Bài 1: Những đám mây che trời

Hàng loạt tổ chức Đảng và đảng viên bị xử lý kỷ luật trong vài năm trở lại đây có nguyên nhân từ tình trạng mất đoàn kết, mất dân chủ trong tổ chức; sự chuyên quyền, độc đoán, làm sai của người đứng đầu; sự giảm sút ý chí của đảng viên khiến tổ chức Đảng suy giảm sức chiến đấu.

Ảnh minh họa (tuyengiao.vn)

Một thực trạng chung được chỉ ra là tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng. Siết chặt quá trình thực hiện nguyên tắc này là yêu cầu cấp thiết.

Không còn là những hiện tượng đơn lẻ, Đảng đã chỉ ra tình trạng có nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng vi phạm quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt, hoạt động. Thực trạng trên kéo theo hàng loạt hệ lụy rất tai hại, ảnh hưởng xấu tới uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân. Điển hình qua một số vụ việc như: Kỳ họp 19 của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương nhiệm kỳ XII kết luận: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020 vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước và quy chế làm việc của Tỉnh ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ; quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án, công trình trọng điểm, cụ thể như quyết định bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với một số cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cục bộ, không bình thường. Những vi phạm trên xảy ra chủ yếu trong nhiệm kỳ 2010-2015. Kỳ họp thứ 32, UBKT Trung ương nhiệm kỳ XII kết luận: Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2016-2021 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để UBND tỉnh có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng, gây thiệt hại và thất thu ngân sách nhà nước, phát sinh tranh chấp, khiếu kiện phức tạp...

Trong nhiệm kỳ qua, hàng loạt ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng các bộ, tổ chức bị xử lý kỷ luật như: Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2010-2015, nhiệm kỳ 2015-2020; Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016...; nhiều cán bộ, đảng viên từng giữ các cương vị cấp cao bị cách chức, xóa chức, thậm chí bị xử lý hình sự. Thực trạng trên là không thể chấp nhận và Đảng kiên quyết xử lý để xứng đáng với trọng trách và niềm tin mà nhân dân đã trao gửi.

Theo số liệu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2019, trong gần 4 năm (từ 2016 đến 2019), UBKT các cấp đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm 13.619 tổ chức, 16.214 cấp ủy viên các cấp và 24.727 đảng viên. Cấp ủy và UBKT các cấp thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức Đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên, trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức Đảng, 45 đảng viên; UBKT Trung ương thi hành kỷ luật 111 đảng viên, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Nhiệm kỳ qua, UBKT Trung ương đã công bố việc kiểm tra hiện tượng “cả họ làm quan” ở nhiều địa phương, bao gồm cả cấp cơ sở lẫn cấp trực thuộc Trung ương.

Rất trăn trở với vấn đề xử lý tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) vi phạm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu tại Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nhấn mạnh: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta”.

Nguyên nhân chủ yếu mà các tổ chức Đảng và cá nhân CB, ĐV bị xử lý là do vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc TTDC trong tổ chức sinh hoạt Đảng, vi phạm quy chế làm việc của cấp ủy; có biểu hiện thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc cơ bản trong tổ chức hoạt động của đảng cầm quyền thì đã rõ; quy chế làm việc về bản chất cũng được xây dựng dựa trên nền tảng là nguyên tắc tập trung dân chủ. Quy chế thường quy định rõ phạm vi, thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc của tổ chức và mọi CB, ĐV trong tổ chức đó. Dù vậy, trên thực tế, nhiều tổ chức Đảng và người đứng đầu đã vi phạm khi không thực hiện hoặc cố tình thực hiện sai nguyên tắc, thậm chí bóp méo nguyên tắc. Ở một số cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng trở thành bức bình phong cho một số cá nhân chuyên quyền, gia trưởng, độc đoán. Sức chiến đấu của cấp ủy và đảng viên bị giảm sút; mọi ý kiến trái chiều không được tiếp thu, lắng nghe, thậm chí những ý kiến không cùng quan điểm với người đứng đầu bị trù dập, không còn cơ hội phát triển. Nguy hiểm hơn, có những người đứng đầu đã "phân liệt" tổ chức mình thành các phe cánh. Khi đó, tổ chức Đảng đã mất đoàn kết, là cơ hội cho sự thao túng, cho các phe nhóm trục lợi. Đảng viên không có cơ hội bảo vệ quan điểm, bảo vệ cái đúng.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), những vụ sai phạm tập thể cũng cho thấy việc thực hành dân chủ trong nội bộ các tổ chức Đảng chưa tốt, thậm chí là hình thức, dẫn đến việc CB, ĐV thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh. Chính vì thiếu dân chủ, thiếu sự đấu tranh đã làm tê liệt các tổ chức Đảng.

Thật đáng buồn khi các tổ chức Đảng ở đó đã không phát hiện ra các sai phạm thông qua công tác kiểm tra, giám sát, dân chủ đã bị khóa chặt. Có đảng viên lên tiếng đấu tranh thì ý kiến bị bỏ qua, thậm chí bị trù dập. Vì sao ông Lê Phước Thanh - người bị cách chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015 có thể thao túng được công tác cán bộ khi quy hoạch và bổ nhiệm con trai mình là Lê Phước Hoài Bảo làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quang Nam không đủ tiêu chuẩn? Đáng nói là việc làm này vi phạm quy trình, thủ tục, trong khi lẽ ra phải qua những quy trình chặt chẽ và vốn là công việc rất quan trọng của tổ chức? Ông Lê Phước Thanh cũng bị kết luận vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu.

