Sự tăng trưởng đáng mong chờ của các startup công nghệ khí hậu ASEAN

Trong bối cảnh thế giới biến động và kinh tế thế giới tăng trưởng trì trệ, thị trường startup tại khu vực Đông Nam Á năm 2023 và đầu năm 2024 không còn sôi động như những năm trước. Tuy nhiên, đầu tư vào các startup công nghệ khí hậu là một điểm sáng.

Bà Ovy Sabrina (trái) và bà Novita Tan (phải) - các nhà đồng sáng lập startup công nghệ khí hậu Rebricks của Indonesia. Ảnh: Rebricks

Bà Ovy Sabrina (trái) và bà Novita Tan (phải) - các nhà đồng sáng lập startup công nghệ khí hậu Rebricks của Indonesia. Ảnh: Rebricks

Theo báo cáo SE Asia Deal Review của DealStreetAsia, các startup Đông Nam Á chỉ kêu gọi được 1 tỷ USD vốn cổ phần trong quý 1/2024, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2023 năm ngoái và giảm tới hơn 50% so với quý 4/2023. Nhìn chung, chỉ có tổng cộng 180 giao dịch hay thương vụ được thực hiện 3 tháng đầu năm nay, giảm so với con số 193 của cùng kỳ năm 2023.

Xu hướng suy giảm của năm 2024 đã được ghi nhận từ năm 2023 trước đó. Dữ liệu được đối chiếu bởi DealStreetAsia cho thấy tổng tài trợ vốn cổ phần cho các startup của khu vực Đông Nam Á trong 9 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh 52% xuống còn mức 6,29 tỷ USD trên 554 giao dịch, thấp hơn hẳn so với ngưỡng 13,17 tỷ USD trên 840 giao dịch của cùng kỳ năm 2022.

Tuy các lĩnh vực vốn thường sôi động như FinTech và thương mại điện tử nhận được những khoản tài trợ lớn hơn, những con số này vẫn thấp hơn so với những năm trước đó.

Ngược lại, các lĩnh vực mới nổi như công nghệ sức khỏe và đặc biệt là công nghệ khí hậu lại trở thành những điểm sáng trong hệ sinh thái startup Đông Nam Á năm 2023 và 2024 bất chấp việc tài trợ đã giảm mạnh. Trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng, các công ty khởi nghiệp công nghệ Đông Nam Á tập trung vào các giải pháp điều chỉnh khí hậu và giảm thiểu đã đạt được nhiều thành công lớn.

Số vốn đầu tư được đổ vào các doanh nghiệp này trong 11 tháng đầu năm 2023 cao hơn so với toàn bộ năm 2022, theo báo cáo từ DealStreetAsia. Riêng trong quý 3/2023, lĩnh vực công nghệ xanh (thuộc về công nghệ khí hậu) đã chứng kiến 16 giao dịch, đánh dấu số lượng thỏa thuận cao nhất trong ít nhất 5 năm gần đây.

Với tổng giá trị thỏa thuận đạt 140 triệu USD, con số cao nhất trong 4 quý vào thời điểm đó, các khoản đầu tư vào các giải pháp năng lượng tái tạo và quản lý chất thải thể hiện sự quan tâm lớn của không chỉ các doanh nghiệp mà còn các nhà đầu tư vào tiềm năng của khu vực Đông Nam Á.

Một ví dụ có thể kể đến là quỹ Wavemaker Impact của Đông Nam Á gần đây đã thành công kêu gọi được 60 triệu USD trong vòng gọi vốn cuối cùng cho quỹ khí hậu đầu tay của mình sau khi thành công kêu gọi được 15 triệu USD hồi tháng 9/2023. Con số này cao hơn 2,5 lần so với mục tiêu ban đầu của quỹ đầu tư này là 25 triệu USD.

Circulation Capital, một công ty đầu tư có trụ sở tại Singapore tập trung vào nền kinh tế tuần hoàn, cũng thành công kêu gọi 76 triệu USD trong vòng gọi vốn cuối cho quỹ công nghệ khí hậu nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa và chống biến đổi khí hậu tại châu Á.

Những khoản vốn cũng bắt đầu chảy vào các công ty khởi nghiệp khí hậu trên toàn khu vực. Tại Indonesia – nền kinh tế lớn nhất của Đông Nam Á, các startup địa phương bao gồm công ty lưu trữ carbon Bioniqa, công ty chất thải bền vững Sampangan và công ty xe điện Baniql đều thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trong các giai đoạn gọi vốn đầu tiên.

Tại Singapore, nơi được đánh giá là sở hữu hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu thế giới cho nền kinh tế xanh theo Startup Genome, nguồn vốn đổ về đây là cao nhất trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Dữ liệu từ DealStreetAsia cho thấy riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, các startup tại đây, bao gồm các startup công nghệ khí hậu, nhận được tổng cộng 3,76 tỷ USD, tương đương 60% tổng tài trợ khu vực.

