Bài 1: Nhu cầu gửi trẻ rất lớn nhưng trường, lớp không đủ đáp ứng
Bảo mẫu bạo hành trẻ em tại điểm giữ trẻ không là vấn đề mới, không ít trường hợp đã bị phát hiện và được xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn tiếp tục xảy ra và là một thách thức trong công tác quản lý của cơ quan chức năng đối với các nhóm trẻ, đặc biệt là nhóm trẻ tư thục.
Những năm gần đây, nhu cầu gửi trẻ ở nhóm tuổi nhỏ trong xã hội, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp và tại các đô thị là rất lớn. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của các trường mầm non công lập vẫn còn hạn chế. Đây chính là mảnh đất để các nhóm trẻ, điểm giữ trẻ tự phát tồn tại. Và đi cùng với nhóm trẻ, điểm giữ trẻ tự phát này là chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ không được đảm bảo.
XÓT XA TRẺ BỊ BẠO HÀNH
Những năm qua, có nhiều vụ bạo hành trẻ em trong trường mầm non gây rúng động trong cộng đồng. Có vụ bị lộ bởi những đoạn clip, trích xuất camera được tung lên mạng xã hội, có những vụ khi trẻ phải nhập viện, trẻ bị tử vong thì sự việc mới được lật lại điều tra. Điều đáng chú ý là bạo hành trẻ thường xảy ra nhiều ở các nhóm, lớp mầm non tư thục, mà kẻ có hành vi bạo lực lại chính là giáo viên hoặc bảo mẫu.

Mầm non là bậc học đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời của mỗi học sinh.
Gần đây nhất là vụ bảo mẫu tại điểm giữ trẻ tự phát tại ấp 4, xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang bạo hành trẻ gây phẫn nộ dư luận. Vụ việc được dư luận biết đến là vào ngày 2-4, khi mạng xã hội nhanh chóng chia sẻ một đoạn clip ghi lại cảnh bạo hành trẻ em của một bảo mẫu. Theo đoạn clip từ camera của cơ sở giữ trẻ này ghi lại, vụ việc xảy ra vào chiều ngày 31-3 tại một cơ sở giữ trẻ nằm gần Khu công nghiệp (KCN) Long Giang, xã Tân Lập 1.
Trong clip, bảo mẫu đang nằm lướt điện thoại tại khu vực các trẻ em đang ngủ. Bất ngờ, người bảo mẫu quay lại phía sau và dùng tay đánh tới tấp vào đầu, vào mặt một bé gái khoảng hơn 1 tuổi, mặc cho bé kêu khóc đau đớn.
Lực đánh mạnh tới mức mà camera ghi được những tiếng rất rõ cùng với tiếng khóc lớn của bé gái. Chưa kể trong khi đánh đập bé gái, người bảo mẫu đã thuận tay ném gối làm một bé trai đang ngồi thì bị ngã bật ngửa xuống mép đệm. Đoạn clip sau khi đăng tải đã nhận được hơn 1,4 triệu lượt xem cùng hơn 4,1 ngàn lượt bình luận. Cộng đồng mạng rất bức xúc, phẫn nộ trước hành vi hành hạ trẻ em của bảo mẫu.
Từ thông tin này cùng với trình báo của mẹ nạn nhân bị bạo hành, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, ghi nhận nạn nhân bị bạo hành là bé Dương Ngọc A. Nh. (18 tháng tuổi) và người có hành vi bạo lực đối với bé là người giữ trẻ tên Nguyễn Thị H. T.
Nội dung sự việc được chị Đinh T. K., sinh năm 1994, có hộ khẩu thường trú ở thôn Tân Lập, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông đang tạm trú tại ấp 3, xã Tân Lập 1 trình bày vào ngày 31-3-2025.
Được biết, thường ngày vào buổi sáng, chị T. K. chở con đến gửi tại điểm giữ trẻ tự phát thuộc hộ ông Nguyễn Tr. T. để đi làm công nhân tại KCN Long Giang. Đến khoảng 15 giờ 30 phút cùng ngày, khi quan sát camera tại điểm giữ trẻ, chị T. K. phát hiện bé bị người giữ trẻ đánh nên đã đến điểm giữ trẻ rước bé về và sau đó đưa đến Phòng khám đa khoa Sài Gòn Cửu Long - KCN Long Giang để thăm khám. Kết quả, bé Nh. bị sưng ở vùng đầu, hiện tại sức khỏe vẫn bình thường.
Xử lý vụ bạo hành này, hiện tại bảo mẫu Nguyễn Thị H. T. đã bị Công an Tiền Giang tạm giữ hình sự để tiếp tục điều tra, xử lý. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là vì sao nhóm trẻ, điểm giữ trẻ thiếu an toàn vẫn mọc lên và phụ huynh vẫn đem con gửi ở những nơi này?
NHU CẦU GỬI TRẺ RẤT LỚN
Hiện nay, ở TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang và địa phương có nhiều khu công nghiệp, tốc độ di dân cao thì trường mầm non công lập chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu, số còn lại phải trông chờ vào trường, lớp tư thục. Bên cạnh đó, hiện nay các trường mầm non công lập chỉ tiếp nhận giữ trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên và đa số các trường tư thục chỉ nhận trẻ từ đủ 18 tháng tuổi.
Trong khi đó, theo quy định thì thời gian nghỉ thai sản của phụ nữ là 6 tháng. Đối với các gia đình không có người thân hỗ trợ hoặc không có đủ chi phí để thuê người giữ trẻ thì họ buộc phải gửi con để đi làm. Do đó, nhu cầu gửi trẻ trong nhóm từ 6 tháng tuổi đến đủ 18 tháng tuổi hoặc đủ 24 tháng tuổi hoàn toàn phụ thuộc vào các nhóm trẻ tư thục.
Chị Đinh T. K, công nhân tại KCN Long Giang chia sẻ: “Gia đình ở xa và hoàn cảnh không cho phép ông bà đến giúp giữ cháu, bản thân tôi thì muốn được gần gũi, chăm sóc con nên không gửi bé về quê. Trường tư thục gần khu làm việc thì không còn chỗ nên tôi đành gửi bé ở nhóm trẻ tư nhân. Khi phát hiện con bị bảo mẫu đánh ở điểm giữ trẻ, tôi quá đau lòng”.
Tình cảnh của chị Đinh T. K. là tình trạng chung của không ít công nhân, người lao động hiện nay. Với mức thu nhập trung bình chỉ khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng, họ không thể đủ tiền thuê người giữ con để đi làm. Nếu chọn giải pháp ở nhà trông con cho đến khi con đủ tuổi vào trường mầm non thì khoảng thời gian đó họ mất nguồn thu nhập để sống, cũng như mất cơ hội việc làm trong tương lai.
Nhu cầu của xã hội ngày càng lớn cộng với thiếu trường lớp và giáo viên mầm non là nguyên nhân để những nhóm trẻ, điểm giữ trẻ thiếu an toàn có đất sống.
THỦY HÀ - V. PHƯƠNG
(còn tiếp)