Bài 1: Quyết sách sát thực tiễn, 'trúng' lòng dân

Cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, phù hợp với thực tiễn, đúng nguyện vọng người dân, trong đó xác định rõ trách nhiệm và nguồn lực thực hiện.

Cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, phù hợp với thực tiễn, đúng nguyện vọng người dân, trong đó xác định rõ trách nhiệm và nguồn lực thực hiện.

Tuyên Quang là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, nhiều năm về trước đời sống của người trồng rừng bấp bênh, nhiều khoảnh rừng sản xuất người dân phải chuyển đổi sang trồng những loại cây ngắn ngày để có thu nhập.

Những ngôi nhà khang trang nhờ có thu nhập từ trồng rừng ở xã Hùng Đức (Hàm Yên).

Những ngôi nhà khang trang nhờ có thu nhập từ trồng rừng ở xã Hùng Đức (Hàm Yên).

Xác định kinh tế lâm nghiệp là một trong những lĩnh vực quan trọng trong tỷ trọng phát triển nông lâm nghiệp và từ những đòi hỏi từ chính thực tiễn cuộc sống Nhân dân, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển lâm nghiệp bền vững; chỉ đạo ban hành các cơ chế, chính sách, các đề án về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết đã thực sự trở thành nền tảng để cấp ủy các cấp triển khai các nhiệm vụ. Nghị quyết cũng là đòn bẩy để tỉnh phấn đấu trở thành hình mẫu về phát triển lâm nghiệp, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Cán bộ, hội viên Hội Nông dân thành phố Tuyên Quang hỗ trợ người dân xã Kim Phú trồng rừng.

Cán bộ, hội viên Hội Nông dân thành phố Tuyên Quang hỗ trợ người dân xã Kim Phú trồng rừng.

Ông Nguyễn Đức Bình, thôn 2, xã Thái Bình (Yên Sơn) có 12 ha diện tích đất rừng. Khi chưa có những cơ chế, chính sách mới về phát triển lâm nghiệp của tỉnh, phần lớn diện tích rừng của gia đình ông để trồng gỗ nhỏ, chu kỳ khai thác sớm, nhưng thu nhập không cao.

Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến về chính sách khuyến khích và hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, ông Bình đã mạnh dạn đăng ký chuyển hóa sang trồng rừng gỗ lớn với chu kỳ khai thác từ 10 - 12 năm để tăng sản lượng và giá trị khi thu hoạch. Nhờ có cơ chế chính sách hỗ trợ, ông Bình cũng như nhiều người trồng rừng trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, phát triển rừng gỗ lớn, cho thu nhập cao.

Giống cây lâm nghiệp chất lượng cao phục vụ cho vụ trồng rừng 2024 (ảnh trái).

Giống cây lâm nghiệp chất lượng cao phục vụ cho vụ trồng rừng 2024 (ảnh trái).

Cũng như phát triển lâm nghiệp, đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo ban hành Đề án phát triển du lịch và các chính sách hỗ trợ để triển khai thực hiện đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đã tác động quan trọng, để người dân tham gia tích cực vào hoạt động phát triển du lịch.

Du khách trải nghiệm du lịch trên hồ Nà Nưa, Tân Trào.

Du khách trải nghiệm du lịch trên hồ Nà Nưa, Tân Trào.

Tại các khu, điểm du lịch của tỉnh ngày càng trở nên hấp dẫn du khách khi nhiều hộ dân được hỗ trợ, hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư vào phát triển du lịch. Điển hình là mô hình du lịch cộng đồng Homestay mang đậm bản sắc của Tuyên Quang được người dân mạnh dạn đầu tư. Nhiều sản phẩm du lịch mới cũng từ đó được hình thành.

Chính sách phát triển du lịch giúp người dân mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.

Để cụ thể hóa thực hiện các khâu đột phá, các nhiệm vụ trong tâm mà tỉnh đã xác định, BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 14 nghị quyết, chỉ thị, đề án; HĐND tỉnh ban hành 12 nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 21 đề án, kế hoạch. Các quyết sách, nghị quyết được xây dựng từ đòi hỏi của thực tiễn đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng và thực hiện.

