Bài 1: Những khoảng trống về chất

Xe buýt một phần không thể thiếu của đời sống đô thị Hà Nội, loại hình này đang ngày càng trở thành phương tiện đi lại chính của nhiều người. Tuy nhiên, xe buýt cần nỗ lực hơn nữa mới có thể góp phần lớn trong việc hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.

Xe buýt là lực lượng chủ công của vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) Hà Nội hiện nay, có thể đáp ứng 34% nhu cầu đi lại của Nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, xe buýt lại chưa thực sự hấp dẫn được hành khách khi còn nhiều những khó khăn bủa vây.

Lực lượng chủ công

Theo thông tin của Sở GTVT TP Hà Nội, tính đến hết tháng 6/2023, mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội gồm 154 tuyến. Trong đó, có 132 tuyến trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City Tour. Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 512/579 số xã, phường, thị trấn đạt 88,4%, 65/75 bệnh viện đạt 87%, 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 67%, 27/27 các khu công nghiệp lớn đạt 100%, 33/37 các khu đô thị đạt 89,2%, 23/24 làng nghề đạt 95,8%, 23/25 khu di tích lịch sử văn hóa khu du lịch đạt 92%, kết nối với 7 tỉnh thành lân cận (Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc).

Xe buýt có thể đáp ứng 34% nhu cầu đi lại của Nhân dân Thủ đô.Ảnh: Phạm Công

Xe buýt có thể đáp ứng 34% nhu cầu đi lại của Nhân dân Thủ đô.Ảnh: Phạm Công

Hệ thống hạ tầng xe buýt gồm 4.400 điểm dừng, 351 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 127 điểm đầu cuối và 12,9km đường dành riêng cho xe buýt (12,6km làn đường dành riêng cho xe BRT và 0,3km làn đường dành riêng cho xe buýt trên đường Yên Phụ). Đoàn phương tiện có gần 2.300 xe, tổng số xe buýt sử dụng năng lượng sạch là 276 xe (chiếm 13,6%). Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng VTHKCC đạt 228,9 triệu lượt, tăng 75,7% so với cùng kỳ (trong đó: buýt đạt 223,8 triệu, đường sắt đạt 5 triệu).

Có thể thấy rằng, xe buýt là loại hình phương tiện đi lại chính của nhiều người dân Hà Nội nhất là học sinh, sinh viên, người cao tuổi và nhân viên văn phòng. Không chỉ có độ phủ sóng cao, xe buýt còn thu hút hành khách bởi giá vé rẻ. Hà Nội hiện cũng đã có đường sắt đô thị, loại hình vận tải khối lượng lớn, hiện đại, văn minh, được ví như xương sống của VTHKCC. Trong bối cảnh đó, vai trò của xe buýt lại càng trở nên quan trọng, hỗ trợ cho đường sắt đô thị phát huy tối đa hiệu quả vận hành. Sự kết hợp hài hòa giữa xe buýt và đường sắt đô thị đang dần tạo nên một hệ thống VTHKCC hoàn chỉnh cho Thủ đô, hướng tới mục tiêu thay thế phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Chị Lê Thị Hồng trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội chia sẻ: “Xe buýt có vai trò rất quan trọng với đời sống người dân. Sinh viên, học sinh đi học, người già đi chơi, cán bộ, công nhân viên đi làm đều có thể sử dụng xe buýt. Đặc biệt là người đi khám chữa bệnh, người dân ngoại thành, ngoại tỉnh về Hà Nội, đều lựa chọn xe buýt vì giá rẻ, đi đến nơi về đến chốn”.

Hàng ngày, chị Hồng vẫn đi lại 2 lượt bằng xe buýt để đến công ty nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội. Việc tham gia giao thông bằng xe buýt giúp chị Hồng tiết kiệm được rất nhiều chi phí đi lại còn sạch sẽ và an toàn.

Còn nhiều khó khăn

Những năm qua, xe buýt Hà Nội ngày càng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức hơn. Sự xuất hiện của các loại hình VTHKCC khác với sức cạnh tranh mạnh mẽ tạo nên áp lực không nhỏ; ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 để lại hậu quả nặng nề; ùn tắc giao thông khiến hiệu quả hoạt động của xe buýt bị hạn chế đáng kể… không ít người dân quay trở lại với phương tiện cá nhân sau thời gian dài sử dụng xe buýt.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Trọng Thông, xe buýt sạch sử dụng năng lượng điện và khí CNG ngày càng xuất hiện nhiều. Các tiện ích hiện đại như wifi miễn phí, tìm buýt qua mạng internet… được trang bị trên tất cả các tuyến. Hiện nay, năng lực đã đáp ứng 34% nhu cầu đi lại của Nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, thực tế chỉ đảm nhiệm khoảng 18% nhu cầu đi lại. Lượng phương tiện cá nhân gia tăng quá nhanh, ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp ở hầu khắp các tuyến đường, đặc biệt là nội đô cũng khiến xe buýt gặp khó. Hiện xe buýt vẫn phải lưu thông chung với các loại hình phương tiện khác, thời gian di chuyển chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân nên chưa thu hút được khách” – ông Nguyễn Trọng Thông chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Trọng Thông, tâm lý người dân sẽ sử dụng phương tiện nào đi nhanh nhất và tiếp cận thuận lợi. Hiện nay xe buýt tốc độ khai thác chỉ mới 14 - 15km/giờ, trong khi đó xe máy vẫn nhanh hơn với tốc độ trung bình 17 - 18km/giờ. Ngoài ra, ông Nguyễn Trọng Thông cũng cho rằng, xe buýt đang bị hạn chế bởi người dân tiếp cận khó, chưa an toàn. Muốn đến điểm dừng đỗ nhưng nhiều khu vực người dân không có lối đi bộ. Tương lai của VTHKCC là vận tải khối lớn, cần có đường dành riêng, người dân phải được tiếp cận xe buýt trước hết phải an toàn sau đó là thuận lợi.

“Để cấu thành chất lượng và dịch vụ vận tải công cộng, đầu tiên, mạng lưới xe buýt, phải hợp lý. Hiện nay, mạng lưới xe buýt còn nhiều bất cập. Theo tôi nên quy hoạch theo mạng lưới ô bàn cờ. Mỗi người dân muốn đi đến nơi nào cũng có thể sử dụng xe buýt. Giảm thiểu tối đa việc chuyển tuyến. Có những khu vực muốn đi từ trung tâm TP Hà Nội tới phải chuyển tuyến tới 4 lần. Cũng có những trục đường trùng hơn 10 tuyến xe buýt” - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội thông tin.

Xe buýt đã có khả năng đáp ứng trên 34% nhu cầu đi lại của người dân, xóa vùng trắng xe buýt trên toàn địa bàn Thủ đô đã được thực hiện xong. Điều cần làm bây giờ là những người quản lý, vận hành xe buýt cần nhận định rõ những khó khăn, thách thức trong thời kỳ mới, có giải pháp cụ thể cho từng vấn đề để xe buýt ngày càng trở nên hấp dẫn hơn, thu hút người dân nhiều hơn nữa.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội
Nguyễn Trọng Thông

Phạm Công - Huy Hoàng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-1-nhung-khoang-trong-ve-chat.html