BÀI 1: Sức hấp dẫn

Diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng, nhưng chất lượng đang được xem là một trong những 'rào cản' trong xuất khẩu loại trái cây chủ lực này. Không khuyến khích phát triển thêm diện tích trồng sầu riêng, chú trọng nâng cao chất lượng đang là mục tiêu ngành Nông nghiệp hướng tới.

Trong số các loại trái cây chủ lực của tỉnh, sầu riêng được nhiều nông dân đánh giá là có hiệu quả kinh tế cao nhất. Nhờ loại cây này, nhiều gia đình có cuộc sống khá giả, nhà cửa khang trang… Bên cạnh việc hình thành vùng chuyên canh sầu riêng tại khu vực phía Nam Quốc lộ 1, những năm gần đây loại cây này dần lấn sang phía Bắc Quốc lộ 1.

CUỘC SỐNG SUNG TÚC

Cuối tháng 4-2022, chúng tôi có dịp trở lại xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy). Sau đợt hạn, mặn lịch sử diễn ra vào năm 2020 làm nhiều diện tích sầu riêng bị thiệt hại, màu xanh đã trở lại trên “vương quốc” sầu riêng. Tạm gác lại tâm lý lo ngại hạn, mặn gay gắt sẽ tái diễn, người dân đã yên tâm trồng mới lại đối với những diện tích sầu riêng đã bị ảnh hưởng, thiệt hại.

Ông Luân chăm sóc vườn sầu riêng sau thu hoạch.

Ông Luân chăm sóc vườn sầu riêng sau thu hoạch.

Bởi lẽ, những năm qua, chính loại cây này đã mang đến cho họ cuộc sống ổn định, sung túc. Là người gắn bó lâu năm với vùng đất Ngũ Hiệp, gia đình ông Nguyễn Minh Luân (ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp) có 5 công trồng sầu riêng. Theo ông Luân, nhờ thu nhập cao nên hầu như ở xã nhà nào cũng trồng sầu riêng và 3 - 4 năm liên tục người dân nơi đây trúng đậm nhờ giá bán khá cao.

Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của hạn, mặn, một số vườn sầu riêng bị suy kiệt nên năng suất không bằng những năm trước. Dù vậy, do hiệu quả kinh tế cao, người dân vẫn tiếp tục gắn bó và trồng mới lại sầu riêng trên những diện tích đã bị thiệt hại.

Có thể nói, chính lợi nhuận là yếu tố hấp dẫn nông dân “kết duyên” với cây sầu riêng. Tuy nhiên, so với nhiều loại cây trồng khác, đây là loại cây “khó tính” đòi hỏi nhà vườn phải có kỹ thuật và sự am hiểu. Ông Đặng Văn Tám (xã Long Khánh, TX. Cai Lậy) đã gắn bó hơn 10 năm với cây sầu riêng.

Trước đây, gia đình ông trồng lúa, nhưng hiệu quả không bền vững. Sau đó, ông quyết định chuyển sang trồng sầu riêng cho thu nhập ổn định hơn, có của dư của để. Ông Tám cho biết: “Với 2 ha sầu riêng nếu trúng mùa, được giá, ông có thể thu về 400 - 500 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí là chuyện không khó. Đời sống của người dân nơi đây cứ sau một mùa sầu riêng lại càng khởi sắc và sung túc hơn. Ở đây mọi người đều xử lý trái nghịch vụ để bán được giá cao”.

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Hòa (ấp Mỹ Lương, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy) trồng nhiều loại cây như: Chôm chôm, bưởi, cam, quýt nhưng không hiệu quả. Sau đó, ông mới chuyển sang trồng sầu riêng. Đến nay, gia đình ông có khoảng 1 ha sầu riêng Ri6 và Monthong. Ông Hòa bày tỏ: “Trồng sầu riêng cho lợi nhuận rất cao. Dù vậy, giá cả vẫn còn bấp bênh, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái nên khi đến vụ thu hoạch nhiều nhà vườn cũng còn không ít lo lắng”.

VƯỢT KẾ HOẠCH

Nhằm phát triển cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh theo hướng đạt hiệu quả cao, bền vững gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh đã lập Đề án “Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án). Đề án đã được triển khai thực hiện tại 4 huyện, thị bao gồm: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành và TX. Cai Lậy.

