Bài 1: Phát triển kinh tế hướng ra biển là xu thế tất yếu của Thái Bình
Thái Bình nổi tiếng với truyền thống quai đê, lấn biển và hiện nay đang nỗ lực tìm hướng đột phá nhưng rất có thể sẽ lỡ cơ hội vàng chỉ vì thông tin sai lệch.
L.T.S: Dư luận vừa qua có một số thông tin trái chiều xung quanh thông tin về việc Thái Bình thực hiện triển khai quy hoạch phát triển liên quan tới khu vực rừng phòng hộ ở Tiền Hải. Để giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh và đa chiều về sự việc, Báo Công Thương tổ chức loạt bài về vấn đề này.
Đứng trước cơ hội, vận hội mới và yêu cầu phát triển mới,Thái Bình đang chuyển mình mạnh mẽ, phát huy những lợi thế riêng có, định hình chiến lược phát triển, hướng mạnh ra biển...và việc triển khai các dự án mới là cần thiết? Vậy tại sao xuất hiện một số thông tin trái chiều và những thông tin đó có thật sự đầy đủ, khách quan?
Thủ tướng: Thái Bình cần nghiên cứu, mở rộng không gian phát triển ra hướng biển
Cách đây hơn 1 năm, ngày 8/5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Thái Bình.
Trong khuôn khổ chuyến công tác này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên đoàn có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác tổ chức xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2021 cũng như 4 tháng đầu năm 2022; nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và giai đoạn 2021-2025.
Tại buổi làm việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ rõ Thái Bình chưa có đột phá; hạ tầng chiến lược chậm phát triển; chưa khai thác hết tiềm năng đất đai và nguồn lực lao động...
Trong khi các địa phương bên cạnh đã có những bứt phá, thì Thái Bình phải vượt lên chính mình hơn nữa để có đột phá, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập bình quân đầu người trong tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Thái Bình vốn được biết đến là vùng “quê lúa, đất nghề,” là tỉnh có nhiều tiềm năng và hội tụ những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội như gần với các trung tâm kinh tế lớn, nằm trong khu kinh tế động lực tăng trưởng phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); có nguồn nhân lực dồi dào; hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ.
Ngoài ra, Thái Bình còn là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, có tiềm năng trong phát triển du lịch, dịch vụ và làng nghề.
Do đó, tỉnh phải nhận thức rõ và tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh này để phát triển; với tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại mà tích cực, chủ động đi lên từ nội lực, tranh thủ ngoại lực để phát triển.
Thủ tướng yêu cầu, trước mắt Thái Bình cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là các chương trình, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX đã đề ra.
Tỉnh cần nhận thức rõ nét về vai trò, vị trí, tiềm năng, cơ hội phát triển của tỉnh trong sự phát triển chung của khu vực, cả nước để đề ra chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp; cụ thể hóa trong công tác quy hoạch để mở ra không gian phát triển mới, thúc đẩy tỉnh phát triển toàn diện.
Tỉnh cần tập trung cho công tác quy hoạch, với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, đi trước một bước, có trọng tâm, trọng điểm, tìm ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và tạo ra động lực mới để phát triển.
“Thái Bình đất hẹp, người đông; người xưa đã chọn nơi đây là nơi lấn biển. Do đó tỉnh phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu, mở rộng không gian phát triển hướng ra biển”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ.
Phát triển rừng ngập mặn, định hình khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước và tạo sinh kế bền vững cho người dân
Với đặc điểm là vùng biển bồi, điều kiện thiên nhiên không thuận lợi nên trước năm 2012 vùng ven biển tỉnh Thái Bình chỉ có rải rác một số diện tích cây ngập mặt với mật độ và chất lượng không cao. Còn phần lớn diện tích bãi triều mà chủ yếu là ở huyện Tiền Hải đều là những doi đất ngập nước, không có rừng.
Năm 2014, với mong muốn tập trung phát triển rừng trên các diện tích bãi triều nhằm giữ đất, chống biến đổi khí hậu, tạo sinh kế cho người dân, hướng tới hình thành khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định 2159 xác lập diện tích rừng ngập mặn có diện tích 12.500 ha với tên gọi “Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải”.
Phạm vi ranh giới, quy mô của “khu bảo tồn” này chỉ mang tính ước lệ chưa được xác định bằng các phương thước đo đạc; theo đó phạm vi xác định và triển khai có tác dụng định hướng để tỉnh tìm nguồn lực, xây dựng kế hoạch và triển khai phát triển rừng theo tọa độ cần được khảo sát, định rõ để phù hợp với thực tế và không chồng lấn với diện tích khu dân cư và các khu chức năng khác. Năm 2015, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã đưa 12.500 ha “Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải” vào danh mục II (khu dự trữ thiên nhiên) tại Quyết định số 1107.
Trong cả Quyết định 2159 và Quyết định 1170 đều đề ra nhiệm vụ phải tiến hành xác lập cụ thể và hoạch định trên thực địa diện tích rừng và khu bảo tồn thiên nhiên.
