Bài 1: Nhiều hồ sơ chưa được giải quyết, cấp giấy chứng nhận

Tồn đọng nhiều hồ sơ chưa được giải quyết, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất lần đầu tại nhiều địa phương; việc xét duyệt, cấp GCNQSD (đồng loạt theo dự án) cho người dân đạt tỷ lệ rất thấp. Một số vi phạm, thiếu sót của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai chậm được phát hiện và xử lý kịp thời; công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra của các cấp, các ngành chưa thường xuyên, kịp thời, chậm phát hiện, hoặc phát hiện nhưng chưa có biện pháp, chế tài phù hợp để quy trách nhiệm, xử lý…

Đây là những thực trạng đáng chú ý Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum chỉ ra qua giám sát việc cấp GCNQSD đất lần đầu cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.

Tồn đọng nhiều hồ sơ chưa giải quyết

Theo ghi nhận của Đoàn giám sát, các cấp, các ngành, địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác cấp GCNQSD đất lần đầu cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân từng bước đi vào quy trình, phù hợp điều kiện thực tế, tạo điều kiện cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nguồn lực đất đai mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Công tác cải cách thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra công vụ; tiếp công dân và giải quyết đơn thư kiến nghị khiếu nại, tố cáo được quan tâm.

Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh làm việc với UBND huyện Ia H'Drai. Ảnh: Phương Dung

Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh làm việc với UBND huyện Ia H'Drai. Ảnh: Phương Dung

Tuy nhiên qua giám sát thực tế, Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum chỉ ra: UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố chưa rà soát, phân loại, thống kê các diện tích đất được giao, cho thuê để sử dụng; diện tích đất đang sử dụng; diện tích đất được giao để quản lý chưa đăng ký, chưa được cấp GCNQSD đất ở từng thời điểm trước ngày 15.10.1993; trước ngày 1.7.2014 để đăng ký, cấp GCNQSD đất lần đầu cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. UBND tỉnh chậm ban hành quy chế tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận. Thực hiện trình tự, thủ tục cấp GCNQSD đất lần đầu có lúc, có nơi chưa bảo đảm quy định, chưa đúng quy trình, chậm trễ, kéo dài thời gian giải quyết.

Tình trạng tồn đọng nhiều hồ sơ chưa được giải quyết, cấp GCNQSD đất lần đầu tại nhiều địa phương; có địa phương cả thôn (làng) chưa được cấp GCNQSD đất. Việc xét duyệt, cấp GCNQSD (đồng loạt theo dự án) cho người dân đạt tỷ lệ rất thấp. Cấp GCNQSD đất có nguồn gốc từ đất thu hồi của các nông, lâm trường chậm. Một số vi phạm, thiếu sót của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai chậm được phát hiện và xử lý kịp thời; nhiều trường hợp không thực hiện hoặc chậm thực hiện các kết luận, kiến nghị xử lý vi phạm đã được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra.

Quy hoạch chồng chéo, không thống nhất

Đoàn giám sát cũng chỉ ra: trên địa bàn còn tồn tại song song nhiều loại quy hoạch xây dựng qua các thời kỳ chưa được bãi bỏ, thay thế dẫn đến chồng chéo, không thống nhất với quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng mới. Số liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và Quy hoạch 3 loại rừng, số liệu kết quả theo dõi diễn biến rừng hàng năm chưa thống nhất, do vậy việc tham chiếu các loại bản đồ quy hoạch để giải quyết chồng lấn đất canh tác, đất ở kéo dài, chưa xử lý gặp nhiều khó khăn. Nhiều diện tích đã được các hộ gia đình, cá nhân khai hoang sinh sống, sản xuất canh tác nông nghiệp từ lâu đời, ổn định, nhưng một phần diện tích này thuộc quy hoạch 3 loại rừng và kết quả theo dõi diễn biến rừng hàng năm hoặc quy hoạch xây dựng, giao thông... dẫn đến kết quả đo đạc thành lập bản đồ địa chính theo hiện trạng sử dụng đất có nhiều diện tích đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân không được xét duyệt cấp giấy chứng nhận là không phù hợp quy định phát luật.

Bên cạnh đó, tình trạng chồng lấn đất canh tác, đất ở kéo dài, chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm. Việc giao đất cho các nông, lâm trường trước đây không cụ thể, có nơi không được đo đạc, xác định ranh giới trên thực địa; nhiều trường hợp chỉ khoanh vẽ trên bản đồ có độ chính xác thấp, dẫn đến giao đất chồng lấn lên đất của nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác đang sử dụng, đặc biệt là tại địa bàn có các công ty lâm nghiệp quản lý rừng tự nhiên; hồ sơ đất đai của các nông, lâm trường chưa được lập, quản lý và lưu trữ đầy đủ, chặt chẽ là những nguyên nhân cơ bản của tình trạng giao đất chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm đất đai giữa các nông, lâm trường với người dân địa phương.

Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum cũng chỉ ra, công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra của các cấp, các ngành chưa thường xuyên, kịp thời, chậm phát hiện, hoặc phát hiện nhưng chưa có biện pháp, chế tài phù hợp để quy trách nhiệm, xử lý những vi phạm của đơn vị, địa phương buông lỏng quản lý, sử dụng đất đai cũng như các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có các vi phạm pháp luật về đất đai. Một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm nhiều đến việc tuyển dụng, sắp xếp, bố trí cán bộ công chức, viên chức và người lao động làm công tác đất đai, nhất là việc luân chuyển và kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức cấp xã làm công tác địa chính, xây dựng.

TRẦN THU

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-1-nhieu-ho-so-chua-duoc-giai-quyet-cap-giay-chung-nhan-i345123/