Bài 1: Những chuyển biến tích cực
Điện Biên - tỉnh miền núi biên giới với 19 dân tộc cùng sinh sống. Những năm qua, tỉnh xác định công tác cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung, nữ cán bộ DTTS nói riêng là nhiệm vụ quan trọng và đã triển khai các giải pháp quan tâm công tác cán bộ nữ DTTS. Dù còn nhiều khó khăn song tỉnh đã đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo và tạo nguồn nữ cán bộ DTTS, đặc biệt ở cấp cơ sở.
Tăng tỷ lệ, biến chuyển về chất
Từ thành phố Điện Biên Phủ chúng tôi vượt hơn 200km trên những con đường đèo dốc, nguy hiểm để đến xã biên giới Sín Thầu, huyện Mường Nhé - nơi “một con gà gáy ba nước cùng nghe”.
Chúng tôi gặp chị Pờ Mỳ Lế (sinh năm 1982, dân tộc Hà Nhì) là nữ sinh đầu tiên học hết THCS tại đây và cũng là nữ Bí thư Đảng ủy xã người DTTS đầu tiên ở Mường Nhé. Câu chuyện về nữ cán bộ Pờ Mỳ Lế cho thấy những thay đổi quan niệm về phụ nữ DTTS tham gia vào hệ thống chính trị với vị thế, vai trò ngày càng nâng lên.
Là một trong những huyện khó khăn nhất của cả nước song công tác cán bộ nữ DTTS được huyện Mường Nhé rất quan tâm. Hiện tại, toàn huyện có khoảng 23% cán bộ cấp huyện, cấp xã là nữ người DTTS. Trong quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030, tỉ lệ quy hoạch nữ công chức, viên chức người DTTS vào các chức danh chủ chốt của huyện khá cao, cụ thể: 10,6% BCH Đảng bộ huyện; 13,3% Ban Thường vụ Huyện ủy; quy hoạch Phó Bí thư Huyện ủy đạt 50%; Chủ tịch UBND huyện đạt 50%.
Ông Nguyễn Văn Uyên, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Mường Nhé cho biết: “Những năm qua, huyện thường xuyên quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử cán bộ nữ là người DTTS. Do đó, số lượng nữ DTTS được đưa vào quy hoạch nguồn cán bộ của địa phương ngày càng tăng. Nhiều nữ DTTS được bố trí giữ các chức vụ chủ chốt trong hệ thống chính trị của huyện”.
Theo thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh Điện Biên có khoảng 26% cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS. Tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp, quản lý, lãnh đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị tỉnh tăng so với nhiệm kì trước. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy ở cấp tỉnh là 14% (cao hơn nhiệm kỳ trước 2,2%); cấp huyện khoảng 20% (cao hơn nhiệm kỳ trước 5,2%); cấp xã 19,8% (cao hơn nhiệm kỳ trước 3,2%). Có 3/16 cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIV (chiếm 18,8%), cao hơn nhiệm kỳ trước 8%, trong đó 2 nữ người DTTS; có 9/10 huyện, thị, thành ủy có cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ cấp ủy. Ở vị trí trưởng các ban, sở, ngành cấp tỉnh, hiện đang có cán bộ là nữ thuộc các dân tộc Hà Nhì, Thái, Mông. Đây là kết quả khá vượt trội so với một số địa phương trong khu vực.
Đa số cán bộ nữ bao gồm nữ DTTS ở các cấp có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên (cấp tỉnh đạt 100%; cấp huyện đạt 99,6%; cấp xã đạt 71,3%), trình độ lý luận chính trị đều đạt theo tiêu chuẩn bổ nhiệm. Bên cạnh đó, năng lực quản lý nhà nước, trình độ tin học, ngoại ngữ của cán bộ nữ ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu công việc, đặc biệt ở vùng biên giới, khó khăn của Điện Biên.
