Bài 1: Những chuyển biến bước đầu
Tỉnh ủy Đồng Nai vừa tổ chức Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TU ngày 24.3.2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, đến nay, hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có chuyển biến.
Bài 2: Còn khiêm tốn và chưa đồng đều
Bài 3: Đồng bộ về hạ tầng thu gom, vận chuyển
43% hộ dân thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt
Đồng Nai là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh. Điều này một mặt tạo ra nhiều việc làm, tạo điều kiện cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng cũng gây không ít áp lực về giao thông, nhà ở, môi trường…
Để giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra, tỉnh đã cho triển khai các dự án xử lý chất thải, đề ra chỉ tiêu giảm chôn lấp theo từng giai đoạn, đồng thời thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Theo đó, năm 2009, tỉnh cho thí điểm tại 4 phường ở TP. Biên Hòa, sau đó có thêm TP. Long Khánh và một số huyện. Chương trình bước đầu được người dân hưởng ứng, nhưng thời điểm đó, các hạ tầng như phương tiện vận chuyển, điểm tập kết, trạm trung chuyển và công nghệ xử lý chưa đáp ứng nên hiệu quả không cao.
Để khắc phục tình trạng này, năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 54-CT/TU, yêu cầu cả hệ thống chính trị, chủ nguồn thải, đơn vị dịch vụ môi trường cùng có trách nhiệm phân loại, xử lý chất thải. Đồng thời, có nhiều kế hoạch, chương trình hành động, văn bản hướng dẫn được ban hành và triển khai thực hiện.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai Đặng Minh Đức cho biết, hiện nay, rác phát sinh trong quá trình sinh hoạt trên địa bàn tỉnh khoảng 1.895 tấn/ngày. Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị 54/CT-TU, tỷ lệ hộ gia đình phân loại chất thải rắn tại nguồn đã tăng từ 6% lên 43%, với hơn 403 nghìn hộ dân thực hiện, chiếm 43% hộ dân toàn tỉnh và 21% tổng lượng rác sinh hoạt được phân loại tại nguồn.
Theo đó, phần lớn rác có khả năng tái chế, tái sử dụng (rác ve chai) đã được phân loại từ hộ gia đình, từ đội ngũ thu gom rác để bán, làm nguyên liệu sản xuất. Rác thải nguy hại trong sinh hoạt (pin, bao bì chất tẩy rửa, rác điện tử) và sản xuất nông nghiệp (bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thú y) được thu gom, xử lý theo quy trình. Đối với rác hữu cơ, nhiều huyện đã triển khai cho nông dân mô hình xử lý rác thành phân bón. Bên cạnh đó, 11 huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện sâu, rộng; các địa phương đã rà soát, từng bước chuẩn hóa trạm trung chuyển, yêu cầu đơn vị thu gom, vận chuyển nâng cấp phương tiện.
Triển khai có hiệu quả tại các địa phương
Với tỷ lệ hơn 72% hộ dân thực hiện, đến nay, TP. Long Khánh là địa phương có tỷ lệ hộ dân phân loại chất thải rắn sinh hoạt cao nhất tỉnh. Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Long Khánh Đào Đại Giang, thực hiện Chỉ thị số 54 của Tỉnh ủy và kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị của UBND tỉnh; thành phố đã yêu cầu 15 phường, xã trên địa bàn lựa chọn tuyến đường, khu dân cư làm điểm trước, sau đó nhân rộng ra các khu còn lại. Đồng thời, lập hơn 130 tổ/mô hình tự quản môi trường để tuyên truyền, nhắc nhở người dân đăng ký, thu gom và phân loại rác; giám sát hoạt động thu gom, xử lý rác của đơn vị dịch vụ môi trường.
Ngoài ra, thành phố trang bị 550 thùng loại 240 lít và 163 thùng chứa chất thải nguy hại, đáp ứng cho phân loại rác tại nguồn. Nhờ vậy, tại các tuyến đường, khu dân cư điểm có khoảng 82% hộ dân và bình quân chung thành phố là 72% hộ dân thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn tại nguồn. Hiện TP. Long Khánh có tổng khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 110 tấn/ngày và tỷ lệ thu gom, xử lý rác đạt 100%.
Tương tự, tại huyện Xuân Lộc, chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt được gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nên tỷ lệ hộ gia đình phân loại rác ngày một tăng theo kết quả xây dựng nông thôn mới. Đến nay, có hơn 38 nghìn hộ dân đăng ký phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, chiếm 65% hộ dân toàn huyện, trong đó hơn 31 nghìn hộ phân loại rác đúng theo hướng dẫn.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Xuân Lộc Trần Quỳnh Trâm biết, địa phương rất quan tâm và đẩy mạnh truyền thông đến hộ gia đình, nông dân, học sinh về ý nghĩa, mục đích của phân loại rác tại nguồn. Điểm thuận lợi là đa phần hộ gia đình làm nông nghiệp có thể áp dụng ngay cách làm tách rác hữu cơ ủ làm phân bón, vừa giảm lượng rác cần xử lý, vừa tiết kiệm tiền phân bón. Tuy nhiên, do nguồn lực để tuyên truyền, hướng dẫn chưa bảo đảm, việc chuẩn hóa phương tiện chưa đồng bộ nên còn những hạn chế nhất định. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục truyền thông phân loại rác gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng các mô hình xã hội hóa thu gom rác và kêu gọi đầu tư dự án khu xử lý rác thải 52ha tại xã Xuân Hưng theo quy hoạch, nhằm đạt mục tiêu 85% hộ dân thực hiện phân loại rác.
Với huyện Trảng Bom, UBND huyện cho biết, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn khoảng 200 tấn/ngày. Hiện nay, huyện có 13 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực môi trường, gồm Trung tâm dịch vụ hạ tầng công ích huyện, 11 hợp tác xã và 1 cá nhân thu gom rác thải sinh hoạt. Tỷ lệ đăng ký dịch vụ thu gom rác trên địa bàn huyện đạt 60 - 70%. Đối với các hộ xa khu dân cư chưa có tuyến thu gom thì UBND các xã, thị trấn đã hướng dẫn các hộ dân tự xử lý làm chất thải hữu cơ ủ phân bón cho cây trồng và chôn lấp. Ngoài ra, huyện có 69 bể thu gom, xử lý vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Ghi nhận nỗ lực và những kết quả bước đầu trong phân loại, thu gom, xử lý rác thải, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Quản Minh Cường nhấn mạnh, để phân loại, thu gom, xử lý hiệu quả, ý thức của người dân có vai trò quyết định. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức… phải là tấm gương cho quần chúng noi theo. Bên cạnh việc hoàn thiện hạ tầng, nâng cao nhận thức của người dân, cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và áp dụng chế tài xử phạt hành vi không tuân thủ quy định của pháp luật về xử lý chất thải rắn sinh hoạt.