Bài 1 - 'Ngọn đèn soi đường' mang tên văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh
Lan tỏa giá trị ngoại giao Hồ Chí Minh không chỉ nhắc lại một thời vang dội, mà là hành trình nuôi dưỡng bản lĩnh văn hóa cho thế hệ mới, để họ vừa đủ trí tuệ để vươn ra thế giới...

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ công tác chuyên môn cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tại Hà Nội, ngày 22/3/1960. Ảnh tư liệu. (Nguồn: tuyengiao.vn)
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Thế giới và Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ĐBQH. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội về giá trị văn hóa ngoại giao của Người trong thời đại mới.
"Dĩ bất biến, ứng vạn biến"
Nét đặc sắc nhất trong văn hóa ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh là gì và điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động đối ngoại hiện nay của nước ta?
Theo tôi, nét đặc sắc nhất trong văn hóa ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bản sắc văn hóa dân tộc với tinh thần nhân văn sâu sắc và trí tuệ sắc bén trong đối thoại quốc tế. Người không chỉ là nhà lãnh đạo kiệt xuất mà còn là một nhà văn hóa lớn, luôn đề cao giá trị của lòng chân thành, sự khiêm nhường và tấm lòng vị tha trong quan hệ với bạn bè năm châu.
Phong cách ngoại giao “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Người đã trở thành biểu tượng của nền ngoại giao Việt Nam: Mềm mỏng mà kiên định, hòa hiếu nhưng không khuất phục, lấy nghĩa tình để tạo niềm tin, lấy đạo lý để mở đường hội nhập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Muốn được người ta giúp mình, trước hết mình phải tự giúp mình đã. Muốn người ta kính trọng mình thì mình phải tự trọng trước đã". Câu nói ấy không chỉ là nguyên tắc sống, mà còn là phương châm hành động cho cả nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Chính nhờ phẩm chất văn hóa ấy mà dù trong thời chiến hay thời bình, Việt Nam luôn có những người bạn chân thành, luôn được cộng đồng quốc tế nhìn nhận như một quốc gia yêu chuộng hòa bình, có bản lĩnh, có đạo lý, sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm toàn cầu.
Ngày nay, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đèn soi đường cho hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Đó là kim chỉ nam giúp chúng ta giữ vững độc lập, chủ quyền, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới yêu quý và kính trọng không chỉ ở tư tưởng, mà còn ở phong cách ứng xử rất nhân văn. Ông có thể chia sẻ nhận định của mình về tính nhân văn trong ngoại giao của Người và bài học rút ra cho nhà ngoại giao hiện đại?
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân sinh động của một nền ngoại giao đầy tính nhân văn, nơi mỗi hành động, lời nói đều phản ánh chiều sâu của lòng yêu nước, lòng yêu con người và khát vọng hòa bình bền vững. Trong ứng xử với bạn bè quốc tế, Người không bao giờ chỉ nói bằng lý lẽ, mà bằng cả trái tim - một trái tim mang theo những đau thương của dân tộc, nhưng cũng tràn đầy bao dung, thiện chí và hy vọng.
Tính nhân văn trong ngoại giao Hồ Chí Minh thể hiện trước hết ở sự thấu hiểu và tôn trọng đối phương, dù đó là nguyên thủ quốc gia, nhà báo phương Tây hay người dân bình thường. Người luôn tìm thấy điểm chung giữa các nền văn hóa, giữa các dân tộc để từ đó xây dựng những nhịp cầu đối thoại trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau.
"Lan tỏa giá trị ngoại giao Hồ Chí Minh hôm nay không chỉ là nhắc lại một thời vang dội, mà là hành trình nuôi dưỡng bản lĩnh văn hóa cho thế hệ mới, để họ vừa đủ trí tuệ để vươn ra thế giới, vừa đủ sâu sắc để không đánh mất mình, đủ tử tế để khiến thế giới muốn đồng hành cùng một Việt Nam nhân văn, kiên cường và đáng tin cậy".
