Bài 1: Thúc đẩy sản xuất và lưu thông, trao đổi hàng hóa

Ở vị trí trung tâm, nằm giữa khu vực Tây Bắc và Đông Bắc, đồng thời là trung tâm của các tỉnh biên giới Việt Nam với Vân Nam (Trung Quốc), Lào Cai có tiềm năng, lợi thế để đầu tư và phát triển dịch vụ logistics. Tuy nhiên, do kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện, tiềm lực doanh nghiệp còn yếu, nên dịch vụ logicstics trên địa bàn tỉnh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.Điều 233 Luật Thương mại năm 2005 quy định: 'Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại. Theo đó, thương nhân tổ chức thực hiện 1 hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao'.

Phát triển dịch vụ logistics để thúc đẩy kinh tế

Hàng hóa nhập khẩu được bốc xếp, sang tải trong khu vực dịch vụ logistics của cửa khẩu.

Hàng hóa nhập khẩu được bốc xếp, sang tải trong khu vực dịch vụ logistics của cửa khẩu.

Thực tế tại Lào Cai, dịch vụ logistics hình thành và phát triển từ nhiều năm nay, đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất, lưu thông, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa hình thành được những trung tâm logistics liên hoàn đảm bảo các điều kiện đáp ứng tốt nhu cầu của sản xuất và lưu thông hàng hóa. Các doanh nghiệp có hoạt động logistics đều độc lập, không có liên kết với nhau, tập trung chủ yếu tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế đường bộ Lào Cai và Ga đường sắt Quốc tế Lào Cai. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 5 trung tâm logistics tương đương cấp tỉnh, ngoài ra còn có nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics như vận tải, giao nhận, đại lý hải quan…

Đến nay, số đơn vị kinh doanh vận tải theo giấy phép là 2.992 (gồm 429 doanh nghiệp, 15 hợp tác xã, 2.548 hộ kinh doanh), với 6.153 xe kinh doanh vận tải, trong đó 4.853 xe vận tải hàng hóa (163 xe container, 376 xe đầu kéo, 4.314 xe tải). Có 10 đơn vị kinh doanh về lĩnh vực bưu chính và chuyển phát, trong đó Bưu điện tỉnh Lào Cai là doanh nghiệp được Nhà nước chỉ định thực hiện cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh. Dịch vụ hải quan có 5 đơn vị đăng ký đại lý đủ điều kiện hoạt động, tuy nhiên chỉ 3 đại lý có hoạt động thường xuyên; toàn tỉnh có 4 kho ngoại quan.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính còn hạn chế. Các loại hình dịch vụ được cung cấp chủ yếu mang tính đơn lẻ, truyền thống như dịch vụ vận tải, giao nhận, kho bãi... và chưa phổ biến những dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp có khả năng cung cấp đầy đủ và trọn gói các loại hình dịch vụ trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.

Trao đổi với phóng viên, ông Hà Đức Thuận, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cho biết: Bản chất của logistics là một phần của quản trị chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chưa hình thành các trung tâm logistics liên hoàn đáp ứng tốt các nhu cầu của sản xuất và lưu thông hàng hóa. Trong khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai hiện có 4 trung tâm logistics của Công ty Cổ phần logistics Kim Thành, Công ty Cổ phần logistics Việt Trung, Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Nghĩa Anh, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng 379, với tổng diện tích hơn 20 ha, loại hình cung cấp dịch vụ còn hạn chế, chưa cung ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, chủ yếu kinh doanh dịch vụ kho, bãi, dịch vụ bốc xếp, sang tải hàng hóa nhập khẩu.

Để phát triển dịch vụ logistics, trong những năm qua, bên cạnh việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tỉnh đã có những ưu tiên phát triển dịch vụ logistics. Theo đó, rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics; bảo đảm các quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng phù hợp với các chiến lược, quy hoạch sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất - nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tích cực thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có quy mô lớn, có kinh nghiệm trong phát triển dịch vụ logistics nhằm phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, đưa Lào Cai trở thành đầu mối logistics quan trọng trong nước và khu vực. Cải cách thủ tục hành chính và các rào cản để giảm chi phí thực thi cho người dân, doanh nghiệp. Lào Cai là tỉnh đầu tiên có cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc bỏ mức phí hạ tầng đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh.

Mới đây, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh phối hợp với UBND huyện Bát Xát công bố quy hoạch chi tiết khu logistics (khu dịch vụ hậu cần) thuộc khu kinh tế biên giới Kim Thành - Bản Vược. Quy hoạch được lập với tổng diện tích 332 ha, chia làm 4 khu chức năng chính, gồm: Khu 1, 3 và 4 chức năng chính là khu vực hỗn hợp: Khu logistics và kho bãi (kho chuyên dụng, kho bãi tổng hợp...); khu vực sản xuất - gia công - đóng gói - bảo quản hàng hóa; khu hành chính quản lý; dịch vụ thương mại, tài chính - ngân hàng, khách sạn - nhà hàng; khu vui chơi - giải trí, công viên; khu đô thị và các khu chức năng khác... với tổng diện tích hơn 272 ha. Khu 2 chức năng chính là phát triển, mở rộng đô thị Bát Xát: Khu công trình hỗn hợp; dịch vụ, thương mại; bệnh viện đa khoa; trung tâm thể dục - thể thao, sân vận động cấp đô thị; khu nhà ở đô thị... có tổng diện tích gần 60 ha.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/349615-bai-1-thuc-day-san-xuat-va-luu-thong-trao-doi-hang-hoa