Bài 1: Những dòng chảy lịch sử

Là đô thị nằm bên tả ngạn sông Tiền, một nhánh lớn của sông Mê Kông, Mỹ Tho được hình thành và phát triển vào loại sớm nhất của vùng châu thổ sông Cửu Long, đến nay vừa tròn 345 năm (1679-2024).

Mỹ Tho cũng đã để lại những dấu ấn đậm nét trong dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung, Tiền Giang nói riêng. Nghiên cứu của Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang cho thấy, đô thị Mỹ Tho mà trung tâm của nó từng có tên gọi là Mỹ Tho Đại phố, chợ Phố lớn, Chợ Thành, Chợ Mỹ… đã trải qua 4 cuộc chiến tranh do ngoại bang xâm lược. Đó là Xiêm La (nay là Thái Lan) ở nửa sau thế kỷ XVIII, 2 cuộc xâm lược của thực dân Pháp ở nửa sau thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX và một cuộc xâm lược do đế quốc Mỹ tiến hành vào giữa thế kỷ XX.

Thành phố Mỹ Tho được hình thành ngay ngã ba sông. Ảnh: TL.

Thành phố Mỹ Tho được hình thành ngay ngã ba sông. Ảnh: TL.

Những cuộc chiến tranh ấy đã làm cho đô thị Mỹ Tho không chỉ bị nhiều tổn thương, mà còn kiềm hãm sự phát triển và mất mát lớn, đặc biệt là cuộc chiến tranh với Xiêm La mà Chợ phố lớn (tức Mỹ Tho Đại phố) bị cháy, nhiều người Hoa đã phải di tản ra khỏi Mỹ Tho mà không quay trở lại. Cũng chính những sự kiện này đã để lại dấu ấn rõ nét của một thành phố anh hùng sau này.

Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, nhiều biến động của lịch sử dân tộc nhưng Mỹ Tho vẫn là chiếm giữ vị trí trung chuyển của một vùng đồng bằng phì nhiêu và rộng lớn bậc nhất của đất nước ta và một thành phố lớn rất sầm uất ở Nam bộ là Sài Gòn của nhiều thế kỷ.

Với vị trí, địa thế ấy đã cho phép người Pháp xây dựng ở đây nhiều công trình để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa, vốn là mục đích của thực dân, chẳng hạn như: Tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương (Sài Gòn - Mỹ Tho), Bến tàu Lục Tỉnh, kinh Bưu Điện (tức Rạch Bảo Định), Hãng Xáng… Đây được xem là những mốc son tạo dựng nên tiếng vang của Mỹ Tho Đại phố trong chặng đường lịch sử đã qua. Những dấu mốc ấy hiện vẫn còn hiển diện trong ký ức của nhiều người khi nhắc đến Mỹ Tho.

Giếng nước xưa. Ảnh: TL.

Giếng nước xưa. Ảnh: TL.

Chạy suốt chiều dài lịch sử đã qua, Mỹ Tho không chỉ được xem là trung tâm về kinh tế mà còn có sự giao thoa sâu đậm về văn hóa của vùng. Nghiên cứu của Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang cũng chỉ ra rằng, ở vào vị trí thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và văn hóa của nhiều thế kỷ, Mỹ Tho là nơi giao thoa, nơi tiếp giáp và tiếp nhận nhiều nền văn hóa: Âu, Mỹ, Trung, Ấn và nhiều nước châu Á khác nay thuộc ASEAN, mà tên gọi của nhiều đồ vật, món ăn, tập tục, lối sinh hoạt… vẫn còn hiện diện trong đời sống hằng ngày của người dân, điều đó đã góp phần làm nên một diện mạo văn hóa đặc biệt cho vùng đất Mỹ Tho.

Sự giao lưu văn hóa, tiếp nhận văn hóa vừa mạnh mẽ vừa tự nhiên trong bối cảnh đặt biệt của những thế kỹ trước, nhất là từ thế kỷ XX trở về trước, đã làm cho Mỹ Tho trở thành một đô thị nổi tiếng về nhiều mặt. Nhà thơ Học Lạc (1842 - 1915) mô tả sự sung túc của Mỹ Tho như sau: “Trên Sài Gòn, dưới Mỹ Tho/ Đâu đâu phong cảnh cũng nhường cho”.

