Bài 1: 'Sức khỏe' của thị trường xuất khẩu và những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam
Nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam đang gặp khó khăn chung khi sức mua giảm. Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức cạnh tranh hơn.
“Sức khỏe” các thị trường xuất khẩu hiện nay ra sao?
Theo bà Nguyễn Thảo Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, năm 2023, tác động của dịch Covid – 19 kéo dài cùng với sự suy thoái kinh tế thế giới nói chung, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đến thị trường châu Âu – châu Mỹ chịu tác động tiêu cực. Lạm phát tăng cao ở các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, kéo theo xu hướng tiêu dùng giảm mạnh.
Làm rõ thêm vấn đề này, ông Trần Minh Thắng – Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ) cho biết 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 44,46 tỷ USD, giảm 22,1% so với cùng kỳ 2022. Giảm sâu là thủy sản, đồ gỗ, dệt may, giày dép các loại, điện thoại, các loại linh kiện…
“Có nhiều nguyên nhân giảm kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 2 nguyên nhân quan trọng nhất đó là tổng cầu của Hoa Kỳ tụt giảm; và nền kinh tế Hoa Kỳ khó khăn, lãi suất cao, lạm phát cao dẫn đến tài chính cá nhân bấp bênh, do đó, người tiêu dùng cân nhắc hơn khi đưa ra các quyết định mua sắm”, ông Thắng cho hay.
Còn bà Đỗ Việt Hà – Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức cho biết, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – Đức 6 tháng đầu năm 2023 đạt 5,47 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ 2022 (theo số liệu Tổng cục Hải quan Việt Nam). Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Đức là cà phê, giày dép, dệt may, điện thoại linh kiện các loại…, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của các mặt hàng này đều giảm. Theo bà Hà, kinh tế Đức đang gặp khó do lạm phát hiện đang rất cao từ 6 – 7%, điều này tác động mạnh đến việc thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm không thiết yếu.
Tương tự, ông Trần Ngọc Hà – Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hungary cũng cho hay nền kinh tế của Hungary đang trong giai đoạn suy thoái. GDP quý I/2023 giảm 0,9%, tình trạng kinh tế tiếp tục trì trệ; tổng mức bán lẻ liên tiếp giảm. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu những tháng đầu năm tại Hungary giảm. Nguyên nhân tình trạng này là do xung đột Nga – Ukraine, khủng hoảng năng lượng, ảnh hưởng kinh tế hậu Covid – 19. Kết quả là nhu cầu nhập khẩu giảm, giá thành sản xuất tăng, khả năng sản xuất giảm, người dân cắt giảm chi tiêu rất nhiều, tiêu dùng trong nước giảm phát
Doanh nghiệp Việt đang đứng trước những khó khăn thách thức nào?
Tại thị trường Trung Quốc – Đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện tại, ông Nông Đức Lai – Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết hàng rào kỹ thuật và các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm & kiểm dịch động thực vật tại nước này ngày càng được tăng cường, nghiêm ngặt hơn. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam với chính hàng hóa của nước sở tại. Ngoài ra, khả năng tiếp cận hệ thống phân phối, bán lẻ lớn của nước sở tại của doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế; doanh nghiệp Việt còn thiếu thông tin thị trường và nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng nước nhập khẩu.
Theo đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, hiện thị trường tiêu thụ khu vực này có dấu hiệu phục hồi nhưng còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Anh… có tăng trưởng trở lại nhưng rất chậm, lạm phát còn ở mức cao. Xung đột Nga – Ukraine còn kéo dài ảnh hưởng đến mức độ ổn định của Châu Âu nói riêng, tổng cầu thế giới nói chung. Xu hướng khi toàn cầu hóa mạnh mẽ kéo theo các chính sách bảo hộ thị trường, bảo hộ sản xuất của khu vực trong nước, các nước đều đẩy mạnh chiến lược phát triển xanh hay khuyến khích biện pháp chống biến đổi khí hậu, kéo theo đó là áp dụng nhiều yêu cầu, tiêu chuẩn kĩ thuật liên quan đến phát triển xanh, phát triển bền vững.
“Điển hình như tháng 9 này, EU là khu vực kinh tế quan trọng đầu tiên áp dụng cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới. Trước hết là áp dụng với 16 sản phẩm, đến 2026 sẽ áp dụng đại trà”, bà Hiền thông tin.
Ông Trần Minh Thắng cho biết, hiện nay các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đang cân đối việc đa dạng hóa nguồn cung. Điều này tức là cùng một sản phẩm sẽ tìm kiếm nhiều nhà cung cấp khác nhau để giảm thiểu rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng trong tương lai. “Việt Nam đang là nhà xuất khẩu hàng đầu trong các ngành ngành dệt may, da giày… chắc chắn sẽ đứng trước áp lực phải chia sẻ thị phần với các nước có thị phần nhỏ hơn”, ông Thắng nói.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Đức chỉ ra thách thức khi nhập khẩu vào Đức đó là yêu cầu nhập khẩu của thị trường này rất khắt khe, đặc biệt là những yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật nhập khẩu. “Các chế tài xử phạt đối với hàng hóa vi phạm nhập khẩu rất nghiêm khắc. Hàng hóa bị phát hiện vi phạm có thể bị tiêu hủy tại chỗ”, bà Hà cho hay và cho biết thêm, mức độ cạnh tranh tại thị trường Đức rất cao. Hiện EU có 42 FTA có hiệu lực với 79 đối tác và dành cơ chế ưu đãi GSP cho 67 nước đang và kém phát triển. Hàng Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc. Ngoài ra, các sản phẩm của Việt Nam chưa thực sự đảm bảo tính ổn định và chất lượng, hạn chế về hình thức, mẫu mã, chủng loại; chi phí vận chuyển do khoảng cái địa lý cũng làm giảm tính cạnh tranh của hàng Việt.
“Phần lớn thị trường Hungary bị chi phối bởi các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn lớn, các nhà phân phối bán lẻ quốc tế. Các nhà bán lẻ trong nước chủ yếu lấy lại hàng Việt Nam từ các nhà phân phối EU để bán lẻ lại. Hungary không có cảng biển nên mọi chi phí nhập khẩu vào nước này rất cao. Đây là những bất lợi và thách thức chính để Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hungary thông tin.