Bài 1: Thay đổi tư duy luật pháp để bắt kịp thực tế khởi nghiệp
Trong khi các nhà làm luật đang loay hoay tìm hiểu vấn đề, nhiều startup đã phải xuất ngoại đăng kí kinh doanh, còn các quỹ đầu tư nước ngoài e dè đặt chân vào Việt Nam - theo các chia sẻ tại Hội thảo 'Startup – Những khía cạnh pháp lý về gọi vốn đầu tư'.
Môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam đang sôi động; các quỹ đầu tư nước ngoài xuất hiện, không chỉ cung cấp vốn mà còn kiến thức kỹ năng để tiếp cận môi trường khởi nghiệp toàn cầu - chị Nguyễn Thy Nga, chủ nhiệm nhiệm vụ truyền thông hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và giám đốc đơn vị tổ chức V-startup Việt Nam, nhận định. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn không ít trở ngại, mà rào cản pháp lý là vấn đề hàng đầu khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm còn e dè.
Thực tế này cũng được giám đốc đại diện ở Việt Nam của quỹ Nextrans (Hàn Quốc), chị Lê Hàn Tuệ Lâm, khẳng định. Chị cho biết, trong dòng trào lưu đầu tư vào startup công nghệ, Việt Nam là nơi bắt xu hướng rất nhanh nhưng do khung pháp lý luôn đi chậm nên nhiều doanh nghiệp đã lập thực thể tại Singapore.
Chị cho biết, có công ty không muốn ra nước ngoài nhưng “các quỹ sẽ bắt buộc hoặc yêu cầu doanh nghiệp nhận đầu tư phải thành lập ở Singapore” vì Việt Nam có thể “đổ tiền vào được nhưng khi thoái vốn thì khó khăn” do các quy định phức tạp như lập tài khoản có liên quan đến yếu tố nước ngoài.
“Việt Nam thiếu nhiều khung pháp lý cho những loại hình kinh doanh mới”, diễn giả TS. Chu Thị Hoa – Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, nhận xét. Mặc dù vài năm nay, Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều vấn đề như đề án tiền kỹ thuật số, lập khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho fintech, kinh tế chia sẻ nhưng hiện giờ vẫn chưa xuất hiện nghị định nào quy định về vấn đề này. “Pháp luật của chúng ta luôn đi sau thực tiễn”.
Dẫn chứng về vấn đề này, TS. Chu Thị Hoa cho biết một số hình thức gọi vốn mới như ICO, STO đã bắt đầu xuất hiện từ 2017 cho Startup. Trong khi cán bộ luật bắt đầu nghiên cứu về ICO (chào vốn lần đầu qua các đồng tiền điện tử, chỉ cần bản thuyết minh) thì thực tế đã diễn ra STO (chào bán chứng khoán token), đến khi họ xem xét STO thì trào lưu huy động vốn đã chuyển qua IEO (niêm yết trên sàn giao dịch tập trung) và rất nhanh đầu năm 2020 có thể chuyển sang IDO (niêm yết trên sàn giao dịch phi tập trung).
Chỉ 2 năm (2017-2019) việc huy động vốn đã biến đổi liên tục 4 hình thức, câu hỏi đặt ra là làm sao để khung pháp lý điều chỉnh được những quan hệ này mà không phải sửa các văn bản pháp luật liên tục, bởi quy trình làm luật của Việt Nam thường mất tối thiểu vài ba năm,” TS. Chu Thị Hoa nhấn mạnh. Cơ chế sandbox đã không còn xa lạ với thế giới, ngoài ra có thể xây dựng các cơ chế chấp nhận kinh tế thử nghiệp như ở Nga, đó là những gợi ý mà Việt Nam nên sớm đi theo. Nếu không, các startup tốt của Việt Nam sẽ lần lượt “xuất ngoại khởi nghiệp”.