Cũng nhiều người chua xót hỏi rằng, cấp ủy Đảng, cơ quan kiểm tra đã ở đâu khi để một cá nhân như Trịnh Xuân Thanh có thể leo cao như thế được? Chắc chắn một mình Trịnh Xuân Thanh không thể vung tay vượt qua mọi nguyên tắc, bịt kín mọi sự kiểm tra, giám sát trong Đảng, trong dân. Ở đây tổ chức Đảng đã bị thao túng, nguyên tắc tập trung dân chủ trở thành hình thức, thậm chí bị biến tướng thành chuyên quyền, độc đoán cho lợi ích cá nhân. Việc tự phê bình và phê bình bị vô hiệu hóa.

Qua quá trình xử lý tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2019, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã phát biểu chỉ rõ: “Điều quan trọng là chúng ta từng bước làm rõ được, tại sao số lượng tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm kéo dài qua nhiều năm không được phát hiện? Phải chăng hằng năm, từng nhiệm kỳ, chúng ta đánh giá chưa chính xác chất lượng đảng viên và tổ chức Đảng? Phải chăng công tác kiểm tra, giám sát của các cấp chưa được coi trọng, chưa làm tốt, tiến hành không thường xuyên? Trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ còn hình thức, thiếu dân chủ? Tính chiến đấu của người cộng sản, người đảng viên không được phát huy? Đây là những vấn đề cần hết sức quan tâm trong thời gian tới”.

Nhìn vào một tổ chức Đảng, một cơ quan, đơn vị có hiện tượng vi phạm nguyên tắc khiến đảng viên cũng như quần chúng mất niềm tin, phai nhạt lý tưởng. Trên thực tế, thực trạng này không còn là hiện tượng cá biệt mà xảy ra ở nhiều tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị. Vi phạm kéo dài mà không được xử lý, chấn chỉnh khiến nhiều người nghi ngờ tính thực tiễn của nguyên tắc tập trung dân chủ đối với sự phát triển của Đảng. Thậm chí chính một số cá nhân lợi dụng nguyên tắc tập trung dân chủ để bóp nghẹt dân chủ đã là cơ hội cho các thế lực phản động xuyên tạc nguyên tắc này. Quan điểm xét lại cũng xuất hiện trên cơ sở đó. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), chỉ khi nào nguyên tắc tập trung dân chủ được hiểu đúng và tổ chức thực hiện nghiêm túc thì mỗi tổ chức Đảng, đảng viên mới có thể hành động tự giác và “miễn dịch” trước những luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch về nguyên tắc này.

Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản được Đảng ta thừa nhận và đã chứng minh tính đúng đắn trong thực tiễn qua hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành. Đây là nguyên tắc được Lênin đề ra từ những năm đầu thế kỷ XX trên cơ sở tiếp thu và phát triển quan điểm của Mác - Ăngghen để xây dựng đảng Mác-xít. Tuy vậy, hiện có một thực tế, rất nhiều đảng viên không hiểu hết bản chất, nội hàm nguyên tắc tập trung dân chủ là gì nên dẫn đến vi phạm hay phủ nhận nguyên tắc.

Điều lệ Đảng xác định: Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc được ghi trong điều lệ gồm có 6 điểm, trong đó cốt lõi là: Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng. Mọi đảng viên đều được thảo luận, thẳng thắn nói hết ý kiến của mình và khi đã thành nghị quyết thì mọi người đều phải chấp hành, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức, cấp dưới phục tùng cấp trên, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng đại hội toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương. Nghị quyết của Đảng đều phải được biểu quyết theo đa số. Sau khi có nghị quyết, mọi đảng viên đều phải chấp hành; nếu có điểm nào không đồng ý thì đảng viên được quyền bảo lưu ý kiến hoặc đề đạt ý kiến của mình lên các cơ quan cấp trên cho đến đại hội đại biểu toàn quốc, nhưng vẫn phải chấp hành nghị quyết của Đảng…

Lênin từng khẳng định: “Chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa, và mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ” (1). Như vậy thì nguyên tắc tập trung dân chủ là sự kết hợp chặt chẽ hài hòa giữa hai mặt tập trung và dân chủ. Đây là mối quan hệ biện chứng, nên việc cố tình tách rời hay tuyệt đối hóa thành tố nào đều không đúng bản chất của nguyên tắc. Dân chủ là điều kiện, là tiền đề của tập trung; mặt khác tập trung là cơ sở, là cái bảo đảm cho dân chủ được thực hiện. Tập trung không có nghĩa là quan liêu, cực đoan, lấy mệnh lệnh đè bẹp ý chí. Ngược lại, dân chủ nhưng phải trong khuôn khổ của tổ chức, nói và làm trong khuôn khổ, không có dân chủ quá trớn, dân chủ vô tổ chức, vô kỷ luật. Thực hiện nguyên tắc là cơ sở bảo đảm cho Đảng thống nhất về tư tưởng, chính trị, tổ chức, cho mọi đảng viên phát huy hết thế mạnh, khả năng sáng tạo của mình.

(còn nữa)

(1) V.I. Lênin: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.36, tr.185

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chong-tu-dien-bien/967973/bai-1-nhung-dam-may-che-troi