Bài 1: Tính ổn định, khả thi chưa cao
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục có nhiều quyết sách lớn về công tác dân tộc. Dù vậy, qua làm việc với một số bộ, ngành về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 2021, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc đã chỉ ra nhiều tồn tại, như: tiến độ ban hành một số văn bản quy định chi tiết còn chậm, một số nội dung còn chồng chéo, thậm chí là 'bê nguyên xi luật vào nghị định'… khiến hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách dân tộc chưa được như kỳ vọng. Đây là lần đầu tiên Hội đồng Dân tộc tiến hành giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc nhằm đánh giá toàn diện, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, đưa chính sách dân tộc đi vào cuộc sống nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nằm rải rác ở nhiều văn bản, chưa thể hiện rõ chiến lược, tầm nhìn dài hạn. