Bàn giải pháp cho các vấn đề mới nổi ảnh hưởng đến trẻ em và phụ nữ ASEAN
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết Việt Nam tích cực thúc đẩy hợp tác ASEAN nhằm thúc đẩy bảo vệ quyền trẻ em và phụ nữ, tạo môi trường an toàn cho trẻ.
Ngày 15-11, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia ACWC với vai trò là cơ quan đầu mối, phụ trách hợp tác của Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) ở cấp quốc gia.
Phát biểu khai mạc, bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH, đại diện ACWC về Quyền trẻ em của Việt Nam, cho biết ACWC đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em và phụ nữ trong ASEAN.
Thông qua việc thực hiện các kế hoạch công tác 5 năm với các hoạt động về thúc đẩy bình đẳng giới, lồng ghép giới, xóa bỏ tất cả hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em cũng như giải quyết những vấn đề mới nổi ảnh hưởng đến trẻ em và phụ nữ ASEAN.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 1.317 vụ xâm hại trẻ em, liên quan đến 1.697 đối tượng, ảnh hưởng đến hơn 1.300 trẻ em. Con số này giảm 31 vụ so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, số vụ xâm hại tình dục trẻ em giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vấn đề xâm hại trẻ em vẫn là một vấn đề nghiêm trọng cần được quan tâm và xử lý quyết liệt.
Nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam, bà Đức cho biết Việt Nam đang tích cực thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em thông qua nhiều hoạt động phối hợp quốc tế. Đồng thời, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia ASEAN nhằm xây dựng lộ trình thực hiện "Tuyên bố xóa bỏ nạn bắt nạt trẻ em trong khu vực".
Đặc biệt, Việt Nam hiện tiến hành đánh giá cuối kỳ Kế hoạch Hành động ASEAN về chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2015-2025, chuẩn bị xây dựng kế hoạch mới cho giai đoạn 2026-2035.
Phía Việt Nam cũng đề xuất tiếp tục tham vấn giữa Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ Quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) với các thành viên mạng lưới, đặc biệt trong các dự án do Việt Nam chủ trì.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Chánh Văn phòng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết công tác bảo vệ trẻ em trước các nội dung tiêu cực trên không gian mạng và xã hội tiếp tục được đẩy mạnh.
Các chính sách đảm bảo trẻ em không tham gia vào các công việc ảnh hưởng đến học tập, sức khỏe và phát triển tinh thần cũng được quan tâm.
Đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Đặng Thị Hải Yến, cho biết sẽ ưu tiên của tổ chức trong giai đoạn 2022-2026 là hỗ trợ nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế nhằm hoàn thiện chính sách và pháp luật về công tác xã hội, quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
UNICEF đặt trọng tâm vào việc xây dựng cơ chế bảo vệ trẻ em liên ngành từ trung ương đến địa phương. Tổ chức hỗ trợ xây dựng hướng dẫn và nâng cao năng lực cho các bên liên quan, đặc biệt là trong cung cấp dịch vụ tích hợp cho nạn nhân của bạo lực trẻ em và phụ nữ.
Cạnh đó, UNICEF sẽ thí điểm và mở rộng mô hình dịch vụ tích hợp bảo vệ trẻ em trong hệ thống y tế; triển khai các ban bảo vệ trẻ em đa chuyên ngành trong bệnh viện nhằm hỗ trợ nạn nhân một cách toàn diện và kịp thời.