Bài 1: Tiếp biến đa dạng

Điêu khắc đương đại ngày càng xuất hiện nhiều tác phẩm chứa đựng suy tư, chiêm nghiệm về cuộc sống, thể hiện chuyển biến về quan niệm nghệ thuật, ngôn ngữ, hình thức biểu đạt, kỹ thuật và không gian trình diện tác phẩm.

Con đường tự đổi mới

Tháng 4.2007, tại Trại sáng tác điêu khắc quốc tế Hòn Dáu, Đồ Sơn, Hải Phòng, nghệ sĩ Đào Châu Hải đã thực hiện tác phẩm Cửa sóng bằng kỹ thuật xây dựng dân dụng. Chất liệu gạch, xi măng, bê tông tạo thành hình dạng một con sóng lớn dài 30m, cao 2,5m, ngang 2,2m. 3 lát sóng tạo ra 2 đường hầm song song, tách biệt độc lập và vừa lọt người trưởng thành di chuyển. Với Cửa sóng, nhà điêu khắc tạo hình một không gian vật lý gắn liền với không gian môi trường địa lý có thời gian, ánh sáng, nhiệt độ, gió, âm thanh, ý thức về địa danh… nhằm tác động mạnh tới giác quan và tâm lý của người tham dự vào tác phẩm.

 Tác phẩm Vô đề, điêu khắc trên chất liệu sắt của Đào Châu Hải. Ảnh: VCCA

Tác phẩm Vô đề, điêu khắc trên chất liệu sắt của Đào Châu Hải. Ảnh: VCCA

Trước đó một năm, tại Côn Đảo, song song với việc thực hiện một phần quần thể tượng đài điêu khắc Nghĩa trang Hàng Dương, nghệ sĩ Đào Châu Hải đã thực hiện sắp đặt Bất khuất. Hàng nghìn viên đá cuội tự nhiên kết hợp với đá tảng sẵn có tại đảo ẩn dụ về tinh thần kiên cường của những tù nhân chính trị thời thuộc Pháp. Tác phẩm thể hiện thông điệp: nghệ thuật luôn thấm đẫm hơi thở, đời sống của lịch sử, kéo người xem khỏi sự chi phối bởi môi trường hiện đại.

Những sáng tạo không ngừng nghỉ suốt mấy chục năm qua đã đưa tên tuổi Đào Châu Hải là một trong những điêu khắc gia hàng đầu Việt Nam sau Đổi mới. Trước thời điểm 2006, nghệ sĩ Đào Châu Hải từng thể nghiệm những hình thức điêu khắc sắp đặt, tuy nhiên, từ Bất khuất tới Cửa sóng, sáng tác theo hướng này của ông mới rõ nét và tạo nhiều dấu ấn. Giám tuyển, nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông nhận định, tác phẩm Đào Châu Hải tạo ra không đơn thuần là hình dạng vật lý cụ thể, mà còn tạo ra môi trường cảm nhận, tạo ra một trải nghiệm mới với điêu khắc.

Nhìn lại cột mốc sáng tạo của mình cách đây gần 20 năm, soi chiếu con đường phát triển của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam trong ngần ấy thời gian, nghệ sĩ Đào Châu Hải gọi đó là hành trình tìm tòi đổi mới. Từ câu chuyện cá nhân nhìn ra câu chuyện cộng đồng làm nghệ thuật có thể thấy, mấy chục năm qua điêu khắc luôn nỗ lực để tìm cho được một vị trí trong dòng chảy chung của mỹ thuật đương đại. Nghệ sĩ điêu khắc tự đổi mới từng ngày, sáng tạo trên những vấn đề căn bản từ thị giác, quan điểm thẩm mỹ, cấu trúc hình thể, không gian, chất liệu... “Qua tác phẩm, mỗi nghệ sĩ cất tiếng nói riêng, đầy khát khao sáng tạo trên con đường tự đổi mới”, nghệ sĩ Đào Châu Hải nhận định.

Đối thoại, tiếp nối, mở rộng tư duy sáng tạo

Triển lãm Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn năm 2024 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA Hà Nội giới thiệu 86 tác phẩm của các điêu khắc gia thuộc nhiều thế hệ từ 5X đến 9X thuộc nhiều vùng miền; ngoài Đào Châu Hải và Lê Thị Hiền thuộc thế hệ tiên phong của điêu khắc hiện đại Việt Nam còn có gương mặt thành danh như Khổng Đỗ Tuyền, Lê Xuân Cang, Nguyễn Duy Mạnh, Phạm Đình Tiến, Phạm Đình Tuấn, Thái Nhật Minh, Trần Trọng Tri… và một số tên tuổi mới xuất hiện. Theo các nhà phê bình, tất cả đang hòa chung cuộc đối thoại cũ - mới với nỗ lực xác định vị trí của điêu khắc hiện đại trong tiến trình chung của nền điêu khắc Việt Nam.

Trên thực tế, nhìn vào triển lãm hay các trại sáng tác điêu khắc sẽ phần nào thấy được những diễn biến đa dạng, đa chiều của điêu khắc Việt. Các nghệ sĩ điêu khắc hiện đại tiếp nối và mở rộng khuynh hướng sáng tạo bằng tài nguyên của thời đại mới. Theo nghệ sĩ Khổng Đỗ Tuyền, so với trước kia, điêu khắc đã có những đổi mới khá rõ rệt, gắn bó chặt chẽ với đời sống đương đại. Các tác giả ngày càng có sự tiếp cận, cởi mở, giao lưu tư tưởng với thế giới thông qua tác phẩm, làm cho cảm hứng sáng tạo trở nên khoáng đạt hơn, không quá phụ thuộc vào hình tượng con người.

Sáng tác của nghệ sĩ không những thể hiện cái “tôi” mạnh mẽ, mà còn mang hơi thở của đời sống xã hội thực tại. Không đơn thuần là hình khối, không gian, điêu khắc còn là ngẫu hứng của cảm xúc. Nghệ sĩ dùng tất cả giác quan nghe, nhìn, sờ mó, tưởng tượng để cảm thụ và nâng thực tại thành tác phẩm. Có thời điểm, điêu khắc Việt mất đi tính gắn kết với kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, thì giờ đây, từ xưởng nghệ sĩ đi đến các không gian khác nhau, điêu khắc đối thoại với bối cảnh, tương tác với công chúng, tiếp cận đời sống một cách trực tiếp, tạo nên sự đa dạng và thi vị…

Nhìn vào sáng tác điêu khắc, trên nhiều diễn đàn nghệ thuật, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn khẳng định: “Những nghệ sĩ đương đại đang đưa ra và kể những câu chuyện với cách nghĩ, cách nhìn, ngôn ngữ hoàn toàn mới mẻ... Nằm trong dòng chảy chung của điêu khắc quốc tế, điêu khắc Việt đã tập trung cho các tác phẩm tượng trong nhà và ngoài trời, không còn là những tượng đài hoành tráng, chiếm lĩnh không gian”.

Còn theo nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông, rõ ràng điêu khắc đương đại đã vượt qua câu chuyện thuần túy là để nhìn ngắm, mà còn gắn với tham vọng tái tưởng tượng, kiến tạo không gian sống. Vấn đề tiếp theo cần đặt ra là câu chuyện bên ngoài xưởng nghệ sĩ, điêu khắc có môi trường thực sự để bứt phá mạnh mẽ hay không?

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-1-tiep-bien-da-dang-post404943.html