Bài 1: Thiếu sân chơi, nghệ sĩ nhiếp ảnh 'tự bơi'
Hang động lớn nhất thế giới-Sơn Đoòng xuất hiện trước công chúng quốc tế đầy mê hoặc, bí ẩn qua góc máy của các nhiếp ảnh gia quốc tế như Ryan Deboodt hay Carsten Peter trên các tạp chí uy tín của thế giới... Nếu không có các nhiếp ảnh gia, Sơn Đoòng sẽ khó có thể nổi tiếng và trở thành địa điểm bắt buộc phải đến một lần trong đời như vậy. Tuy nhiên, ở Quảng Bình, nhiếp ảnh quảng bá du lịch vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa thực sự phát huy hiệu quả, còn manh mún, nhỏ lẻ, chờ thời, phần nào làm 'lãng phí' tài năng của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) tên tuổi của tỉnh. Chính vì vậy, xã hội hóa chính là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết khó khăn này.Bài 2: Cần những 'cú hích' mạnh mẽ
Những tưởng năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 20 năm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, sẽ có một triển lãm ảnh được tổ chức để vừa giới thiệu những nét độc đáo, kỳ vĩ của di sản vừa minh chứng cho nỗ lực của tỉnh trong bảo tồn và phát huy di sản, thế nhưng, vẫn không có một triển lãm nào được tổ chức. Trong bối cảnh kinh phí cho các hoạt động văn học-nghệ thuật còn nhiều hạn chế như hiện nay, bên cạnh các triển lãm, liên hoan tổ chức thường niên, “xuân thu nhị kỳ”, việc tổ chức các sân chơi chuyên nghiệp có lẽ chỉ có thể trông đợi vào nguồn xã hội hóa.
Năm 2018, Sở Du lịch đã chính thức phát động cuộc thi Ảnh đẹp du lịch Quảng Bình lần thứ I, năm 2018 với chủ đề: “Quảng Bình, thiên đường khám phá và trải nghiệm”. Cuộc thi dành cho tất cả công dân Việt Nam đang sống, học tập và làm việc ở trong và ngoài nước; người nước ngoài đang công tác, sinh sống tại Việt Nam hoặc đi du lịch đến Quảng Bình; không giới hạn độ tuổi.
Mục đích cuộc thi hướng đến không chỉ nhằm quảng bá vẻ đẹp của mảnh đất, con người và văn hóa Quảng Bình mà còn để kết nối Quảng Bình với tất cả những người đã từng đến và chưa đến Quảng Bình. Đề tài cuộc thi rất đa dạng, đó là phản ánh vẻ đẹp thiên nhiên, vùng đất, cuộc sống con người Quảng Bình hôm nay thông qua lăng kính du lịch.
Sau hơn hai tháng triển khai, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của 176 tác giả trong và ngoài nước với 1.107 tác phẩm. Trong 106 tác phẩm được lựa chọn trưng bày triển lãm, Ban giám khảo đã trao giải cho 11 tác phẩm xuất sắc nhất. Kết quả, tác phẩm “Chinh phục Sơn Đoòng” của tác giả Hoàng Thu Hương (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) đoạt giải nhất. Cuộc thi thực sự đã trở thành sự kiện thu hút sự quan tâm của giới nhiếp ảnh nói riêng và công chúng nói chung, tạo thành điểm nhấn để quảng bá du lịch Quảng Bình.
Tuy nhiên, từ đó đến nay đã 5 năm trôi qua, vẫn chưa có một cuộc thi nhiếp ảnh nào tương tự. Lý giải về “độ trễ hẹn” này, bà Bùi Thị Thanh Thúy, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh, Sở Du lịch cho biết: Nhiếp ảnh và du lịch luôn có mối quan hệ đồng hành, cùng phát triển, chính vì vậy, trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, một bức ảnh đẹp, độc đáo có giá trị gấp nhiều lần so với những thông tin quảng cáo, giới thiệu thông thường.