Trong gần 10 năm qua, tỉnh Thái Bình đã dành nhiều nguồn lực, thu hút nhiều dự án để phát triển mạnh rừng ngập mặn ven biển.
Mặc dù việc phát triển rừng gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, thủy văn, nhưng diện tích rừng vẫn tăng nhanh qua từng năm. Cụ thể, từ gần 1.000 ha rừng nghèo năm 2014, đến nay Thái Bình đã có 4.300 ha rừng chất lượng cao với môi trường sinh thái và điều kiện sống tự nhiên được cải thiện rõ rệt. Diện tích rừng ngập mặn ven biển qua đó cũng được xác lập cụ thể và hình thành trên thực địa.
Để xác lập trên thực địa, tiến tới hình thành và tổ chức khu bảo tồn nhiên nhiên, trong những năm gần đây, tỉnh Thái Bình đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai nhiều kế hoạch cụ thể, đến nay đã hình thành được Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước tại huyện Thái Thụy với diện tích 6.700 ha (trong đó có phần diện tích rừng ngập mặn là hơn 1.200 ha).
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước tại huyện Thái Thụy cũng đã được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên ở phía Bắc nước ta.
Đây chính là một kết quả quan trọng trong quá trình thực hiện Quyết định 2159 và Quyết định 1107.
Song song với đó, sinh kế của người dân ven biển ngày càng bền vững hơn, đã hình thành nhiều loại hình sản xuất, nuôi trồng, khai thác dưới tán rừng, trên các bãi triều…
Thái Bình sẽ tiếp tục xác lập trên thực địa diện tích rừng ngập mặn và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước tại huyện Thái Thụy kết hợp xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái Bình, phát triển không gian kinh tế biển
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1486 thành lập Khu kinh tế Thái Bình. Đến năm 2019, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình với diện tích hơn 30.000 ha tại 30 xã ven biển của 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải.
Quy hoạch chung khu kinh tế này đã được các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành Trung ương xây dựng dựa trên các sở cứ khoa học và thực tiễn, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh Thái Bình, đáp ứng yêu cầu phát triển trong dài hạn, vừa đảm bảo gìn giữ, bảo tồn điều kiện tự nhiên, vừa định hướng để tỉnh Thái Bình phát triển mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó ưu tiên phát triển mạnh không gian kinh tế biển.
Các phân khu chức năng và các phân khu khác được xác lập một cách khoa học, rõ ràng, trong đó chỉ rõ các diện tích, phân khu để tập trung bảo vệ và phát triển rừng, xác lập các diện tích bảo tồn đa dạng sinh học…
Trao đổi với Báo Công Thương, một lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho biết: “Có thể nói, định hướng phát triển của Khu kinh tế Thái Bình là sự kết hợp hài hòa giữa giữ gìn, bảo tồn và phát triển. Trong 3 năm qua, tỉnh Thái Bình đã nhanh chóng cụ thể hóa, triển khai mạnh mẽ trên thực địa các định hướng phát triển khu kinh tế Thái Bình. Các khu công nghiệp được xây dựng và trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Các phân khu chức năng nhanh chóng được thành hình. Diện tích rừng ngập mặn và khu bảo tồn tiếp tục được đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng”.
Về các thông tin thời gian qua cho rằng Thái Bình “xóa sổ” rừng ngập mặn và khu bảo tồn để nhường chỗ cho phát triển kinh tế, vị đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Bình đánh giá: “Đây chỉ là các thông tin sai lệch do sự nhầm lẫn về khái niệm, trích dẫn không đầy đủ thông tin và không bám sát, phản ánh đúng thực tiễn. Một số thông tin không có sự trao đổi mà chỉ truyền tải một chiều, mang tính chất thổi phồng, áp đặt gây hiểu lầm.
Thực tế, việc tỉnh xác lập diện tích rừng ngập mặn vừa là để tiếp tục thực hiện Quyết định 2159, Quyết định 1107 và đặc biệt là Quyết định 1486, không thể hiểu là “xóa bỏ” rừng ngập mặn và khu bảo tồn, càng không thể đánh đồng diện tích rừng ngập mặn với diện tích khu bảo tồn”.
Theo lãnh đạo tỉnh Thái Bình, tỉnh luôn luôn đánh giá cao và trân trọng tiếp thu các thông tin phản ảnh của các cơ quan truyền thông thời gian qua, nhất là đối với các thông tin mang tính xây dựng, góp ý cho tỉnh. Đặc biệt, một số chuyên gia, nhà khoa học đã có cái nhìn khách quan, khoa học, thực tiễn, lịch sử về vấn đề..
Thái Bình đang tích cực rà soát lại toàn bộ vấn đề, trao đổi, làm việc với các bộ, ngành Trung ương để làm rõ và đi đến thống nhất khái niệm, số liệu, phạm vi và cách thức thực hiện và sẽ cùng các bộ, ngành liên quan có thông tin chính thống, chính thức về vấn đề này.