 2100 lên khoảng 1cm mỗi năm.
Giáo sư Chris Stokes tại Đại học Durham (Anh), tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh rằng “việc hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C sẽ là một thành tựu lớn” và tránh được nhiều tác động khủng khiếp của khí hậu. Tuy nhiên, “ngay cả khi đạt được mục tiêu này, mực nước biển dâng có khả năng sẽ tăng tốc đến mức rất khó để thích ứng”.
Giáo sư Stokes và các cộng sự lưu ý rằng tính trung bình trong 20 năm, nhiệt độ bề mặt Trái Đất hiện cao hơn 1,2 độ C so với mức ghi nhận trước thời kỳ công nghiệp, đủ để nâng mực nước biển lên vài mét trong những thế kỷ tới. Thế giới thậm chí đang trên đà chứng kiến nhiệt độ tăng 2,7 độ C so với mức chuẩn đó vào cuối thế kỷ này. Mực nước biển dâng cao gần như do sự tan rã của các tảng băng và sông băng trên núi, cũng như sự mở rộng của các đại dương ấm lên, hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa do biến đổi khí hậu.
Một nghiên cứu trước đó từng chỉ ra rằng nếu không có các biện pháp bảo vệ như đê biển, thì mực nước biển dâng thêm 20 cm vào năm 2050 sẽ gây lũ lụt lớn, dẫn đến thiệt hại hằng năm lên tới khoảng 1.000 tỷ USD tại 136 thành phố ven biển lớn nhất thế giới.