Bài 1: Những thanh niên vùng đồng bào dân tộc một lòng đi theo Đảng, làm theo Bác

Bắc Kạn là nơi Bác Hồ tặng thanh niên xung phong bốn câu thơ: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Bốn câu thơ ấy đã trở thành kim chỉ nam cho đoàn viên, thanh niên qua các thế hệ. Nối tiếp vinh dự và tự hào ấy, tuổi trẻ các dân tộc tỉnh Bắc Kạn luôn quyết chí, bền lòng trên các mặt trận phát triển kinh tế - xã hội để chung sức xây dựng quê hương. Câu chuyện về những đoàn viên, đảng viên trẻ dân tộc thiểu số vùng cao là minh chứng cho thực tiễn sinh động ấy.

Tọt Còn, cái tên nghe đã thấy xa xôi. Ở vùng đất của xã Cao Thượng, Ba Bể (Bắc Kạn) giáp với Tuyên Quang, một tiếng gà gáy hai tỉnh đều nghe này, câu chuyện thoát đói nghèo đã là khó chứ chưa nói tới chuyện xa vời là thanh niên đi học. Ấy vậy mà, 10 năm trước, anh thanh niên Giàng Văn Đại lại nhất quyết để vợ con ở nhà để xuống núi đi học chữ.

Là người dân tộc Mông, theo tập quán của dân tộc, Đại lấy vợ sớm. Cái vòng luẩn quẩn nhiều đời nay của các thanh niên như Đại là lấy vợ, sinh con, rồi quanh năm làm nương rẫy. Đại thì không như vậy, sự quyết tâm của anh đã trở thành động lực giúp Tọt Còn có nhiều đổi thay.

Đại kể: “Bản thân là người ham học, tôi nghĩ rằng, muốn giúp Nhân dân chiến thắng đói nghèo, lạc hậu thì chính mình phải có trình độ học vấn, kiến thức hơn bà con. Đó là lý do vì sao 10 năm trước, tôi quyết tâm bán 02 con trâu của nhà để lấy tiền xuống huyện học lên cấp ba”. Quyết tâm ấy vấp phải vô số lời can ngăn, nghi kỵ từ chính trong gia đình.

“Biết cái chữ là được rồi, người Mông ở đây có ai học nhiều đâu mà vẫn sống tốt như cây rừng. Mày đi học, vợ con ở nhà ai chăm sóc?”. Bỏ ngoài tai những lời khuyên ngăn của gia đình, chàng thanh niên 22 tuổi vẫn khăn gói xuống huyện thi đỗ và theo học 3 năm THPT.

Anh Giàng Văn Đại tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cho bà con thôn Tọt Còn.

Giờ Đại đã làm Bí thư Chi bộ thôn Tọt Còn được 10 năm, nhưng anh vẫn tham gia sinh hoạt Đoàn. Đại coi việc gắn bó với thanh niên, phát huy vai trò của lực lượng trẻ trong phát triển kinh tế, xã hội là động lực để Tọt Còn vươn lên.

“Đa số người dân ở Tọt Còn có trình độ nhận thức còn hạn chế, cách tốt nhất để tuyên truyền, vận động bà con làm theo Đảng, theo Bác là cán bộ phải làm trước, làm tốt. Chuyển từ chặt gỗ rừng sang trồng rừng, từ ngô ta sang trồng ngô lai, tiêm vắc – xin cho gia súc, nhà tôi cũng đều làm trước”, anh Đại chia sẻ.

Bí quyết của anh Đại để bà con tin và nghe theo cán bộ.

Thấy anh Đại từ ngày học lên cao nói nhiều cái đúng nên bà con càng tin, càng trọng. Một số hộ đã thuyết phục con cháu theo gương Bí thư Đại học tiếp lên THPT.

Mỗi khi có văn bản mới cần triển khai, anh Đại lại ghi chép, chuyển những chỉ đạo của cấp trên thành tiếng Mông để triển khai trong các cuộc họp thôn hay gặp bà con thì tuyên truyền, phổ biến.

