Bài 1 - Nói một đằng, làm một nẻo
Thế giới quan là toàn bộ những quan niệm của cá nhân về thế giới, bản thân, con người và vị trí của con người trong thế giới đó. Nó đóng vai trò định hướng đối với toàn bộ cuộc sống của con người, từ thực tiễn đến hoạt động nhận thức thế giới cũng như tự nhận thức bản thân, xác định lý tưởng, hệ giá trị lối sống cũng như nếp sống của mình. Thế giới quan và bản lĩnh chính trị là hai yếu tố quyết định đến sự thành bại trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Một người đã không có thế giới quan và bản lĩnh chính trị thì chẳng những không thể đương đầu với khó khăn, thử thách mà làm việc gì cũng khó, lúc nào cũng sẵn sàng buông xuôi, bỏ cuộc. Hơn thế nữa, họ còn là người ích kỷ và thường hay 'nói một đằng, làm một nẻo' hoặc nói nhưng không làm. Và những bài viết sau xin giới thiệu cùng bạn đọc về một số 'khuôn mặt' như thế.
Góc nhìn của người xưa…
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, tục ngữ chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Vì tục ngữ là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh, thể hiện kinh nghiệm dân gian về mọi mặt trong tự nhiên, cũng như trong lao động, sản xuất, xã hội rồi được nhân dân vận dụng vào đời sống, suy nghĩ và lời ăn tiếng nói hằng ngày. Tục ngữ không chỉ giúp chúng ta hiểu và đối mặt với các tình huống khác nhau một cách thông minh, mà còn đưa ra những lời khuyên và kinh nghiệm quý báu. Nói tóm lại, tục ngữ dạy chúng ta về những điều hay, lẽ phải, những kinh nghiệm cũng như đạo lý sống được đúc kết từ bao đời và câu tục ngữ “nói một đằng, làm một nẻo” là một ví dụ sinh động nhất.
Xét về ngữ nghĩa, câu tục ngữ “Nói một đằng, làm một nẻo” là chỉ 2 hành động nói và làm không ăn khớp với nhau, trái với lẽ thường. Cụ thể hơn, “nói một đằng, làm một nẻo” ám chỉ người nào đó nói thế này nhưng lại làm thế khác, tức là lời nói của họ không đi đôi với việc làm, thậm chí nói và làm trái ngược nhau. Tóm lại, việc nói một đằng, làm một nẻo là sự không trung thực với suy nghĩ của bản thân. Chính vì thế, câu tục ngữ “Nói một đằng, làm một nẻo” không chỉ mang hàm ý phê phán, chê trách sự thất tín, đố kỵ, kém cỏi và đã thiếu trung thực mà còn không tử tế của một người nào đó. Và trên đời này không có gì tồi tệ hơn kẻ nói một đằng, làm một nẻo hoặc chỉ nói mà không làm, thậm chí còn làm ngược lại.
…và quan niệm thời nay
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ rõ, một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là: “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”. Từ khẳng định nêu trên, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng đã đưa ra cảnh báo: “Đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với cương lĩnh, đường lối, điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên”. Nguyên nhân của những biểu hiện này thì có nhiều, nhưng trước hết là do chủ nghĩa cá nhân mà ra. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là chỉ chăm lo vun vén cho lợi ích riêng, đặt lợi ích của cá nhân, gia đình lên trên lợi ích chung của giai cấp, của dân tộc, “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”, nó là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên và hậu quả cuối cùng là suy thoái về đạo đức, lối sống, tha hóa nhân cách và dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng chỉ rõ, một trong những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là: Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước… Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước. Như vậy, suy cho cùng thì niềm tin, lý tưởng, nhân sinh quan, lẽ sống là căn cốt của mỗi con người. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên thì đó là bản lĩnh chính trị, là lời thề trước Đảng, là sự trung thành, kiên định với con đường mình đã chọn. Và dù ở đâu hoặc thời nào cũng vậy, không thể có một công dân nói chung hay quan chức nói riêng là người tốt nếu họ “nói thì hay, làm thì dở” hoặc “nói một đằng, làm một nẻo”.
“Nói một đằng…” - họ là ai?
Phải khẳng định rằng, một người tốt dù chỉ là công dân bình thường hay cán bộ, đảng viên thì trước hết người đó phải giữ vững cam kết, luôn kiên định, trung thành với lý tưởng mà chính mình đã chọn. Thế nhưng thời nay có một số người chỉ vì hẹp hòi, ích kỷ cá nhân hay vì động cơ vụ lợi hoặc những lý do thấp hèn khác mà khi đương chức họ nói một đằng, nhưng khi về hưu họ lại nói một nẻo. Đáng buồn là trong số đó có một số người không phải vì nhận thức thiếu hiểu biết, bởi họ đã từng là nhân sĩ, nghệ sĩ, trí thức có tiếng một thời và còn có cả những người từng là cán bộ, đảng viên, sĩ quan… song xuất phát từ động cơ chống phá nên họ đã cố tình làm biến dạng sự kiện, bản chất lịch sử. Chưa hết, có những người tự tách mình ra khỏi thời cuộc, từ bỏ, phỉ báng chính con đường mình đã lăn lộn quá nửa đời người để đi theo quan điểm, tư tưởng của phương Tây mà họ cho rằng đó mới là “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”.
Và dù xuất phát từ lý do nào thì đây chính là sự suy thoái tư tưởng chính trị, đánh mất chính mình. Một khi đã đánh mất chính mình, điều nguy hại là họ dùng sự ảnh hưởng từ tên tuổi và những tác phẩm nổi danh của mình trong quá khứ để “bắn” vào hiện tại bằng những bài viết, tác phẩm, thậm chí là phát ngôn gây nguy hại về tư tưởng cho thế hệ trẻ hôm nay. Một trong những chiêu “gây độc” của không ít người mang danh văn sĩ, trí thức, thậm chí là cán bộ, đảng viên lâu năm đã từng vượt qua “mưa bom, bão đạn”, từng “vào sinh, ra tử” nhưng cuối đời lại lầm đường đi theo xu hướng “viết lại lịch sử”, thực chất đây là việc làm phỉ báng, xuyên tạc lịch sử, cười nhạo trên xương máu của tiền nhân. Thâm độc hơn, bằng những sự kiện chắp vá, cắt ghép hoặc hư cấu, thậm chí là bịa đặt, có người đã biến những sự kiện lịch sử, những nhân vật lịch sử được dân tộc tôn vinh, Tổ quốc ghi danh, nhân loại nghiêng mình ngưỡng mộ… bằng những câu từ hết sức mập mờ, như: “Nói lại cho rõ”, “sự thật”, “tiết lộ” hay “chuyện bây giờ mới kể”…
Truyền thống văn hóa của dân tộc Việt từ mấy ngàn năm nay không bao giờ dung nạp thói vô ơn, bội tín, bội nghĩa. Bởi lẽ, sống trên đời này không có gì tồi tệ hơn một người chỉ biết nói chứ không biết làm hoặc nói một đằng, làm một nẻo. Vì đây chính là cội nguồn của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thành những kẻ “trở cờ”.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/146732/bai-1-noi-mot-dang-lam-mot-neo