Trường Collège de MyTho xưa. Ảnh: TL.

Trường Collège de MyTho xưa. Ảnh: TL.

Còn nhà thơ Bình Nguyên Lộc, trong truyện Thời Thế thì cho rằng, “Nhưng khoe xứ mỹ Tho ra thì hách một cây, bởi thuở ấy Cần Thơ chưa to, thì các thành phố hạng ba Việt Nam, sau Sài Gòn và Hà Nội là Mỹ Tho rồi, chớ không còn tỉnh nào hơn được”. Và đương nhiên, Mỹ Tho ở những thế kỷ trước không phải là một đô thị nhỏ. Bởi, nghiên cứu của các nhà khoa học và những luận chứng của hiện tại, tại đây người Pháp cho xây dựng trường trung học công lập đầu tiên của Nam Kỳ - Trường Collège de MyTho.

Đô thị này cũng là nơi ra đời một loại hình nghệ thuật sân khấu mới của Việt Nam - đó là nghệ thuật sân khấu cải lương tại rạp Thầy Năm Tú, người sắm xe hơi đầu tiên của nước ta (khi xe hơi được nhập vào Sài Gòn năm 1906 và người mua đầu tiên chính là ông, vào đầu năm 1907). Mỹ Tho cũng là nơi xuất hiện nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của cả nước như: Năm Phỉ, Phùng Há, Năm Châu… Mỹ Tho còn là quê hương của họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Sáng, mà ở miền Bắc có câu cửa miệng “nhất Phái, nhì Sáng” có nghĩa là nhất là Bùi Xuân Phái, nhì là Nguyễn Sáng.

Trải qua chiều dài lịch sử lâu đời, là đô thị ra đời và phát triển sớm của châu thổ sông Cửu Long, ngoài phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Mỹ Tho còn là điểm dừng chân, hội tụ của nhiều trí thức yêu nước, nơi có phong trào Đông Du phát triển.

Chưa kể, Mỹ Tho còn là nơi đóng góp vào bản đồ ẩm thực và trái cây Việt Nam bằng món hủ tiếu Mỹ Tho và giống mận Hồng Đào nổi tiếng một thời. Mỹ Tho còn là nơi ra đời của điệu hò Bán vàm, khi những vàm sông ở Mỹ Tho là cảnh tấp nập “trên bến dưới thuyền”, là nơi xứng danh “Đất học”, “Đất khoa cử”… Tất cả những điều ấy đã góp thêm hình ảnh đẹp cho một đô thị có bề dày lịch sử vừa tròn 345 năm.

Trường THPT Nguyễn Đình Chiều (Trường Collège de MyTho xưa) nằm trên đường Hùng Vương ngày nay. Ảnh: Văn Thảo.

Trường THPT Nguyễn Đình Chiều (Trường Collège de MyTho xưa) nằm trên đường Hùng Vương ngày nay. Ảnh: Văn Thảo.

Nhìn từ thực tiễn và theo nghiên cứu của ông Nguyễn Phúc Nghiệp trong quyển Những ghi chép về lịch sử văn hóa Tiền Giang cũng cho thấy, điểm độc đáo của Mỹ Tho là được dựng lên ở ngã ba sông - thành phố ven sông, đặc trưng của hầu hết các thành phố - đô thị ở miền Nam. Đó là ngã ba sông do sông Mỹ Tho và kinh Bảo Định giao dòng với nhau, tạo ra sự thuận lợi về mọi mặt và làm chất xúc tác để Mỹ Tho vươn lên mạnh mẽ.

Vậy là, 345 năm đã trôi qua, Mỹ Tho giờ đây đã chuyển mình tiến lên; là trung tâm chính trị - kinh tế của tỉnh Tiền Giang. Với bề dày lịch sử 345 năm của vùng đất học, anh hùng và nhiều giá trị văn hóa khác, Mỹ Tho đang bước tiếp chặng đường tiếp theo, với nhiều khát vọng mới.

TT

(Còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202412/my-tho-345-nam-va-nhung-khat-vong-bai-1-nhung-dong-chay-lich-su-1030317/