Bài 1: Nhận diện 'văn hóa bẩn'

Xã hội ta đang hướng đến tăng trưởng xanh, cụ thể như hướng đến nền kinh tế xanh, đầu tư xanh, năng lượng xanh, môi trường xanh, thực phẩm sạch… Vậy nền văn hóa xanh, văn hóa sạch thì sao? Việc thanh lọc những sản phẩm mạo danh 'văn hóa', đang làm vẩn đục xã hội ta liệu có cần thiết và cấp thiết hay không, nhất là khi cả nước đang đẩy mạnh chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, để văn hóa thực sự là 'nền tảng tinh thần', 'soi đường cho quốc dân đi'?

Những thứ “văn hóa bẩn” đang ngày ngày làm ô nhiễm tâm hồn và đời sống của chúng ta. Ảnh: TL

Những thứ “văn hóa bẩn” đang ngày ngày làm ô nhiễm tâm hồn và đời sống của chúng ta. Ảnh: TL

Có thể có những người sẽ phản biện tôi: Đã gọi là văn hóa, thì cảm nhận đầu tiên nghĩ tới nghĩa là đẹp, là hay. Người ta thường nói: sống có văn hóa, hay ngược lại, là “vô văn hóa”. Sao có văn hóa bẩn được? Nhưng trên các phương tiện thông tin hiện giờ, các sản phẩm văn hóa thật - giả, tốt - xấu dường như đang bị lẫn lộn khó phân biệt. Có những bài hát nhảm nhí, bậy bạ; có những cuốn sách đầy “sạn”, có những video dựng lên để bêu xấu, nhục mạ người khác, thậm chí để nói xấu chế độ… Tôi tạm gọi các sản phẩm đó là thứ “văn hóa bẩn” để dễ nhận diện, bài trừ.

Lan tràn các sản phẩm độc hại

Một lần, nhân dịp chuẩn bị diễn ra Ngày Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam - PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng đặt vấn đề, ngoài việc tuyên truyền cho văn hóa đọc, cũng nên chú trọng tới cả “văn hóa nghe – nhìn”. Tôi khá tâm đắc với ý kiến này. Bởi xét ra, một cuốn sách có sạn thì khả năng lan truyền của nó chậm và hạn hẹp hơn rất nhiều so với một video, một hình ảnh, một bài hát… phản cảm, đang hàng ngày hàng giờ được hỗ trợ bằng công nghệ hiện đại, xuất hiện nhan nhản trên các nền tảng, thách thức những nỗ lực rà soát, gỡ bỏ của cơ quan chức năng.

Những thứ “văn hóa bẩn” đó đang ngày ngày làm ô nhiễm tâm hồn và môi trường sống của chúng ta, nhất là với giới trẻ, khả năng miễn dịch còn non nớt, lại thích khám phá, học hỏi cái mới.

Văn hóa là tinh hoa, tinh túy, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và có những phát biểu vô cùng thấm thía. Tổng Bí thư nói: “…Khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ. Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

Có những người nhờ các nền tảng công nghệ như TikTok, YouTube mà trở thành idol, “nhà sáng tạo nội dung”, được hàng triệu người theo dõi, thu nhập khủng. Nhưng sự thật có phải tất cả họ đáng là idol không và ngưỡng mộ, học theo họ sẽ có hậu quả gì - đây là điều không dễ trả lời trong vài câu chữ! Trên thực tế, đã có không ít người trong số đó, nếu chỉ gọi là vô văn hóa thì nghe chừng chưa đủ để thể hiện rõ. Hành động của họ còn nguy hiểm hơn những người sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, bởi họ đang làm ra những thứ “văn hóa bẩn”, làm ô nhiễm tâm hồn, tổn hại tinh thần của những người tiếp nhận sản phẩm của họ và về lâu dài còn có thể gây ra nhiều hệ lụy khác.

