Bài 1: Tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Trong khi phần lớn học sinh tuân thủ nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, thì vẫn có những trường hợp cố tình vi phạm điều khiển xe mô tô khi chưa đủ các điều kiện.
Khoảng 8 giờ một ngày đầu tuần, chúng tôi có mặt trên Quốc lộ 4E, khu vực cổng Trường THPT số 2 huyện Bảo Thắng, thuộc địa phận xã Xuân Giao. Tại đây, chúng tôi dễ dàng nhận thấy hàng chục xe mô tô các loại được dựng ngay trước cửa các quán ăn sáng, quán nước hay một số nhà dân trước cổng trường. Một chủ quán bánh mỳ cho biết, các xe mô tô này phần lớn là của học sinh Trường THPT số 2 Bảo Thắng. Vì các em không đủ điều kiện điều khiển xe mô tô (trên 50 cm3), nên buộc phải gửi ở ngoài cổng trường.
Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra ở Trường THPT số 3 huyện Bảo Thắng nằm cạnh Quốc lộ 70, thuộc địa phận Thị trấn Nông trường Phong Hải. Theo ghi nhận của phóng viên, các nhà dân trước cổng trường luôn có nhiều xe mô tô của học sinh gửi, ít thì 3 - 4 chiếc, nhiều thì lên tới hàng chục. Một người dân địa phương cho biết, khu vực này cứ nhà nào gần đường là học sinh để nhờ xe mô tô. Chúng tôi và nhà trường cũng đuổi nhiều lần, nhưng vì là con em người quen nên đành để các cháu gửi xe. Hơn nữa, nhiều học sinh có nhà ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, đường dốc đi xe dưới 50cm3 thì không leo được, nên đành phải đi xe mô tô phân khối lớn.
11 giờ 30 phút, khi tiếng trống tan học vừa dứt, hàng chục học sinh Trường THPT số 3 Bảo Thắng ùa ra các nhà dân để lấy xe mô tô để đi về. Khi thấy bóng dáng của thầy, cô giáo nhà trường, các em lại ngồi uống nước, hoặc lảng đi nơi khác. Không chỉ ở Bảo Thắng, mà nhiều trường trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố vẫn có hiện tượng học sinh chưa đủ tuổi nhưng cố tình điều khiển xe mô tô đến trường.
Có muôn vàn lý do để biện minh cho việc đi xe mô tô của học sinh như nhà xa trường; đường dốc nên xe dưới 50cm3 yếu khó đi hay nhà có sẵn xe mô tô, không có điều kiện mua thêm xe HB, xe điện;… Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp phụ huynh nuông chiều, đáp ứng yêu cầu giao xe mô tô cho con điều khiển đi học, đi chơi. Một học sinh ở Trường THPT số 3 Bảo Thắng, cho biết: Nhà trường có nhắc nhở, xử lý nhưng hằng ngày cháu vẫn đi xe máy đến trường, rồi gửi xe ở cổng trường vì nhà cháu không có xe HB (xe dưới 50cm3).
Và những vụ tai nạn thương tâm
Khoảng 19 giờ 15 phút ngày 19/5/2023, tại km 133+600, Quốc lộ 4D, thuộc địa phận thôn Luổng Láo 2, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 3 học sinh tử vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định do người thân chủ quan, để em Lý Ngọc T., sinh năm 2011; Vũ Đình T., sinh năm 2010 và Vũ Đình Đ., sinh năm 2010 cùng học tại Trường THCS xã Cốc San lấy xe rồi chở nhau đi chơi. Do chưa có giấy phép lái xe, thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện, nên xe mô tô của các em đã va chạm với xe ô tô. Hậu quả Lý Ngọc T., Vũ Đình T. và Vũ Đình Đ. tử vong...
Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Được biết, tình trạng học sinh chưa đủ 18 tuổi vẫn điều khiển xe máy dung tích trên 50cm3; chưa đủ 16 tuổi nhưng vẫn điều khiển xe máy dung tích dưới 50cm3, điều khiển xe máy điện đang diễn ra khá phổ biến. Hầu hết các em đều chưa có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi sử dụng phương tiện xe máy tham gia giao thông. Khi điều khiển xe mô tô trên đường, học sinh thường vi phạm một số quy định như: Không đội mũ bảo hiểm; đi hàng hai, hàng ba; phóng nhanh vượt ẩu; thậm chí vượt đèn đỏ… Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra những vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh.
Thực trạng học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển xe mô tô (xe trên 50cm3) tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm đã xảy ra, vì vậy các cấp, ngành, địa phương cần triển khai các giải pháp quyết liệt hơn nữa để kịp thời ngăn chặn học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển xe mô tô.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-1-tiem-an-nhieu-nguy-hiem-post375987.html