Hai người con còn lại của người mẹ trục lợi bảo hiểm có thể bị ảnh hưởng thế nào?
Một người phụ nữ ở Quảng Nam bị cơ quan công an xác định là đã làm hại con nhỏ để trục lợi bảo hiểm. Ngoài 2 em nhỏ đã mất, người phụ nữ này còn có 2 người con lớn hơn. Vậy 2 trẻ lớn này có thể phải chịu những hậu quả nặng nề thế nào sau vụ việc kinh hoàng này?
Vụ việc người phụ nữ ở Quảng Nam bị cơ quan công an xác định là làm hại con ruột để trục lợi bảo hiểm khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Bất kỳ ai cũng xót thương cho em nhỏ xấu số và muốn người mẹ sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, nếu/ khi bị chính thức buộc tội.
Ngoài 2 trẻ nhỏ đã mất, người phụ nữ nói trên còn có 2 người con khác, lớn hơn. Thực tế, 2 trẻ lớn này cũng khó tránh khỏi những tổn thương nặng nề vì hành vi của mẹ. Với một sự việc thế này, 2 trẻ lớn có thể phải chịu những hậu quả thế nào về tâm lý, hành vi và sự phát triển nói chung?

Trẻ em có thể phải chịu những hậu quả tâm lý rất nặng nề do hành vi của cha mẹ. Ảnh minh họa: Bodnarchuk/ iStock.
Theo các nhà phân tích tâm lý, những trẻ phải trải qua việc mất đi em của mình do hành động của người mẹ - mà lại vì mục đích rất ích kỷ là lợi ích tài chính cá nhân - sẽ có thể chịu hàng loạt cảm xúc tiêu cực, bao gồm đau khổ, tội lỗi, giận dữ, lo lắng, thậm chí có thể bị rối loạn tâm lý và trầm cảm. Những trẻ này cũng có thể có sự thay đổi về hành vi, như thu mình, không muốn tiếp xúc với người khác, khó tập trung…
Cụ thể, về tâm lý, trẻ sẽ đau khổ và buồn bã - đây là những cảm xúc tự nhiên vì trẻ mất đi em của mình. Sự mất mát này dẫn tới cảm giác đau buồn sâu sắc, rất khó nhạt đi theo thời gian.
Đồng thời, trẻ có thể rất giận dữ đối với người mẹ, thậm chí đối với cả các thành viên khác trong gia đình, vì trẻ khó hiểu hết được những gì đã xảy ra và luôn bức bối.
Những trẻ còn sống còn rất đáng thương do có thể không tránh được cảm giác tội lỗi vì sự sống sót của chính mình. Dần dần, trẻ cũng có thể bị lo âu, sợ bị bỏ rơi, sợ bị làm hại trong tương lai.
Sự mất mát, sốc và nhiều cảm xúc tiêu cực như trên có thể khiến trẻ cảm thấy tuyệt vọng, thấy bản thân không có giá trị, không còn hứng thú với bất kỳ hoạt động gì, và trầm cảm.

Những tổn thương tâm lý từ ngày nhỏ có thể kéo dài hàng chục năm sau đó. Ảnh minh họa: Relucent.
Những hậu quả về tâm lý như vậy lại có thể dẫn tới sự thay đổi hành vi. Trẻ có thể thu mình, không muốn tiếp xúc xã hội, trở nên lặng lẽ và tự cô lập. Ở trường và trong cuộc sống hằng ngày, trẻ có thể rất khó tập trung, khó ghi nhớ. Thậm chí, những việc cơ bản như ăn, ngủ của trẻ cũng bị ảnh hưởng: Trẻ có thể ăn không ngon, khó ngủ, hay gặp ác mộng, thậm chí những trẻ ít tuổi có thể bị phát triển chậm lại. Một số trẻ có thể thể hiện sự đau khổ, tuyệt vọng của mình qua sự hung hăng, thách thức, bất chấp…
Rõ ràng, hành vi của người phụ nữ ở Quảng Nam khiến những người con còn sống cũng phải chịu những khổ sở, đau thương ở mức độ mà không một em nhỏ nào nên phải trải qua. Rất có thể các em sẽ cần được trị liệu, hỗ trợ về mặt tâm lý từ những người có chuyên môn về tâm lý trẻ em để các em có thể phát triển lành mạnh.
Sự chữa lành nào cũng cần thời gian. Đối với 2 con lớn của người phụ nữ nói trên, mong rằng các cơ quan chức năng và những người lớn bên cạnh các em sẽ thấu hiểu, kiên nhẫn và hỗ trợ các em lâu dài.