Bài 1: Quan hệ cộng sinh đặc biệt

Mỗi địa phương, mỗi vùng, miền đất Việt đều sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, giàu giá trị. Muốn đưa du lịch văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa và công nghiệp văn hóa trở thành nguồn lực phát triển bền vững du lịch Việt Nam, thì phải biến những giá trị văn hóa thành sản phẩm thu hút đông đảo du khách.

Báo cáo năm 2021 về Di sản văn hóa và Phát triển du lịch của Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc (UNWTO) đã khẳng định, văn hóa và du lịch có mối quan hệ cộng sinh đặc biệt.

Tạo lợi thế cạnh tranh

Văn hóa mang nội hàm rộng với rất nhiều cách tiếp cận khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người được truyền từ đời này sang đời khác thông qua các chuỗi sự kiện trong đời sống hàng ngày. Theo UNESCO, văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động và sáng tạo trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống giá trị, truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc.

Theo quan điểm này, tất cả các loại hình du lịch đều có yếu tố văn hóa, bởi tất cả hoạt động di chuyển của con người thỏa mãn nhu cầu về sự đa dạng vốn có trong bản chất con người và hướng đến nâng cao trình độ văn hóa của con người bằng cách cung cấp cho họ cơ hội được học hỏi những điều mới lạ, có trải nghiệm và các cuộc gặp gỡ (UNWTO, 1985).

 Hoạt động trải nghiệm kết nối du khách với văn hóa địa phương. Ảnh: Minh Đức

Hoạt động trải nghiệm kết nối du khách với văn hóa địa phương. Ảnh: Minh Đức

Văn hóa là những giá trị do con người tạo ra cho nên có mối quan hệ đến hầu hết các mặt của đời sống con người. Văn hóa tạo ra sức hấp dẫn cho du lịch và đã trở thành một phần không thể thiếu để tạo ra những kỳ nghỉ trọn vẹn. Du khách tìm kiếm những trải nghiệm đặc biệt, khác biệt và mới lạ ở những nơi có sự khác biệt về văn hóa.

Những cuốn hút về văn hóa tại điểm đến là yếu tố mang tính cạnh tranh rất cao từ góc độ sản phẩm du lịch. Do đó, nhiều nơi đã xem văn hóa như tài sản, công cụ đặc biệt để hấp dẫn khách du lịch. Những yếu tố văn hóa cuốn hút khách du lịch gồm: thủ công mỹ nghệ, ngôn ngữ, truyền thống, ẩm thực, nghệ thuật và âm nhạc, lịch sử của điểm đến, các loại công việc của cư dân, kiến trúc, tôn giáo, giáo dục, trang phục, giải trí…

Nếu xem xét sâu hơn, có thể thấy ảnh hưởng của văn hóa lên hầu hết khía cạnh của hoạt động du lịch, từ khâu xây dựng sản phẩm du lịch đến quá trình khai thác, chinh phục và níu chân du khách. Du lịch dựa vào văn hóa để phát triển sản phẩm, gia tăng trải nghiệm cho du khách. Ngược lại, văn hóa được quảng bá và phát triển tốt hơn thông qua hoạt động du lịch.

Du lịch văn hóa là thị trường du lịch lớn nhất và phát triển nhanh nhất thế giới. Văn hóa dưới mọi hình thức là cấu phần cốt lõi trong quy hoạch điểm đến, kiến tạo sản phẩm và quảng bá du lịch, ngay cả các điểm đến chỉ nổi trội về tài nguyên thiên nhiên. Việc tăng cường sử dụng giá trị văn hóa giúp định vị rõ nét hình ảnh điểm đến nhằm thương mại hóa hiệu quả các sản phẩm du lịch.

Có cơ chế kết nối hiệu quả

Tính đặc thù của du lịch và văn hóa đòi hỏi tạo ra các nền tảng hợp tác (quan hệ đối tác) và thiết lập cơ chế hiệu quả kết nối hai lĩnh vực này. Các điểm đến cũng tìm cách cải thiện lợi thế so sánh của mình bằng cách phát triển các sản phẩm văn hóa (đặc biệt các yếu tố văn hóa phi vật thể và mang tính sáng tạo). Việc sử dụng các yếu tố văn hóa trong du lịch giúp phát triển địa phương bền vững. Các cộng đồng địa phương đang bắt đầu cùng nhau xây dựng các sản phẩm văn hóa du lịch thay vì cạnh tranh trực tiếp với nhau. Các chính sách mới tạo nên sự hợp tác công - tư và tập hợp nhiều bên liên quan hơn để văn hóa không chỉ là yếu tố tăng sức hấp dẫn của điểm đến đối với khách du lịch mà còn đối với các nhà đầu tư.

Con người có xu hướng thích trải nghiệm lối sống, phong tục, tập quán của cộng đồng cư dân tại điểm đến. Khách du lịch mong muốn được trải nghiệm văn hóa - du lịch (sự kiện có thật, gắn liền với sinh kế và các hoạt động trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân địa phương). Biên độ lĩnh vực văn hóa được mở rộng và gắn liền với các sự kiện lịch sử và đương đại, đồng nghĩa với thị trường khách được mở rộng hơn rất nhiều. Hành vi tiêu dùng chính của khách du lịch quan tâm đến yếu tố văn hóa không chỉ thỏa mãn ở việc được cung cấp các sản phẩm du lịch đơn lẻ mà còn sử dụng sản phẩm trong tiến trình của nó (trong môi trường thực tế và tái hiện không gian di sản) - trải nghiệm. Vì thế, hoạt động trải nghiệm kết nối du khách với văn hóa địa phương rất quan trọng.

Đặc thù văn hóa bản địa được cụ thể hóa thành chủ đề của điểm đến, định hướng quy hoạch phát triển địa phương, quốc gia, bao gồm quy hoạch phát triển du lịch. Các hoạt động văn hóa còn được kết nối với các sự kiện lịch sử lớn, các địa điểm nổi tiếng hoặc người nổi tiếng, có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho sự phát triển du lịch. Sự tham gia của cộng đồng địa phương là điều kiện cần để phát triển sản phẩm và là yếu tố quan trọng tạo nên sự hài lòng của du khách. Vai trò của họ không chỉ giới hạn ở việc tiếp đón, phục vụ mà còn lan tỏa những giá trị văn hóa bản địa đến du khách, bởi chính họ là chủ thể của văn hóa bản địa.

Thực tiễn cho thấy, du lịch là phương thức, là con đường mà nhiều quốc gia đang đầu tư, khai thác yếu tố kinh tế của văn hóa để phát huy sức mạnh mềm quốc gia, dân tộc. Đồng thời, tài nguyên văn hóa cũng chính là nguồn lực phát triển kinh tế.

TS. Đoàn Mạnh Cương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-1-quan-he-cong-sinh-dac-biet-post390840.html