Theo UBND huyện Cái Bè, các xã trong huyện đều có trồng sầu riêng. Đầu năm 2018, huyện có 1.400 ha sầu riêng và hiện có khoảng 3.200 ha, tăng gần gấp đôi. Đối với các xã giáp với tỉnh Đồng Tháp, Long An, cây sầu riêng cũng đã được người dân trồng thay cho các loại cây trồng khác. Còn theo lãnh đạo UBND huyện Cai Lậy, lúc mới triển khai Đề án, toàn huyện có khoảng 8.600 ha sầu riêng, hiện đã tăng lên khoảng 10.500 ha.

Trên thực tế, diện tích trồng sầu riêng những năm gần đây tăng mạnh, một số khu vực phát triển không theo quy hoạch hoặc trồng mới tại các vùng có điều kiện chưa thật thích hợp. Việc mở rộng diện tích như hiện nay có nguy cơ tiềm ẩn cung vượt cầu, nhất là vào thời điểm chính vụ.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, hình thức tiêu thụ sầu riêng được nông hộ lựa chọn là bán cho thương lái tại vườn theo hình thức “mua đứt bán đoạn” (khoảng 90%) theo từng đợt thu hoạch trên vườn sầu riêng thông qua việc thỏa thuận bằng miệng giữa chủ vườn và thương lái về giá cả theo giá thị trường và theo thời điểm.

Thông thường thương lái sẽ thanh toán cho chủ vườn bằng tiền mặt trước khi vận chuyển sầu riêng đi. Còn lại, một số ít tự thu hoạch (cắt khi sống hoặc để rụng khi chín) và chở đi bán cho các thương lái. Phần lớn sản lượng sầu riêng bán ra thị trường với dạng trái tươi chưa qua chế biến nên chưa khai thác hết giá trị gia tăng. Nông dân tự tìm người mua và bán tại vườn nên dễ bị thương lái ép giá.

Trên bình diện tổng thể, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đến cuối năm 2021, diện tích sầu riêng trong vùng Đề án đạt 16.890 ha (chiếm 99,7% diện tích sầu riêng toàn tỉnh), tăng 4.981 ha so với trước khi thực hiện Đề án, vượt gần 30% so với mục tiêu đến năm 2020 và vượt hơn 20% so với mục tiêu đến năm 2025.

Tốc độ tăng trưởng diện tích trung bình hơn 9%/năm, cao hơn 5%/năm so với mục tiêu đến năm 2020 về tốc độ tăng trưởng diện tích (mục tiêu tăng trưởng diện tích của Đề án từ 2,4% - 4,1%/năm). Diện tích sầu riêng hiện nay đã cao hơn kế hoạch thực hiện năm 2021 là 3.695 ha.

Tuy nhiên, diện tích sầu riêng cho thu hoạch đến nay có 10.015 ha, chỉ tăng 1.635 ha so với trước thực hiện Đề án do cây sầu riêng có thời gian kiến thiết cơ bản dài và có hơn 3.500 ha sầu riêng (chủ yếu là các vườn đang cho trái) bị thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn năm 2020.

Đánh giá chung cũng cho thấy, năng suất bình quân trên diện tích cho sản phẩm đạt hơn 28 tấn/ha, tăng 3,73 tấn/ha so với trước khi thực hiện Đề án và cao hơn 3,71 - 3,72 tấn/ha so với mục tiêu của Đề án đến năm 2020 và đến năm 2025 (mục tiêu về năng suất của Đề án là 24,63 - 24,64 tấn/ha).

Từ khi triển khai Đề án, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi, nhờ đó chi phí đầu tư sản xuất sầu riêng ngày càng giảm, chi phí sản xuất sầu riêng năm 2020 giảm 27,1 triệu đồng/ha so với năm 2017.

Năm 2021, người dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất: Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nhất là phân bón; việc xuất khẩu có những thời điểm cũng không thuận lợi, nhưng với giá bán trung bình cao (hơn 62.000 đồng/kg) và năng suất tăng nên lợi nhuận trung bình người dân thu được vào khoảng 1,1 tỷ đồng/ha/năm, tăng hơn 280 triệu đồng/ha so với năm 2017.

ANH PHƯƠNG - TRỌNG ĐẠT

(Còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202207/mai-luc-tu-sau-rieng-bai-1-suc-hap-dan-954777/