Như Tomochain đăng kí kinh doanh ở Singapore nhưng tới hơn 90% nhân sự, từ ông chủ, kĩ sư, nhân viên đều là người Việt, chủ yếu hoạt động ở Việt Nam và khai thác thị trường Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác. Tháng 3/2019 vừa qua, Tomochain đã gọi vốn được hơn 8.5 triệu USD từ 50 tổ chức trong và ngoài nước. Các nguồn thuế phát sinh, dĩ nhiên, thuộc về chính phủ Singapore.
CoinHe cũng vừa huy động vốn lớn qua ICO, và theo nguyên tắc khi tiếp nhận tiền đầu tư, cơ quan quản lý MAS đã áp thuế 35% trên khoản này khi quy đổi ra tiền mặt. Đây là một con số không hề nhỏ.
Tuy nhiên, luật pháp Singapore có những linh động nhất định, cho phép CoinHe giải trình việc định giá bằng tiền mã hóa Ethereum giảm tại thời điểm tiếp nhận đầu tư và được phép thỏa thuận mức thuế với chính phủ Singapore. Con số này đã được giảm xuống 28%. Những điều này khó có thể làm được trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam hiện nay.
PGS.TS Phạm Giang Thu – Đại học Luật Hà Nội, một chuyên gia nghiên cứu về blockchain, tham gia vào soạn thảo dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), cho biết có nhiều vấn đề chưa được định nghĩa rõ ràng trong văn bản luật, ví dụ như bản chất của đồng tiền kỹ thuật số là gì, nó là tài sản hay hàng hóa, nếu có thì nó có thể là tài sản đảm bảo được không, nó có thể làm căn cứ chứng khoán vốn hay chứng khoán nợ, có thể được phép chào bán cho ai, trong từng trường hợp nghĩa vụ thuế sẽ ra sao?
Theo bà, ở Việt Nam, tỷ lệ thuế do Quốc hội đặt ra vì mục đích hướng tới tính công bằng theo cả chiều dọc và chiều ngang, nên không thể linh động theo đối tượng như MAS của Singapore được. “Liệu chúng ta có lựa chọn phá vỡ nguyên tắc này vì startup hay vì sự sáng tạo hay không?” sẽ là điều phải cân nhắc rất nhiều, PGS.TS Phạm Giang Thu nói.
Các nước đang ra sức thu hút startup giỏi toàn cầu, Việt Nam cũng phải chạy để giữ nguyên vị trí | Ảnh: Internet
Trong khi Việt Nam thường “phải hiểu được bản chất rồi mới quy định” khiến rất nhiều thời gian trôi qua, thì tư duy luật pháp của Singapore lại cởi mở hơn. “Họ không có văn bản nào quy định [tiền kỹ thuật số] là tài sản hay không, khi trao đổi thì không can thiệp nên đồng coin có thể là tài sản, hàng hóa hay tiền tệ tùy giao dịch, chỉ khi ở bước cuối rút vốn thành tiền mặt (Cash Out) mới thu thuế. Như vậy nhà nước vẫn thu được lợi nhuận còn người dân vẫn tự do thực hiện các hoạt động của mình”, TS. Chu Thị Hoa chia sẻ.
Tương tự, Thụy Sỹ có một thị trấn mang tên Zug được coi là “thung lũng tiền ảo” của thế giới. Bên cạnh những chính sách về thuế linh hoạt và môi trường kinh doanh thuận lợi đã có, từ năm 2016, đây là nơi đầu tiên cho phép sử dụng Bitcoin cho các khoản thanh toán dưới 200 franc. Mặc dù khoản tiền không nhiều nhưng chỉ bằng động thái nhỏ đó, thị trấn đã thu hút được hơn 600 công ty blockchain khắp thế giới đến làm việc và thử nghiệm công nghệ, tạo ra công ăn việc làm và hệ sinh thái xung quanh cho các cộng đồng địa phương.
Có thể thấy, các chính phủ mặc dù linh động trong luật pháp nhưng sẽ luôn tạo ra các giới hạn có thể kiểm soát được. Điều quan trọng là họ đã nắm bắt được xu thế và có hành động từ sớm. Pháp luật Việt Nam sẽ cần thay đổi rất nhanh, ít nhất phải "chạy để giữ nguyên vị trí”.