Phá Tam Giang mùa nào cũng đẹp
Lý do đầu tiên khiến tôi phải đến bằng được phá nước lợ khổng lồ được đánh giá là rộng nhất Đông Nam Á chính là vì nhìn thấy các bức ảnh chụp quá đẹp. Tôi chọn đến Huế vào dịp hè để tránh những cơn mưa dầm dề, ủ ê, để có thể trọn vẹn ngồi trên ghe nhỏ lênh đênh trên phá Tam Giang.
Phá Tam Giang từng có nhiều tên gọi như Hạc hải hay Thiển hải, tức biển cạn. Đầu triều Minh Mạng, năm 1821, vua từng đặt tên phá là Tam Giang Hải Nhi và Hà Trung Hải Nhi. Người xưa gọi phá là biển cạn chỉ vùng nước lợ để phân biệt với biển và đầm. Cách gọi này nếu đem ứng vô trường hợp như phá Tam Giang lại càng thêm rõ nghĩa vì phá có diện tích rất lớn, nhìn đâu cũng thấy mênh mông. Thực tế phá Tam Giang có diện tích 52km2, trải dài trên địa phận 4 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Và Quảng Điền là huyện có diện tích mặt nước phá Tam Giang rộng lớn nhất, khoảng 22.000ha, nơi đây còn có nhiều tài nguyên động, thực vật phong phú.
Xưa nhắc đến phá Tam Giang, người ta thất kinh đến nỗi truyền nhau câu: Thương em anh cũng muốn vô/Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang. Thực tế theo nhiều ghi chép, đúng là thuở xa xưa phá Tam Giang rất hay có sóng dữ, nguy hiểm tính mạng người qua lại trên phá. Tuy nhiên, vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), tương truyền, vị quan tên Nguyễn Khoa Đăng đã sai người đào mở rộng cửa phá nên sóng dữ không còn.
Nhiều câu chuyện sử thú vị là vậy lại thêm vẻ đẹp như tranh thủy mặc nên khi đã xong bữa sáng là tô bún bò Huế ở thôn Vĩ Dạ, nhóm chúng tôi lên xe di chuyển khoảng 15km từ Huế. Xe theo hướng ra cửa biển Thuận An, một vùng đầm phá rộng lớn hiện ra trước mắt, không khí tươi mới, khoáng đạt rộng mở. Tham quan phá Tam Giang buộc phải di chuyển bằng ghe, thuyền. Mà có ngồi trên thuyền ngắm trời nước nơi đây mới thấy được vẻ đẹp khó tả hết của thiên nhiên. Có một điểm phải nhắc đến là không như nhiều hệ đầm phá khác, nước thường rất đục, có màu xám hoặc nâu đỏ. Dòng nước trên phá Tam Giang xanh ngắt như nước biển, trong vắt và mang vị mặn nhẹ. Được người bản địa “bật mí” ngắm bình minh và hoàng hôn là trải nghiệm tuyệt vời nhất tại phá Tam Giang nhưng vì thời gian lưu trú không cho phép nên chúng tôi chỉ có được một nửa trải nghiệm này là ngắm hoàng hôn. Trước khi chờ đến khoảnh khắc của đất trời trong màu chiều thì thưởng thức một bữa trưa ngon miệng ngay trên các chòi gỗ trên phá lại là một trải nghiệm khó quên.
Cách chế biến món ăn của người dân sống trên phá không hề cầu kỳ, quanh quẩn vài cách nấu, tẩm ướp cơ bản nhưng thực sự dư vị món nào cũng quá ngon vì độ tươi, ngọt của thủy hải sản nước lợ. Chị bếp của điểm dừng chân mà chúng tôi ghé không có thực đơn cố định vì theo chị, nó còn tùy thuộc vào nguồn tôm, cá,... đánh bắt mỗi ngày. Cá nâu, cá dìa, cá mú, cá kình, tôm,... là đặc sản của phá. Chúng tôi háo hức chọn cá nướng, cá hấp, tôm nướng,... và không hề thất vọng bởi những con tôm đất dù kích cỡ không lớn (đặc trưng của tôm trên phá) nhưng ngọt, chắc.
Chính nguồn nước lợ tạo nên từ sự hòa trộn giữa nước biển và nước sông - nơi một địa vực đặc thù đã làm cho tôm, cá ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có được phong vị đặc biệt như vậy... Sau hồi chờ đợi, vừa bưng ra những mẹt cá nâu, cá dìa hấp, chị chủ quán không quên “quảng cáo” thêm: “Cá Tam Giang là cá vua ăn”.
Người Huế xưa nay thường nói thế mới đủ diễn tả cái ngon của tôm, cá nơi đầm phá này. Quán cũng tặng thêm cho khách món rong tảo đặc trưng của phá. Vị không phải dễ ăn với tất cả mọi người nhưng mang nét lạ, đặc biệt đủ để ấn tượng. Mặt nước hiền hòa, mênh mang một không gian rộng lớn hoang sơ tạo nên cảnh đẹp dường như làm cho bữa ăn thêm phần ngon hơn. Không gian ẩm thực này có phần quá đặc biệt với thực khách.
Sau khi no bụng lại đến màn no mắt. Chiều xuống, phong cảnh thiên nhiên nơi đây quá đẹp nên dù không là nhiếp ảnh gia mà ai nấy cũng ít nhất phải lấy máy lưu lại nhiều khoảnh khắc giữa mênh mông mặt nước, mây trời nhuộm màu huyền ảo.
Với riêng tôi, vẻ đẹp tự nhiên này hoàn toàn khác với phần còn lại của xứ Huế vốn đẹp mộng mơ, thâm trầm. Nơi này mang vẻ đẹp của sự khoáng đãng. Không có sự tấp nập, ồn ã nào, ở đây chỉ có tiếng khua nước trong trẻo hòa cùng cảnh sắc. Hoang sơ và hoàn toàn thuần thiên nhiên, phá Tam Giang thú vị cho một lần dừng chân. Phá Tam Giang quả là miền gây thương nhớ!/.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/pha-tam-giang-mua-nao-cung-dep-a187916.html