Bài 1: Những 'chiến sĩ áo trắng' kiên trung, tận tụy

Từ những thành tựu của ngày hôm nay, nhìn lại hành trình phát triển của ngành Y tế Tiền Giang, đó là một quãng đường dài phấn đấu không ngừng nghỉ, hành trình của sự đấu tranh kiên cường, vượt qua gian khó để phát triển sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ngành Y tế Tiền Giang luôn tự hào với truyền thống vẻ vang trong suốt hành trình phát triển của mình. Trong hành trình đó, những “chiến sĩ áo trắng” đã chiến đấu ngoan cường trong cuộc kháng chiến cứu quốc và nỗ lực vượt qua khó khăn, đi đến thành công trong sự nghiệp xây dựng quê hương.

KHI THẦY THUỐC LÀ CHIẾN SĨ

Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, những “chiến sĩ áo trắng” có nhiều đóng góp công sức, xương máu cho Tổ quốc. Đứng trước kẻ thù, họ là những chiến sĩ cách mạng kiên trung và khi đứng trước bệnh nhân, họ là những “từ mẫu”.

Tiền Giang là 1 trong những tỉnh đứng đầu cả nước về phong trào “5 dứt điểm” và được Bộ Y tế khen thưởng (trong ảnh: Bác sĩ Lưu Thị Bạch (thứ 3 từ trái sang) kiểm tra công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ở Trạm Y tế xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo năm 1983.

Tiền Giang là 1 trong những tỉnh đứng đầu cả nước về phong trào “5 dứt điểm” và được Bộ Y tế khen thưởng (trong ảnh: Bác sĩ Lưu Thị Bạch (thứ 3 từ trái sang) kiểm tra công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ở Trạm Y tế xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo năm 1983.

Theo lịch sử ngành Y tế Tiền Giang, trong những năm từ 1945 - 1948, nhiều tổ chức y tế thành lập ở Tiền Giang như: Ban Y tế kháng chiến, Quân y Chi đội 17, Quân y vụ tỉnh Mỹ Tho, Quân y xá tỉnh, Quân y viện Khu 8…

Giai đoạn 1956 - 1965, tỉnh chưa có hệ thống dân y nên việc đào tạo cán bộ y tế, điều trị đều do quân y đảm nhiệm (Ban Quân y tỉnh do đồng chí Huỳnh Khánh Đức là Trưởng ban, đồng chí Hồ Thị Bảy là Phó Trưởng ban), đây là mô hình quân - dân y kết hợp khá hiệu quả. Toàn tỉnh Mỹ Tho đã có nhiều cán bộ y tế phục vụ nhân dân bằng hình thức lưu động tại các xã.

Giữa năm 1965, Ban Dân y tỉnh được thành lập do bác sĩ Nguyễn Long Giang làm Trưởng ban và y sĩ Phạm Liên Nguyệt là Phó Trưởng ban, phụ trách xây dựng mạng lưới y tế huyện - xã, cùng với thành viên là y sĩ Lưu Thị Bạch và Nguyễn Văn Lâm phụ trách công tác đào tạo.

Lúc này, hệ thống dân y các huyện được tách khỏi quân y, vẫn duy trì quân - dân y kết hợp trong hoạt động y tế tuyến xã; mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, đi vào hoạt động có nền nếp và phục vụ ngày càng hiệu quả. Hầu hết các xã vùng giải phóng và một số xã vùng tranh chấp đã có trạm y tế, nhà bảo sanh để phục vụ cho công tác cấp cứu trên chiến trường và điều trị cho nhân dân đến ngày thắng lợi 30-4-1975.

Trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, đã có hơn 120 “chiến sĩ áo trắng” của quê hương Tiền Giang đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước, vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân; trong số đó có gương sáng của 3 nữ liệt sĩ ngành Y được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đó là: Liệt sĩ Nguyễn Thị Bờ, nguyên là Trưởng Ban Dân y huyện Tây, tỉnh Gò Công, hy sinh vào tháng 10-1969; liệt sĩ Lê Thị Lệ Chi và liệt sĩ Lê Thị Ngọc Tiến quê ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, hy sinh vào tháng 4-1972.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, 2 ngành Quân y và Dân y ở Tiền Giang từng lúc, từng nơi, từng cấp hầu như không có sự tách biệt và luôn hướng đến một nhiệm vụ chung là phục vụ chiến đấu, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, thương binh, bệnh binh nói riêng.

