Trạm bơm Yên Sở đang chạy hết công suất chống ngập cho nội thành Hà Nội
Cơn mưa lớn rạng sáng nay đã gây úng ngập nhiều khu vực của Hà Nội, Trạm bơm Yên Sở hoạt động hết công suất 10 tiếng mà hồ điều hòa bên ngoài mực nước vẫn duy trì mức cao, chưa giảm.
“11 giờ trưa nay, mực nước hồ điều hòa Yên Sở vẫn là 3,5m, cao hơn mức bình thường từ 1,4-1,7m. Tất cả các tổ máy của trạm bơm đang hoạt động hết công suất để bơm ra sông Hồng” – ông Cao Anh Bình, Trạm trưởng Trạm bơm Yên Sở, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết trưa nay, 16-9.
Mưa lớn lúc rạng sáng, trạm bơm lại phải hoạt động hết công suất
Hà Nội bao gồm Hà Tây cũ đang thoát nước qua hệ thống tự chảy và bơm cưỡng bức. Tình huống mưa lớn, hệ thống tự chảy không thể thoát kịp thì bơm cưỡng bức vào cuộc.
Ông Bình cho hay, Trạm bơm Yên Sở đang vận hành 20 tổ máy bơm, tổng công suất 90m3/s, 2 kênh dẫn và 5 hồ chứa, tổng sức chứa khoảng hơn 4 triệu m3 nước thải.
“Đây là khu vực trũng của thành phố, khi có mưa lớn, nước trong khu vực nội thành cũ thuộc lưu vực các sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu khi không tự thoát được ra sông Nhuệ thì đổ về hồ điều hòa Yên Sở và được chúng tôi bơm ra sông Hồng” – ông Bình giới thiệu khái quát.
Trong điều kiện bình thường không có mưa, nước hồ điều hòa Yên Sở chỉ khoảng 1,8 – 2,1 m thì trạm bơm không vận hành hoặc chỉ chạy vừa phải. Nhưng khi mực nước hồ dâng lên nhiều hơn thì công suất vận hành cũng tăng dần. Nhiệm vụ là thoát nước, cứu ngập cho nội thành Hà Nội.
“Từ những cơn mưa trước và sau bão số 3, ngớt mấy ngày thì cơn mưa rạng sáng nay đã làm cho nước hồ dâng cao đột biến. Trạm bơm phải hoạt động hết công suất. Đến giờ đã hơn 10 tiếng rồi, trời đã hết mưa, nhưng mực nước hồ vẫn duy trì ở mức 3,5 m, chưa rút chút nào, chứng tỏ nước trong nội thành và hệ thống sông nội đô còn rất nhiều” – ông Bình nói.
Nếu tính từ đầu năm 2024 đến nay, đây là lần thứ ba Trạm bơm Yên Sở phải hoạt động hết công suất.
Đợt đầu tiên là trận mưa trong bão số 2, hồi tháng 7; đợt thứ 2 là trận mưa trước bão số 3, ngày 6-9; và đợt 3 là từ sau bão số 3 đến nay.
“Nhất là trong đợt ngập lụt do bão số 3 vừa qua, có những lúc Trạm bơm Yên Sở rơi vào trạng thái báo động. Theo kịch bản đã đặt ra, chúng tôi phải sử dụng bao tải cát chặn các cổng, ngăn nước tràn vào. Rất may là là chưa xảy ra tình trạng nước lũ tràn hồ tràn vào trạm bơm, nhưng tình hình cũng rất nguy cấp” – ông Bình nói.
Hệ thống bơm thoát úng
Báo cáo của Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết trận mưa kéo dài từ 2-7 giờ sáng 16-9 với cường độ 69,5 -154,5 mm tại các quận đã khiến nhiều khu vực nội thành ngập nước. Còn tại ngoại thành, lượng mưa cao nhất tại huyện Đông Anh lên đến 229 mm.
Mưa lớn kèm theo ảnh hưởng ngập lụt của bão số 3 đã khiến khu vực nội thành có tới gần 40 điểm úng ngập cục bộ.
Cụ thể như lưu vực sông Tô Lịch có các điểm Thái Hà, Quan Nhân, Bùi Xương Trạch, Vương Thừa Vũ, Nguyễn Tuân, Cự Lộc, Nguyễn Khuyến, ngã 3 Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, Liên Trì - Nguyễn Gia Thiều, 155 Phùng Hưng, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Thụy Khuê, Cao Bá Quát.
Lưu vực sông Cầu Bây có các điểm gồm gầm chui xe lửa phố Thiên Đức, Nam Đuống, ngõ 80 Hoa Lâm, Cổ Linh, Đàm Quang Trung, Vũ Xuân Thiều, Ngọc Lâm.
Lưu vực sông Nhuệ có các điểm đại lộ Thăng Long (ngã ba giao Lê Trọng Tấn), hầm chui (số 3, số 5, số 6, Km9+656), Triều Khúc, Cầu Bươu, Yên Xá, khu Tổng cục V - Bộ Công an, đường Tố Hữu, Yên Nghĩa (bến xe Yên Nghĩa tới ngã ba Ba La), đường Quyết Thắng, Võ Chí Công, Phú Xá, Hoa Bằng, Phùng Khoang, Lê Lợi - Trần Hưng Đạo, Quang Trung (trước cổng Trường THPT Nguyễn Huệ và đối diện ga La Khê), Tô Hiệu, đường Quyết Thắng.
Mưa lớn diện rộng buộc các trạm bơm của Hà Nội phải hoạt động hết công suất.
Cụ thể như Trạm bơm Đồng Bông 1 hoạt động 13/14 bơm; Trạm bơm Đồng Bông 2 hoạt động 9/9 bơm; Trạm bơm Cổ Nhuế hoạt động 4/4 bơm; Trạm bơm Yên Sở: 20/20 bơm. Còn với các khu vực đô thị bên bờ Bắc sông Hồng, trạm bơm tiêu thoát nước Bắc Thăng Long Vân Trì đang hoạt động 3/4 bơm.
Sông Nhuệ vốn là lối tiêu thoát nước tự nhiên cho một phần lớn Hà Nội, nhưng khi nước dâng lên sau những trận mưa lớn của bão số 3, rồi đến trận mưa sáng nay, cửa đập Thanh Liệt dẫn nước sông Tô Lịch chảy ra sông Nhuệ đã phải đóng lại. Tại thời điểm đó, nước trên sông Nhuệ cao hơn so với khu vực nội thành khoảng 0,5 m.