Từ những nghị quyết hợp lòng dân được Nhân dân đồng thuận hưởng ứng đã tạo sự chuyển biến to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ nghị quyết lãnh đạo phát triển lâm nghiệp, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh có bước phát triển rõ nét. Thế mạnh ngành lâm nghiệp từng bước được phát huy, bình quân hằng năm khai thác trên 1 triệu m3 gỗ, đứng đầu các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và thuộc tốp đầu các tỉnh có sản lượng khai thác gỗ rừng trồng của cả nước.

Cán bộ và người dân xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) trao đổi kinh nghiệm trồng rừng.

Cán bộ và người dân xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) trao đổi kinh nghiệm trồng rừng.

Tỉnh nằm trong tốp đầu các tỉnh có diện tích rừng trồng lớn nhất cả nước, đã hình thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng duy trì ổn định trên 190.000 ha, trong đó diện tích rừng gỗ lớn trên 76.000 ha, cơ bản đáp ứng đủ nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến gỗ, giấy lớn của tỉnh; tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì trên 65%, là một trong số các tỉnh dẫn đầu cả nước về quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng quốc tế.

Nhờ chính sách của tỉnh, nhiều hộ dân mạnh dạn phát triển trồng rừng gỗ lớn.

Nhờ chính sách của tỉnh, nhiều hộ dân mạnh dạn phát triển trồng rừng gỗ lớn.

Tỉnh cũng đã phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu cho 5 nhà máy chế biến lớn của tỉnh với diện tích trên 200.000 ha, đảm bảo nguyên liệu để phục vụ sản xuất một cách bền vững, tạo ra nhiều sản phẩm từ gỗ rừng trồng như: Giấy, bột giấy, đồ gỗ nội thất cao cấp, ván công nghiệp, viên nén năng lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ…

Với hệ thống 8 nhà máy chế biến gỗ lớn cùng với việc hoàn thành sắp xếp đổi mới 5/5 công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh đã góp phần củng cố, nâng cao hiệu quả các công ty lâm nghiệp; hình thành chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất lâm nghiệp, tạo việc làm ổn định cho trên 10.000 lao động là công nhân tại các nhà máy và hàng trăm nghìn lao động, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, củng cố an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; góp phần duy trì hệ sinh thái bền vững, phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhất là lụt bão, hạn hán, sạt lở đất.

Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương chuyển từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.

Phát triển du lịch đã thu hút được nhiều doanh nghiệp có tiềm lực và có sự tham gia tích cực của người của người dân. Tỉnh lúc đầu chỉ có 3 làng văn hóa du lịch cộng đồng tiềm năng là: Làng văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương); Làng văn hóa Khâu Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang); Làng văn hóa Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) thì đến nay, từ nhu cầu thực tiễn, các địa phương tiếp tục quy hoạch thêm nhiều làng văn hóa du lịch.

Huyện Na Hang quy hoạch, xây dựng thêm làng văn hóa du lịch thôn Bản Bung, xã Thanh Tương; Nà Khá, xã Năng Khả. Huyện Lâm Bình quy hoạch phát triển thêm Làng văn hóa du lịch thôn Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can; thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang; thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn. Huyện Hàm Yên quy hoạch, xây dựng làng văn hóa du lịch thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu. Huyện Yên Sơn quy hoạch, phát triển làng văn hóa du lịch thôn Động Sơn, xã Chân Sơn. Huyện Chiêm Hóa quy hoạch, phát triển làng văn hóa du lịch thôn Bản Ba, xã Trung Hà. Thành phố Tuyên Quang có triển vọng phát triển làng Dùm, phường Nông Tiến…

Làng văn hóa du lịch Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình).

Những quyết sách đúng, hợp lòng dân đã và đang được hiện thực hóa ở từng bước phát triển của tỉnh, nhằm hướng đến mục tiêu là người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thực tiễn sinh động của mỗi nghị quyết đó chính là những đổi thay về cuộc sống, về diện mạo từ thành thị đến các bản làng của Tuyên Quang.

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/bai-1-quyet-sach-sat-thuc-tien-trung-long-dan-193285.html