Bác sĩ Lưu Thị Bạch, nguyên là Phó Ty Y tế Tiền Giang (sau này là Phó Giám đốc Sở Y tế) giai đoạn 1977 - 1993, người mà mọi người hay gọi thân thương là cô Ba Bạch vẫn xúc động khi nhớ về những ngày cùng đồng đội phục vụ kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Cô Ba Bạch chia sẻ: “Cán bộ y tế hồi ấy không chỉ là chăm sóc sức khỏe, chữa thương cho thương binh mà còn lo cả ăn uống, giặt giũ; đi bắt cá, hái rau để lo cho thương binh, bảo vệ thương binh trong những lúc địch càn quét. Phương thức tổ chức và hoạt động thời kỳ đó rất linh hoạt, thương binh bệnh nặng hay nhẹ đều gửi nhà dân có hầm bí mật để bảo vệ khi có địch càn đến.

Thiếu thuốc nên chúng tôi phải bào chế nước cất, filatov, si rô… để phục vụ bệnh nhân. Khó khăn là vậy, nhưng mọi người luôn hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao cho là chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong kháng chiến, có những cán bộ y tế hy sinh thân mình để bảo vệ thương binh. Những hình ảnh ấy thể hiện tình thương, trách nhiệm và đạo đức của người thầy thuốc với tấm lòng “lương y như từ mẫu”.

VƯỢT QUA CAM GO, THỬ THÁCH

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành Y tế Tiền Giang cùng với cả nước bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước ổn định và phát triển. Có thể nói, đó là những năm tháng đầy cam go và thử thách.

Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Lê Thị Lệ Chi và liệt sĩ Lê Thị Ngọc Tiến được xây dựng tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, là nơi về nguồn của cán bộ ngành Y tế Tiền Giang.

Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Lê Thị Lệ Chi và liệt sĩ Lê Thị Ngọc Tiến được xây dựng tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, là nơi về nguồn của cán bộ ngành Y tế Tiền Giang.

Theo bác sĩ Lưu Thị Bạch, vào tháng 4-1976, Ty Y tế Tiền Giang được thành lập do bác sĩ Hoàng Vĩnh Bảo (Trần Hữu Hằng) làm Trưởng ty. Trong những năm tháng đầu sau giải phóng, ngành Y tế Tiền Giang đối mặt với vô vàn khó khăn từ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc men cho đến nhân lực. “Hồi đó, toàn tỉnh chỉ có chưa đầy 20 bác sĩ, cán bộ y tế, chủ yếu là y sĩ và y tá; khoảng 50% xã trong tỉnh có trạm y tế.

Về trang thiết bị y tế, chỉ có 1 bộ dụng cụ đại phẫu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa có nhiều chuyên khoa sâu và trong thời kỳ đó, bệnh viện chỉ có thể thực hiện được những loại phẫu thuật đơn giản”- bác sĩ Lưu Thị Bạch nhớ lại.

Những thiếu thốn về trang thiết bị, về chế độ, chính sách không làm nản lòng đội ngũ thầy thuốc. Đó là những năm tháng mà ngành Y tế Tiền Giang vượt qua khó khăn để đi lên, đạt được những thành quả rất đáng tự hào. Với những nỗ lực vì sức khỏe nhân dân, hệ thống mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và đi vào hoạt động có hiệu quả.

Đến năm 1985, toàn ngành Y tế tỉnh nhà có 4.729 cán bộ y tế, trong đó, có 102 bác sĩ, 50 dược sĩ đại học, phần nào đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Chặng đường đầu tiên của ngành Y tế Tiền Giang với bao khó khăn, đi từ không đến có, từ khó đến dễ, từ ít đến nhiều, cùng với các ngành chức năng, ngành Y tế Tiền Giang đã đề xướng nhiều phong trào chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tỉnh thực hiện mạnh công tác tiêm chủng các bệnh dịch tả, dịch hạch, đậu mùa, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và phòng, chống bệnh sốt rét, lao. Nhờ vậy mà khi xảy ra trận dịch tả tại 83 xã, phường vào tháng 4-1980, Tiền Giang đã dập tắt dịch trong vòng 40 ngày. Tiền Giang trở thành lá cờ đầu cả nước trong phong trào “5 dứt điểm”, “trồng và sử dụng thuốc Nam”, “Đông Nam y kết hợp”, “3 công trình vệ sinh”…

Sau ngày đất nước đổi mới, ngành Y tế Tiền Giang đã kế thừa được nhiều tinh hoa của thế giới về y học để xây dựng ngành ngày một lớn mạnh.

MAI HÀ

(Còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202502/nganh-y-te-tien-giang-tu-hao-qua-khu-vung-buoc-tuong-lai-bai-1-nhung-chien-si-ao-trang-kien-trung-tan-tuy-1034884/