Bài 1: Những căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc về xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn còn nguyên giá trị

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời lãnh đạo, rèn luyện tư tưởng, bản lĩnh chính trị của Đảng, để Đảng giữ vững ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi, thành tựu to lớn, vĩ đại, giải phóng dân tộc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, mưu cầu độc lập - tự do - hạnh phúc cho Nhân dân.

Ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng cho đến trước lúc đi xa, mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây cũng là một trong nhiều vấn đề cốt lõi được Người nhắc đến trong Di chúc để lại cho Đảng và Nhân dân ta.

Phải thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh toàn diện

Trong số các di cảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Di chúc của Người là một văn kiện vô cùng quý giá, kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân, một lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta. Bản Di chúc được Người chắp bút từ năm 1965, khi Người đã 75 tuổi, ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm”. Và từ đó cho đến năm 1969, Người đã nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung Di chúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu

Song điều đáng nói là, trong các bản Di chúc, bản viết lần đầu tiên ngày 15.5.1965 và bản được công bố ngày 10.5.1969 thì điều đầu tiên mà Người nhắc đến trong Di chúc vẫn là: “Trước hết nói về Đảng”, thậm chí trong bản năm 1969, Người đã viết hoa cụm từ này. Điều đó cho thấy, Người rất coi trọng, quan tâm đến vấn đề trọng yếu nhất là về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta luôn là một đảng mácxít chân chính, “là đạo đức, là văn minh”, đại biểu cho lương tri và phẩm giá của dân tộc Việt Nam. Đây cũng chính là điều mà ngay trong quá trình vận động thành lập Đảng, Người đã nói rõ rằng: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Người đã nhận thức sâu sắc thực tiễn rằng: “Dân thường chia rẽ phái này bọn kia, như dân ta người Nam thì nghi người Trung, người Trung thì khinh người Bắc, nên nỗi yếu sức đi, như đũa mỗi chiếc mỗi nơi”. Do đó, Người chỉ ra rằng: “Vậy nên sức cách mệnh phải tập trung, muốn tập trung phải có đảng cách mệnh”. Và rằng: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”.

Nhận thức được vai trò, trách nhiệm to lớn của Đảng đối với cách mạng, nên sinh thời Người đã luôn luôn nhắc nhở phải thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh toàn diện, để bảo đảm vai trò là yếu tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Năm 1947, khi viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ phải chỉnh đốn Đảng. Đây là lần đầu tiên Người sử dụng cụm từ “chỉnh đốn Đảng” và coi đây là nhiệm vụ cốt yếu, then chốt bảo đảm cho vai trò lãnh đạo của Đảng.

Trong tác phẩm này, Người đã chỉ ra nhiều loại “bệnh” trong Đảng và trong từng cán bộ, đảng viên như: bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa, chỉ ra nguyên nhân của các loại bệnh này và chỉ dẫn những biện pháp khắc phục. Người chỉ ra rằng: “Để chữa khỏi những bệnh kia, ta phải tự phê bình ráo riết, và phải lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó phải đi đôi với nhau. Trong lúc phê bình, khuyết điểm phải vạch ra rõ ràng, mà ưu điểm cũng phải nhắc đến. Một mặt là để sửa chữa cho nhau. Một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau. Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”. Người đã đưa ra 12 điều chuẩn mực về tư cách của một đảng chân chính cách mệnh và quán triệt:

“Muốn cho Đảng được vững bền

Mười hai điều đó chớ quên điều nào”.

Sau này, trong nhiều tác phẩm, bài nói, bài phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn luôn nhắc nhở, quán triệt vấn đề phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng để giữ gìn uy tín và bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng, với Tổ quốc, với nhân dân. Những lời nhắc nhở về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được kết tinh trong bản Di chúc thiêng liêng của Người.

Ra sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình

Với tầm nhìn sâu rộng, nhãn quan chính trị nhạy bén, sáng suốt, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi... việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ Nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi".

Người căn dặn: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta". Đoàn kết làm nên sức mạnh, là cội nguồn của mọi thành công mà nhờ đó, "từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác". Muốn xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết phải có sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng. Đoàn kết trong Đảng là tiền đề, là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở để phát huy, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là tiền đề thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng xã hội mới. Đoàn kết còn góp phần ngăn ngừa nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền.

Do đó, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, từ Trung ương đến chi bộ, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đồng thời, phải đề cao và "thực hành dân chủ rộng rãi" trong hoạt động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, để tập hợp lực lượng cách mạng, phát huy trí tuệ, tiềm năng, sức sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.

Đồng thời, để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, Người đã nhắc nhở: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.

Trong bản Di chúc bổ sung năm 1968, Người đã chỉ ra một cách cụ thể hơn rằng, sau khi kết thúc chiến tranh, “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Người đã nhận rõ sự lớn mạnh của Đảng cũng chính là sự lớn mạnh của cách mạng, của dân tộc. Do đó, Người coi việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng thường xuyên chính là điều kiện tiên quyết để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng một cách bền vững, lâu dài, và qua đó bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam, bảo đảm sự phát triển bền vững, trường tồn của quốc gia - dân tộc.

Biện pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Di chúc của Người trước hết là phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng. Và muốn như thế, các đảng viên phải thật sự thương yêu lẫn nhau, phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Đồng thời, mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Chỉ có như vậy, mới có thể xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân. Đó chính là sức mạnh, là nguồn lực để “công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi” như Người đã khẳng định trong Di chúc.

Những chỉ dạy của Người trong Di chúc vừa là sự tổng kết sâu sắc về lý luận, vừa là vấn đề mang tính nguyên tắc để giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, sức chiến đấu của tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo nên sức mạnh quy tụ lực lượng, củng cố và nâng cao niềm tin của quần chúng Nhân dân đối với Đảng, với cách mạng.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bai-1-nhung-can-dan-cua-chu-tich-ho-chi-minh-trong-di-chuc-ve-xay-dung-chinh-don-dang-van-con-nguyen-gia-tri-i387334/