Đặc biệt, nhiều vụ lùm xùm mấy năm gần đây đã và đang bị pháp luật xử lý, như vụ Khá Bảnh, vụ Phương Hằng… Khi những vụ việc như thế nổi lên, chúng ta vỡ lẽ ra nhiều điều, và cũng giật mình vì nhiều điều. Hóa ra, đã từ lâu, những người như Khá Bảnh, Phương Hằng đã trở thành idol của rất rất nhiều người. Một động thái của họ trên facebook hay một lần livestream cũng thu hút 5 – 6 trăm nghìn lượt like!

Thế giới ảo - mối nguy thực!

Giới trẻ đang dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, trong khi khả năng "miễn dịch" với "văn hóa bẩn" chưa cao. Ảnh: TL

Giới trẻ đang dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, trong khi khả năng "miễn dịch" với "văn hóa bẩn" chưa cao. Ảnh: TL

Từ thế giới ảo đó, những mối nguy đã hiện hữu trở thành mất mát đau thương khi giới trẻ học theo những “trào lưu” trên mạng như ăn chơi đua đòi, đua xe, hút thuốc lá điện tử, dùng ma túy, bỏ nhà đi, bắt nạt, tự tử, các thử thách nguy hiểm khác… Gần đây, những vụ việc bắt nạt, đánh ghen, lừa đảo đang xảy ra ngày một nhiều hơn, liệu có tác nhân từ mạng xã hội hay không?

Phải chăng đang có thứ mạo danh “văn hóa”, len lỏi trong cuộc sống chúng ta, làm vẩn đục môi trường sống, khiến cho nhiều cá nhân, tổ chức bị bôi nhọ, đạo đức bị xói mòn. Giống như một thứ “mực”, nó đã âm thầm “nhuộm đen”, tạo ra những con người với tư duy, lý tưởng lệch lạc, và ở một mức độ nào đó, còn là nguyên nhân gây ra những rạn nứt, bất ổn trong gia đình, cộng đồng và xã hội?

Thực tại này làm dấy lên nỗi lo về thị hiếu xã hội đang bị hạ thấp để chiều chuộng thói đua đòi ăn chơi, soi mói tọc mạch, hội chứng chỉ trích chê bai, thậm chí vùi dập cá nhân theo kiểu đánh hội đồng… của lớp người có phông nền văn hóa thấp trong xã hội. Biểu hiện khá rõ là những clip đánh ghen, bắt nạt, ăn chơi bạt mạng… thu hút hàng triệu, chục triệu lượt view, và các “nhà sáng tạo nội dung” kiểu này thu về bộn tiền sau những điều nhảm nhí.

Khi những điều nhảm nhí ngày càng nhiều thêm, rất dễ tạo ra một thế hê suy nghĩ lệch lạc. Có khá nhiều thiếu niên coi những người làm ra các clip trên là thần tượng của đời họ và họ nguyện sẽ học theo, vì công việc nhẹ, thu nhập lại khủng, không vất vả học hành cũng sống “trên tiền”!

Mạng xã hội là gì, đâu còn là “ảo” nữa mà nó đang phơi bày thực tiễn đời sống. Chúng ta không thể quay lưng với mạng xã hội, mà phải “xắn tay áo lên” làm sạch nó, đưa lên những thông tin tốt đẹp, làm cho mạng xã hội đáng dùng, đáng tin cậy hơn, là nơi lan tỏa sự nhân ái, nơi truyền cảm hứng… – đây là việc không chỉ một cá nhân, cơ quan nào làm được mà cần sự quyết tâm và chung tay của cả xã hội.

Rà quét, phát hiện và xử lý “rác” trên mạng xã hội

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nhiều lần tổ chức làm việc, có văn bản kiên quyết yêu cầu TikTok và các nền tảng xuyên biên giới khác như Facebook, YouTube thực hiện việc chủ động ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm. Đồng thời phát triển công cụ, kỹ thuật để rà quét, phát hiện và xử lý thông tin vi phạm, hạn chế “rác” trên mạng xã hội.

Kim Thanh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bai-1-nhan-dien-van-hoa-ban-130515.html