Bài 1: Quan điểm, mục tiêu và các đột phá phát triển

Đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.

Ngày 29.12.2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1736/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trước đó, tháng 6.2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 775 phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Hơn ba năm kể từ ngày có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tháng 10.2023, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 117 “Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”.

Theo định nghĩa, “quy hoạch là việc phân bố, sắp xếp các hoạt động và các yếu tố sản xuất, dịch vụ và đời sống trên một địa bàn lãnh thổ (quốc gia, vùng, tỉnh, huyện) cho một mục đích nhất định trong một thời kỳ trung hạn, dài hạn (có chia các giai đoạn) để cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên lãnh thổ theo thời gian, là cơ sở để lập các kế hoạch phát triển”. Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 là một chủ trương lớn, dài hạn, vì một Tây Ninh trong tương lai.

Khu du lịch núi Bà Đen đang chuẩn bị đón du khách 5 triệu trong năm 2023. Ảnh: Hải Triều

Khu du lịch núi Bà Đen đang chuẩn bị đón du khách 5 triệu trong năm 2023. Ảnh: Hải Triều

Nghị quyết 117 của HĐND tỉnh nêu rõ, quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, bảo đảm thống nhất, đồng bộ hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng Đông Nam bộ.

Tranh thủ cơ hội, tận dụng ưu thế địa phương để chuyển thành động lực tăng trưởng và phát triển cho tỉnh và cả vùng. Tổ chức, bố trí không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội hợp lý để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế vị trí cửa ngõ của Tây Ninh trong vùng Đông Nam bộ.

Bảy trụ cột

Quan điểm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh dựa trên 7 trụ cột, gồm:

Thứ nhất, tiếp cận cân bằng có trọng tâm giữa các yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường, điều chỉnh bằng công cụ chính sách: Hướng đến phát triển bền vững thông qua kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với xây dựng văn hóa, ổn định xã hội, bảo vệ môi trường. Định hướng phát triển nhanh, bảo đảm hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn, trong đó ưu tiên tập trung phát triển vùng động lực phía Nam và vùng trung tâm. Chú trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, đặt tầm nhìn xa, lộ trình vừa sức và có tính linh hoạt cao: Hướng đến mục tiêu gia nhập nền kinh tế tri thức vào năm 2040. Tầm nhìn xa với mục tiêu cao cần vạch ra lộ trình thực tế, rõ ràng và vừa sức, dựa trên phân tích tính ưu tiên trong thực thi đồng thời thiết kế các chính sách mềm dẻo, có phương án thích nghi với các biến động của khu vực và thế giới.

Thứ ba, nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị công, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Chính quyền kiến tạo, liêm chính, năng động, sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, tạo động lực, khai thác tối đa nguồn lực, tạo bước đột phá thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vừng. Chủ động, tích cực tham gia quá trình chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ, xây dựng chính quyền điện tử góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện, nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index và DTI.

Thứ tư, xây dựng “Tây Ninh xanh”: Yếu tố xanh vừa là mục tiêu vừa là phương tiện phát triển của tỉnh. Từng bước chuẩn bị nguồn nhân lực, hạ tầng và chính sách để thực hiện quá trình thu hút vốn và công nghệ, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.

Nhận diện và phát triển các cụm ngành sản phẩm mang tính chiến lược với trọng tâm là các khâu chế biến và dịch vụ có giá trị gia tăng cao gắn với việc làm ổn định cho người dân. Chủ động tận dụng cơ hội từ quá trình lan tỏa phát triển hạ tầng giao thông kết nối, phát triển công nghiệp, đô thị - thương mại - dịch vụ vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ.

Thứ năm, giảm lệ thuộc vào tài nguyên, phát triển thông qua hiệu suất: Ưu tiên đầu tư nguồn lực con người và công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Thứ sáu, chủ động gia nhập thị trường: Tích cực xây dựng, định vị thương hiệu sản phẩm địa phương hướng đến đối tượng, thị trường mang lại giá trị gia tăng cao, tăng tỷ trọng đóng góp của ngành thương mại dịch vụ vào GRDP.

Thay đổi tư duy từ sản xuất kinh doanh đơn thuần sang kinh tế tuần hoàn có giá trị gia tăng cao, khuyến khích người dân, doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và quảng bá sản phẩm trên các kênh thương mại hiện đại và phi truyền thống như thương mại điện tử, khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu gắn với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Thứ bảy, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh quốc phòng, trong đó nhiệm vụ bảo đảm an ninh và chủ quyền lãnh thổ là điều kiện tiên quyết, phát triển kinh tế là trọng tâm. Chủ động nắm chắc tình hình không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống, đặc biệt chú trọng ở các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới. Mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.

Mục tiêu phát triển - công nghiệp và dịch vụ

Mục tiêu tổng quát: Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Tây Ninh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam bộ và cả nước.

Nông nghiệp phát triển theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, số hóa và kinh tế tuần hoàn.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy, trở thành nhân tố chủ yếu đóng góp cho nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội toàn diện hướng đến thuộc nhóm tiên tiến của cả nước. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

Về kinh tế: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 9,5%/năm. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 11%, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 58%, dịch vụ chiếm 25% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 210 triệu đồng (tương đương khoảng 7.700 USD). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10,5%/năm. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 10%/năm trở lên.

Về xã hội: 55% trường mầm non, 65% trường tiểu học, 70% trường trung học cơ sở và 50% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 80%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5%. Số bác sĩ/vạn dân đạt 11 bác sĩ, số giường bệnh/vạn dân đạt 32 giường bệnh. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể thấp còi) dưới 15%. 100% số xã đạt nông thôn mới, 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Về môi trường: Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt trên 92%, trong đó thành thị 100%, nông thôn 80%. Tỷ lệ che phủ rừng (đã loại trừ cây cao su) từ 16,4% trở lên. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 100%. Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý đạt trên 95%.

Về đô thị và kết cấu hạ tầng: Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 53%. Hoàn thành công tác nâng loại đô thị thành phố Tây Ninh và các thị xã, hoàn thành phân loại các đô thị mới. Các thị trấn (mở rộng) khi đủ điều kiện, phát triển các dự án đầu tư phát triển đô thị, khu đô thị, khu dân cư và nhà ở xã hội theo mục tiêu, định hướng, chương trình phát triển đô thị. Tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 47,42 triệu mét vuông, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh 33m2 sàn/người; phấn đấu diện tích sàn nhà ở xã hội đạt khoảng 670 ngàn mét vuông, tương ứng khoảng 15.200 căn.

Về đảm bảo quốc phòng, an ninh: 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”, cơ sở vững mạnh toàn diện. Xây dựng khu vực phòng thủ, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển.

Viết Đông

(Còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-1-quan-diem-muc-tieu-va-cac-dot-pha-phat-trien-a167586.html