Người từng nói: “Chúng ta không chống lại nhân dân Pháp, không chống lại binh lính Pháp bị bắt buộc phải chiến đấu ở Việt Nam. Chúng ta chỉ chống chủ nghĩa thực dân". Đó không chỉ là một thông điệp chính trị, mà là tầm nhìn nhân văn sâu sắc vượt lên trên hận thù, thể hiện khát vọng kiến tạo một thế giới công bằng và nhân ái.
Bài học lớn nhất rút ra cho nhà ngoại giao hiện đại từ phong cách Hồ Chí Minh, chính là học cách làm người trước khi làm công cụ của chính sách. Một nhà ngoại giao không chỉ là người truyền đạt quan điểm quốc gia, mà còn là người gìn giữ thể diện văn hóa, là sứ giả của lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau. Trong thế giới bất định như ngày nay, ngoại giao vừa cần sự sắc sảo về chiến lược, vừa cần những trái tim ấm nóng, biết lắng nghe, biết đồng cảm và biết dẫn dắt bằng thiện chí.
Tư tưởng và phong cách ngoại giao nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là di sản quý báu của dân tộc, mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc về sức mạnh mềm của lòng nhân ái - sức mạnh thầm lặng nhưng có thể vượt qua mọi rào cản, chạm đến những giá trị bền vững nhất trong quan hệ giữa các quốc gia.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin với những cái bắt tay thật chặt đã nhất trí tạo bước phát triển mới, thực chất, hiệu quả giữa hai nước. (Nguồn: Điện Kremlin)
Nâng tầm vị thế Việt Nam trong thời đại mới
Theo ông, văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh đã góp phần như thế nào vào việc nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế?
Văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh đã góp phần rất lớn và mang tính nền tảng trong việc nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không chỉ bằng chiến lược mà bằng cả chất lượng văn hóa ứng xử, bản lĩnh đạo lý và giá trị nhân văn sâu sắc. Đó là một nền ngoại giao biết tự trọng và biết tôn trọng, biết mềm dẻo nhưng kiên cường, dám bảo vệ lẽ phải nhưng luôn đặt hòa bình và hợp tác làm mục tiêu tối thượng.
Ngay từ những năm đầu thành lập nước, giữa vòng vây của "thù trong giặc ngoài", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng chính phong cách ngoại giao đĩnh đạc mà khiêm nhường để khẳng định một Việt Nam có chủ quyền, lý tưởng và xứng đáng được thế giới tôn trọng. Chuyến thăm Pháp năm 1946 là một minh chứng. Tại Paris, dù trong tư thế của một nguyên thủ quốc gia non trẻ, Người vẫn đĩnh đạc đàm phán, sử dụng tiếng Pháp lưu loát, trích dẫn Voltaire, Rousseau, khéo léo đối thoại với báo chí phương Tây, để truyền đi thông điệp mạnh mẽ về khát vọng độc lập và tinh thần hòa hiếu của dân tộc Việt Nam. Chính sự giản dị, điềm tĩnh và đầy trí tuệ của Người đã khiến bạn bè quốc tế nể phục và hiểu rõ hơn về một Việt Nam không phải là “kẻ nổi loạn”, mà là một dân tộc có chính nghĩa, văn hóa và tầm nhìn.
Một ví dụ khác, vào năm 1955, khi dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bandung (Indonesia), Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đại diện cho Việt Nam mà còn trở thành tiếng nói chung của phong trào giải phóng dân tộc Á – Phi, kêu gọi các quốc gia đoàn kết vì độc lập, tự do và hòa bình. Phong thái ung dung, lời nói chân thành, sự gần gũi của Người đã tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng các lãnh đạo thế giới, góp phần khẳng định uy tín quốc tế của Việt Nam.
Ngày nay, chính nền tảng văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh đã giúp Việt Nam xây dựng thành công hình ảnh một quốc gia “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Chúng ta thấy điều đó qua việc Việt Nam hai lần đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với sự tín nhiệm cao; qua việc giữ vai trò chủ nhà các sự kiện quốc tế quan trọng như APEC 2017 hay Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019; gần đây nhất là những sáng kiến về xây dựng lòng tin trong khu vực, đóng góp tích cực vào gìn giữ hòa bình thế giới...