Tới năm 2024, các chuyên gia dự đoán xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục được duy trì trong bối cảnh sự quan tâm cao độ của thế giới đối với các vấn đề môi trường và khí hậu. Báo cáo EconomySea của Google, Temasek, Bain & Company năm 2023 nhận định công nghệ khí hậu dự kiến sẽ thu hút sự hỗ trợ tài chính nhiều nhất từ các nhà đầu tư trong năm 2024.

SunGreenH2 là một công ty startup có trụ sở tại Singapore chuyên về các giải pháp điện phân hiệu suất cao để sản xuất hydro xanh. Ảnh: SunGreenH2

SunGreenH2 là một công ty startup có trụ sở tại Singapore chuyên về các giải pháp điện phân hiệu suất cao để sản xuất hydro xanh. Ảnh: SunGreenH2

Các startup công nghệ khí hậu nổi bật tại Đông Nam Á

Rebricks

Rebricks là một startup có trụ sở tại Indonesia chuyên tập trung vào việc tái chế các loại rác thải nhựa thường bị từ chối bởi các hệ thống tái chế truyền thống, sau đó biến chúng thành vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường.

Công ty được thành lập vào tháng 7/2018 và đạt được một bước đột phá vào cuối năm 2019 khi tạo ra được gạch bằng cách sử dụng chất thải nhựa sử dụng một lần đáp ứng các tiêu chuẩn của chính phủ. Rebricks cung cấp sản phẩm của mình cho các tổ chức từ thiện nhằm xây dựng các ngôi nhà giá cả phải chăng và các tòa nhà vệ sinh cho các cộng đồng nghèo hơn.

Fairatmos

Fairatmos là một công ty startup ở Indonesia được thành lập vào năm 2022 với mục đích hỗ trợ hành trình hướng tới một tương lai net-Zero của Indonesia. Nền tảng của công ty kết nối các nhà phát triển dự án thân thiện với môi trường, ví dụ như phục hồi rừng ngập mặn và bảo tồn rừng, với các doanh nghiệp và cá nhân tìm cách cắt giảm dấu chân carbon của mình.

Tháng 12/2022, công ty đã kêu gọi được 4,5 triệu USD trong vòng gọi vốn đầu tiên do Go-Ventures và Kreasi Terbarukan TBS dẫn đầu. Khoản tài trợ này sẽ giúp startup mở rộng nền tảng của mình, mở rộng phạm vi tiếp cận với các nhà phát triển và cộng đồng, củng cố chuyên môn cũng như thúc đẩy tác động đến quá trình chuyển đổi của Indonesia sang một tương lai bền vững.

Zuno carbon

Được thành lập vào năm 2020, Zuno Carbon có trụ sở tại Singapore giúp cung cấp các giải pháp quản lý carbon toàn diện cho các tổ chức thuộc mọi quy mô. Tận dụng AI và nền tảng Veridis của mình, Zuno Carbon giúp các doanh nghiệp theo dõi, phân tích và giảm dấu chân carbon trên toàn bộ chuỗi cung ứng của mình.

Cách tiếp cận dựa trên dữ liệu này đã giúp công ty thu hút họ hơn 3 triệu USD tài trợ. Trong vòng gọi vốn hạt giống gần đây, Zuno Carbon đã kêu gọi được 2,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư, dẫn đầu là Wavemaker Partners.

SunGreenH2

Được thành lập vào năm 2020, SunGreenH2 là một công ty có trụ sở tại Singapore chuyên về các giải pháp điện phân hiệu suất cao để sản xuất hydro xanh. Công nghệ sáng tạo của startup này được khẳng định sẽ giúp tăng gấp đôi sản lượng hydro, giảm mức tiêu thụ năng lượng xuống 20% trong khi giảm việc sử dụng kim loại hiếm xuống 30 lần so với các phương pháp truyền thống.

Công nghệ của startup này đã thu hút được sự chú ý từ hãng tin CNN và còn xuất hiện trong danh sách CleanTech 50 to Watch trong năm 2023 của hãng tin này. Ngoài ra, SunGreenH2 còn giành giải thưởng Bloombergnef 2023 BNEF Pioneers. Để tăng tốc độ tăng trưởng hơn nữa, công ty đã kêu gọi được 2 triệu USD trong vòng tài trợ hạt giống do Sginnovate dẫn đầu với các nhà đầu tư khác, bao gồm Vinci VC, Cap Vista, T. Chen Fong và Apsara Investments.

Ureca

Là một startup công nghệ khí hậu khác có trụ sở tại Singapore, Ureca giúp các cá nhân và doanh nghiệp tham gia vào việc cắt giảm carbon thông qua công nghệ MRV kỹ thuật số sử dụng IoT (Internet of Things) và machine learning.

Vào tháng 11/2022, công ty đã huy động được 1,5 triệu USD trong vòng tài trợ tiền hạt giống để mở rộng quy mô hoạt động của mình tại Đông Nam Á và ra mắt một nền tảng để đầu tư trực tiếp vào các giải pháp khí hậu.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/su-tang-truong-dang-mong-cho-cua-cac-startup-cong-nghe-khi-hau-asean-post36049.html