Bài 1: Nỗ lực giảm nghèo từ nông thôn đến thành thị
Công tác xóa đói giảm nghèo cho người dân luôn là một chủ trương, chính sách lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Những chính sách này được đặc biệt quan tâm và kiên trì, bền bỉ thực hiện qua từng giai đoạn khác nhau và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ người nghèo
Thời gian qua, huyện Dương Minh Châu tăng cường công tác vận động Quỹ “Vì người nghèo”, lũy kế đến nay vận động được trên 3,4 tỷ đồng. Trong năm 2022, huyện đã xây mới và bàn giao 32 căn nhà đại đoàn kết, sửa 10 căn nhà với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng; chi hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo số tiền trên 141 triệu đồng. Trong đó, Hội Nông dân huyện có các mô hình hỗ trợ vốn, con giống, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm để tăng hiệu quả sản xuất. Kết quả từ năm 2021 đến nay, các cấp Hội đã vận động 321 lượt hộ nông dân khá, giàu giúp đỡ 282 hộ nông dân nghèo, khó khăn về vốn. Từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN huyện với mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đã hỗ trợ vốn không lãi suất cho 249 phụ nữ với số tiền trên 1,3 tỷ đồng...
Theo thống kê năm 2021, hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện Dương Minh Châu chiếm 1,92% thì đến cuối năm 2022 hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện đạt tỷ lệ 1,21%, giảm 0,7%.
Xã Suối Đá là một trong các địa phương điển hình của huyện Dương Minh Châu trong nỗ lực giảm nghèo. Ông Huỳnh Quốc Tùng- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đề ra những giải pháp tích cực như thực hiện các mô hình phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế giúp giảm nghèo bền vững. Trong đó có mô hình chăn nuôi bò, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn khởi nghiệp. Năm 2021, toàn xã có 108 hộ nghèo, đến năm 2022 giảm được 24 hộ, tỷ lệ 0,35%. Ông Tùng chia sẻ: “Để giảm nghèo bền vững và chống tái nghèo, Đảng ủy tập trung chỉ đạo chính quyền quan tâm công tác kiểm tra thực hiện, huy động và linh hoạt các nguồn vốn, hỗ trợ kịp thời, phù hợp và hiệu quả theo nhu cầu hộ nghèo ở địa phương về nhà ở, vốn vay, BHYT”.
Tại thị xã Hòa Thành, theo kết quả thống kê, tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 giảm 0,96% so với năm 2021. Điều này thể hiện quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện công tác giảm nghèo.
Theo ông Nguyễn Đức Hảo- Phó Chủ tịch UBND Thị xã, ngoài thực hiện các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, Hòa Thành đã tập trung triển khai các dự án hỗ trợ phát triển đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo trên địa bàn. Qua đó, tập trung các nguồn lực từ ngân hàng CSXH, cơ sở kinh doanh, nguồn lực từ các hội, đoàn thể vận động mạnh thường quân chăm lo cho hộ nghèo- nhất là quan tâm tạo việc làm phù hợp cho người nghèo. Các dự án hỗ trợ phát triển đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn thị xã Hòa Thành được phê duyệt đáp ứng tình hình địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Hòa Thành còn triển khai dự án hỗ trợ phụ nữ nghèo về thiết bị may mặc; kịp thời thực hiện các chính sách về BHYT, miễn, giảm học phí, tiền điện, hỗ trợ cho vay ưu đãi về hộ nghèo, cận nghèo; vận động các nguồn quỹ để hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, giúp họ ổn định cuộc sống.
Nỗ lực của người dân
Chị Lâm Thị Loan (1980), người Tà Mun, ngụ ấp Tân Định II, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu đến nay đã thoát nghèo nhờ sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền và nỗ lực của gia đình. Vợ chồng chị Loan làm thuê kiếm sống và nuôi hai con nhỏ. Năm 2020, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo và được nhận hỗ trợ từ dự án Giảm nghèo. Chị nói: “Gia đình tôi được hỗ trợ 12 triệu đồng tiền vốn để nuôi bò sinh sản, đến nay bò đã đẻ 2 lứa, cho thu nhập tăng thêm”. Bên cạnh đó, hộ chị Loan còn được Hội LHPN xã, Quỹ Vì người nghèo xã tặng Mái ấm tình thương, các con chị được quan tâm hỗ trợ học hành. “Có căn nhà thì vợ chồng chúng tôi an tâm hơn, chỉ lo làm ăn và nuôi con”.
Một hộ khác đã thoát nghèo, ngụ cùng địa phương là gia đình chị Lâm Thị Hồng Điệp. Cách đây 3 năm, gia đình chị Điệp không có nhà ở, không có đất sản xuất. Sau đó, gia đình chị được hỗ trợ tiền mua bò từ dự án Giảm nghèo, vay vốn giải quyết việc làm để mua 2 con bò về nuôi. Đến cuối năm 2022, vợ chồng chị Điệp đã tích góp xây được căn nhà mới khang trang. Khi cuộc sống ổn định hơn, vợ chồng chị Điệp đã xin ra khỏi hộ nghèo, hiện là hộ có mức sống trung bình. Chị Điệp xúc động nói: “Nhờ sự quan tâm của địa phương mà gia đình tôi đã giảm khó khăn. Vợ chồng tôi nuôi bò, dành dụm góp hơn 90 triệu đồng để cất nhà, các con tôi được học hành đàng hoàng”.
Một hội viên phụ nữ ở xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu được hỗ trợ vốn khởi nghiệp
Chị Phạm Thị Thùy Trang, ngụ ấp Long Hải, xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành có nghề may quần áo hơn 10 năm. Trước đó, hộ chị Trang thuộc diện cận nghèo. Không có vốn để làm nghề, chị phải mướn máy làm việc nên thu nhập thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2019, chị được hỗ trợ máy may từ dự án may mặc với trị giá 10 triệu đồng, con chị đi học được hỗ trợ dụng cụ học tập. Nhờ đó, vợ chồng chị yên tâm làm việc. Siêng năng, chịu khó làm lụng, năm 2021, hộ chị Trang chính thức thoát nghèo.