Tất cả những điều đó bắt nguồn từ một phong cách ngoại giao mang đậm bản sắc Việt, thấm đẫm tinh thần Hồ Chí Minh luôn biết mình là ai, muốn gì và sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, để đồng hành cùng thế giới bằng trí tuệ và lòng nhân ái. Đó chính là sức mạnh bền vững nâng tầm vị thế Việt Nam giữa thời đại mới.

ĐBQH. Bùi Hoài Sơn cho rằng, văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh đã góp phần rất lớn và mang tính nền tảng trong việc nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. (Nguồn: quochoi.vn)
Trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng, theo ông, chúng ta vận dụng tinh thần ngoại giao "dĩ bất biến, ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào để bảo vệ lợi ích quốc gia mà vẫn giữ gìn hòa bình, hợp tác?
Trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng, tinh thần ngoại giao “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nguyên tắc đối ngoại, mà là kim chỉ nam đầy giá trị thực tiễn cho việc bảo vệ lợi ích quốc gia trong một thế giới đầy biến động mà vẫn giữ được tinh thần hòa bình và hợp tác.
“Cái bất biến” ở đây chính là lập trường kiên định về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích cốt lõi và độc lập dân tộc. Đó là những giá trị không thể thương lượng, là nền tảng cho bản lĩnh quốc gia. Bên cạnh đó, “cái vạn biến” chính là nghệ thuật linh hoạt trong phương pháp, hình thức tiếp cận, chiến lược ứng xử để vừa thích nghi với hoàn cảnh thế giới, vừa tranh thủ tối đa các cơ hội hợp tác, thu hút nguồn lực và lan tỏa ảnh hưởng tích cực của Việt Nam.
Trong thực tế, Việt Nam đã và đang vận dụng sâu sắc tinh thần này trong ngoại giao hiện đại. Khi đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như CPTPP hay EVFTA, chúng ta không bao giờ từ bỏ các nguyên tắc bảo vệ lợi ích công nhân, nông dân và phát triển bền vững. Nhưng đồng thời, ta cũng chủ động thích ứng, cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để mở rộng không gian phát triển. Đó chính là “ứng vạn biến” trên nền tảng của “bất biến”.
Trong quan hệ quốc tế đa phương, khi đối mặt với những thách thức địa chính trị hay tranh chấp phức tạp trên Biển Đông, Việt Nam không chọn đối đầu hay nhượng bộ, mà chọn con đường kiên trì đàm phán, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982). Đó là biểu hiện rõ nét nhất của ngoại giao Hồ Chí Minh: Dùng đạo lý để bảo vệ chính nghĩa, dùng công cụ pháp lý để giữ vững chủ quyền, dùng thiện chí để xây dựng lòng tin.
Quan trọng hơn cả, trong bối cảnh các cường quốc cạnh tranh chiến lược gay gắt, Việt Nam đã khôn khéo giữ thế cân bằng, trung lập tích cực, không đứng về bên nào, nhưng sẵn sàng đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Điều đó cho thấy: Vận dụng tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” không phải là đi theo con đường dễ dàng, mà là biết lựa chọn con đường khôn ngoan nhất để bảo vệ đất nước trong danh dự và chính nghĩa.
Chúng ta học từ Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cách nói, cách làm, mà còn học tấm lòng yêu nước đến tận cùng, khát vọng vì một thế giới tốt đẹp hơn. Đó là nền tảng để Việt Nam hôm nay và mai sau, tiếp tục vững bước trong hội nhập quốc tế với bản lĩnh của một dân tộc biết mình là ai, đi đâu và vì điều gì.
“Chất liệu mềm” tạo dựng sức mạnh cứng của quốc gia
Với vai trò là người làm chính sách, ông thấy cần có những cơ chế hay chương trình gì để lan tỏa hơn nữa những giá trị của văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh đến thế hệ trẻ, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại?
Tôi cho rằng, trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng và từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế, việc lan tỏa những giá trị văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh đến thế hệ trẻ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại không chỉ là yêu cầu về truyền thống, mà còn là một đòi hỏi chiến lược để xây dựng lớp người tiếp nối có bản lĩnh, trí tuệ và chiều sâu văn hóa.