Cuộc thi Ảnh đẹp du lịch Quảng Bình lần thứ I đã cho thấy hiệu quả bước đầu, bởi sau cuộc thi, hình ảnh của mảnh đất và con người Quảng Bình tiếp tục được lan tỏa đến công chúng trong nước và quốc tế. Do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, cuộc thi bị gián đoạn nhưng trong thời gian tới, chắc chắn cuộc thi sẽ tiếp tục trở lại với những đổi mới, bắt kịp xu thế của nhiếp ảnh hiện đại và chuyển đổi số du lịch hiện nay.
Trước sự “hẫng hụt” sân chơi đó, các NSNA đành “tự bơi” theo cách của riêng mình và gặt hái không ít thành công. NSNA Nguyễn Hải là người tích cực tham gia các sân chơi trong nước và quốc tế, trong đó, nổi bật là các bộ ảnh về quảng bá vẻ đẹp của mảnh đất và con người Quảng Bình, như: Bộ ảnh “Khám phá hang Tiên” đoạt giải nhất ở hạng mục ảnh bộ Giải thưởng nhiếp ảnh Heritage-Hành trình Di sản 2020; tác phẩm “Hoa của miền cát” vinh dự đoạt giải nhì cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp quốc gia về đề tài biển, đảo quê hương với chủ đề “Tổ quốc bên bờ sóng”...
Năm 2023 cũng là một năm ghi dấu ấn của NSNA Nguyễn Hải với việc tham gia 22 triển lãm trong nước và 10 triển lãm quốc tế, đoạt 2 huy chương bạc, 1 huy chương đồng, 1 giải nhì, 1 giải ba và 1 giải khuyến khích.
Thông qua nhiếp ảnh, nhiều hình ảnh đẹp của mảnh đất và con người Quảng Bình đã có mặt trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh nhà. Nhưng phía sau đó lại chưa có những cái “bắt tay” thật chặt giữa người nghệ sĩ sáng tạo, cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Các NSNA hầu như loay hoay với hành trình sáng tạo, quảng bá, chưa có được sự hỗ trợ tích cực, nhất là từ nguồn xã hội hóa.
NSNA Nguyễn Hải chia sẻ: Đối với hầu hết các triển lãm trong nước và quốc tế, anh cũng như các NSNA khác đều tự túc tham gia và chịu mọi chi phí liên quan. Riêng đối với với mảng nhiếp ảnh du lịch, trong quá trình tác nghiệp, ngoài trừ một số doanh nghiệp du lịch trong tỉnh quan tâm, đầu tư kinh phí cho nhiếp ảnh gia, các NSNA đều phải tận dụng mối quan hệ riêng hoặc tự bỏ chi phí để tác nghiệp.
Thực tế cho thấy, xã hội hóa nhiếp ảnh quảng bá du lịch tưởng dễ lại khó. Dễ vì khi tham gia lợi ích giữa các bên rất rõ ràng, hiệu quả mang lại rất cao, nhất trong giai đoạn công nghệ thông tin, chuyển đổi số phát triển mạnh như hiện nay. Khó vì không phải doanh nghiệp du lịch nào cũng hiểu rõ tầm quan trọng của nhiếp ảnh để có những bước đầu tư chính đáng. Qua đó, mối quan hệ song hành giữa nhiếp ảnh và du lịch mới thực sự được nâng tầm. Và thực tế đã chứng minh, doanh nghiệp nào đầu tư mạnh cho mảng nhiếp ảnh du lịch thì thường mang lại hiệu quả cao trong quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch của chính mình, như: Oxalis, Jungle Boss hay Netin Travel...
Cùng chung quan điểm trên là NSNA Thành Vương. Theo NSNA đã có hàng chục năm gắn bó với du lịch Quảng Bình, ngay từ những ngày đầu khi du lịch tỉnh bắt đầu có những chuyển mình, ông đã kết hợp với một số doanh nghiệp thực hiện nhiều bộ ảnh quảng bá hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không nhiều doanh nghiệp du lịch còn mặn mà, thiếu hẳn những “sân chơi” riêng cho nhiếp ảnh hoặc các trại sáng tác riêng về nhiếp ảnh du lịch lại càng “hiếm có”.