Ông Cao Đăng Hạnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: “Công tác cán bộ DTTS nói chung, công tác cán bộ nữ người DTTS nói riêng được tỉnh đặc biệt quan tâm và có những chuyển biến tích cực. Đội ngũ cán bộ nữ DTTS từng bước trưởng thành, ngày càng nâng cao cả về số lượng và chất lượng đã góp phần quan trọng vào hiệu quả lãnh đạo, điều hành, thực thi nhiệm vụ, công vụ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là tại các địa bàn có nhiều đồng bào DTTS”.
Đánh giá 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, ông Mai Hoàng Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định: “Tại Điện Biên, bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị đã được quan tâm, chú trọng. Các cấp, các ngành đã lồng ghép chỉ tiêu tăng cường sự tham gia của nữ giới nói chung, nữ DTTS nói riêng vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, hướng tới mục tiêu quốc gia bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực”.
Đóng góp cho sự phát triển của địa phương
Nếu trước đây, phụ nữ DTTS tại nhiều vùng biên giới, khó khăn của Điện Biên ít được quan tâm học hành, trình độ thấp, có người không nói được tiếng phổ thông, thường ở nhà nuôi con, làm các công việc đồi nương, nghề thủ công, thu nhập thấp, thì nay vai trò, vị thế của phụ nữ DTTS ngày càng được nâng lên trong gia đình và xã hội. Nhiều cán bộ nữ người DTTS được tín nhiệm, khẳng định vai trò của mình trong các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, trở thành những tấm gương tiêu biểu, góp phần vào sự phát triển của địa phương trên nhiều lĩnh vực.
Chị Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, với vai trò là người đứng đầu cấp ủy, đã nỗ lực lãnh đạo, đưa chủ trương của Đảng vận dụng vào thực tiễn ở xã, tập trung phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống cho bà con. Bản thân chị Lế cũng là tấm gương sáng, cổ vũ mạnh mẽ cho bình đẳng giới, tiến bộ xã hội ở vùng sâu, vùng xa phía Tây Bắc của Tổ quốc.
Sín Thầu vốn là một xã khó khăn với trên 70% là hộ nghèo. Nhưng đến đầu năm 2022, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, đời sống người dân được nâng lên, diện mạo bản làng ngày một khởi sắc. Sín Thầu tự hào có thành tích “4 không”: Không có người nghiện ma túy, không có tình trạng phá rừng, không di cư tự do và không có truyền đạo trái pháp luật. Tỉ lệ ra lớp của trẻ em, nhất là trẻ em gái tại Sín Thầu rất cao. Nguồn cán bộ nữ DTTS của xã khá dồi dào, không hạn chế như thời chị Pờ Mỳ Lế bắt đầu đi làm tại xã. Hiện xã có nữ cán bộ trình độ cao nhất là thạc sĩ, từng là đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV.
Chị Pờ Mỳ Lế tâm huyết chia sẻ: Thời gian tới, Đảng ủy xã sẽ ban hành nghị quyết về phát triển du lịch cộng đồng tại Sín Thầu, khai thác tiềm năng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và cột mốc số 0 A Pa Chải. Bên cạnh phát triển KT - XH, Đảng ủy xã cùng với bà con người Hà Nhì nơi đây đã thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, bảo vệ đường biên mốc giới và ổn định chính trị khu vực biên giới.
Hiện nay Sín Thầu đang đẩy mạnh thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Sín Thầu tự hào có 2 mô hình tổ truyền thông cộng đồng đầu tiên của tỉnh được thành lập.
Đi theo đường lối của Đảng, nhiều nữ cán bộ DTTS tại Điện Biên đã thể hiện vai trò, sự đóng góp ở hầu hết lĩnh vực của đời sống: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Điều này có tác động mạnh mẽ, làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của người dân, của nam giới, của nhà quản lý đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ DTTS ở vùng biên giới, khó khăn, góp phần tạo bình đẳng giới và tiến bộ xã hội.