Muốn làm được điều đó, điều đầu tiên cần làm là thay đổi cách tiếp cận. Không chỉ dừng lại ở việc kể lại câu chuyện về Bác trong ngoại giao như một di sản để ngưỡng mộ, mà phải biến tư tưởng và phong cách của Người thành chất liệu sống động trong giáo dục, đào tạo và truyền cảm hứng cho hành động hôm nay.
Một chương trình giáo dục bài bản về “Ngoại giao Hồ Chí Minh” cần được đưa vào các cơ sở đào tạo cán bộ đối ngoại, các trường đại học có chuyên ngành quốc tế, rộng hơn nữa là vào trường phổ thông, để từ nhỏ, các em đã hình dung được một hình mẫu người Việt Nam hội nhập nhưng vẫn thấm đẫm bản sắc, trí tuệ và đạo lý.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các chương trình tập huấn thực tế và trải nghiệm chuyên sâu cho cán bộ trẻ, nhất là những người đang hoặc sẽ đảm nhiệm các vị trí then chốt trong hoạt động đối ngoại. Các lớp học không chỉ trang bị kỹ năng đàm phán, am hiểu công pháp quốc tế, mà còn phải rèn luyện phong cách ứng xử, năng lực truyền cảm và tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tức là kiên định lập trường, nhưng luôn mềm dẻo, linh hoạt trong phương pháp và hành động. Học ngoại giao không chỉ để nói đúng, mà để nói trúng, nói hay, quan trọng hơn cả là để được lắng nghe và lan tỏa những giá trị của Việt Nam bằng chính phong thái Việt Nam.
Trong thời đại số, việc lan tỏa tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại không thể chỉ dựa vào những hội thảo hay giáo trình hàn lâm. Chúng ta cần những cách kể chuyện mới thông qua phim tài liệu, podcast, triển lãm ảo, mạng xã hội, những video ngắn truyền cảm hứng từ hình ảnh của Người đến các giá trị của Việt Nam trên bàn đàm phán quốc tế. Những câu chuyện về cách Bác tiếp nhà báo phương Tây bằng trà Việt, đi guốc mộc trong các sự kiện ngoại giao, hay những câu nói dung dị mà sâu sắc trong các hội nghị quốc tế... chính là tài sản vô giá, là “chất liệu mềm” nhưng tạo dựng nên sức mạnh cứng của quốc gia.
Để cụ thể hóa hơn nữa, chúng ta nên có những sáng kiến mang tính thể chế như thành lập Quỹ phát triển nhân tài ngoại giao mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài trợ cho các nghiên cứu, chương trình đào tạo, học bổng quốc tế dành cho sinh viên, cán bộ trẻ trong lĩnh vực đối ngoại, văn hóa, truyền thông… Những hoạt động này không chỉ nuôi dưỡng thế hệ kế cận, mà còn truyền đi thông điệp mạnh mẽ về sự trân trọng của Đảng và Nhà nước đối với trí tuệ và phẩm chất văn hóa trong ngoại giao.
Cuối cùng cũng là điểm quan trọng nhất, cần tạo ra nhiều hơn các diễn đàn, cuộc thi, hoạt động đối thoại liên thế hệ về tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, nơi mà lớp cán bộ đi trước, những người từng đi qua những năm tháng làm bạn với thế giới trong gian khó, chia sẻ câu chuyện thật, trải nghiệm thật với người trẻ.
Khi được nghe, được hiểu và được cảm từ chính những con người từng sống, từng làm ngoại giao với tinh thần Hồ Chí Minh, các bạn trẻ sẽ không chỉ học được một phong cách, mà còn cảm được một lý tưởng sống, đó là làm người trước khi làm ngoại giao, mang theo Việt Nam trong từng hành động nhỏ giữa đời sống toàn cầu.
Lan tỏa giá trị ngoại giao Hồ Chí Minh hôm nay không chỉ là nhắc lại một thời vang dội, mà là hành trình nuôi dưỡng bản lĩnh văn hóa cho thế hệ mới, để họ vừa đủ trí tuệ để vươn ra thế giới, vừa đủ sâu sắc để không đánh mất mình, đủ tử tế để khiến thế giới muốn đồng hành cùng một Việt Nam nhân văn, kiên cường và đáng tin cậy.