Trong những năm qua, 81 hộ dân ở Tọt Còn đều nghe và tin theo Đảng, không có người vi phạm pháp luật về an ninh trật tự; việc cưới, việc tang cũng được tổ chức theo nếp sống mới theo hướng văn minh, tiết kiệm, ngày càng nhiều con em đi học mang con chữ về bản... Mỗi sự thay đổi ở Tọt Còn đều là niềm vui, là động lực để anh Giàng Văn Đại tiếp tục cống hiến cho quê hương.

Năm 2023, anh Đặng Hành Dũng, Giám đốc HTX cá hồi, cá tầm Pù Lầu, thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương (Ba Bể) là đại diện duy nhất của Bắc Kạn được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Lương Định Của. Đây là sự tưởng thưởng xứng đáng cho những nỗ lực vượt khó cùng bản lĩnh “dám nghĩ dám làm” của chàng trai dân tộc Dao ở miền non cao.

Đối với nhiều người, địa hình núi cao như Phiêng Phàng là trở ngại, còn anh Dũng lại nhìn thấy cơ hội nuôi cá tầm, cá hồi từ nguồn nước tự nhiên luôn mát lạnh. Khởi nghiệp từ năm 2020 với 500 triệu đồng, đến nay, trừ chi phí mỗi năm, HTX do anh Dũng làm Giám đốc thu về từ 1,5 – 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 08 lao động địa phương. Mô hình nuôi cá nước lạnh của anh Dũng còn góp phần thúc đẩy du lịch sinh thái ở Phiêng Phàng, tạo niềm tin cho thanh niên dân tộc thiểu số nơi đây vươn lên.

Cùng với anh Đại, anh Dũng, nhiều đoàn viên, thanh niên là người dân tộc thiểu số Bắc Kạn dù sinh sống, lao động, công tác trong điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nhưng luôn nỗ lực vươn lên, làm theo lời Bác dạy. Hiện Bắc Kạn có hơn 80.000 đoàn viên, thanh niên, trong đó hơn 80% là người dân tộc thiểu số. Dù sinh sống, học tập, lao động, ở độ tuổi khác nhau đều mang trong mình khát vọng, hoài bão của tuổi trẻ.

Trên lĩnh vực kinh tế, các cấp bộ Đoàn hỗ trợ đoàn viên, thanh niên đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh duy trì 02 liên hiệp hợp tác xã, 78 hợp tác xã, 45 tổ hợp tác thanh niên. Các hợp tác xã, tổ hợp tác do thanh niên làm chủ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất, xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương. Từ năm 2018 đến nay, có 61 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên của Bắc Kạn do thanh niên làm chủ. Từ phong trào “lập thân lập nghiệp”, tuổi trẻ Bắc Kạn chung sức xây dựng quê hương, góp phần vào thành quả chung giúp Bắc Kạn giảm 2,76% hộ nghèo năm 2023.

Đồng chí Triệu Tiến Trình, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Kạn chia sẻ: “Tự hào là mảnh đất khởi nguồn lời dạy của Bác, tuổi trẻ Bắc Kạn đã từng bước khẳng định mình. Là một tỉnh khó khăn, không có nhiều lợi thế nhưng những năm qua, đoàn viên, thanh niên vùng cao đã dấy lên phong trào khởi nghiệp với phương châm “Không có việc gì khó”. Hàng trăm hợp tác xã, tổ hợp tác, các mô hình kinh tế nông - lâm nghiệp kết hợp dịch vụ đã được các bạn trẻ Bắc Kạn đứng ra thành lập và làm chủ. Đó là sự thể hiện sinh động của tuổi trẻ Bắc Kạn trong việc đi theo Đảng, làm theo Bác”./. (còn nữa)

Bài 2: Người trẻ chuyển mình cùng chuyển đổi số

Nông Vui - Xuân Nghiệp - Minh Châu

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/bai-1-nhung-thanh-nien-vung-dong-bao-dan-toc-mot-long-di-theo-dang-lam-theo-bac-post63694.html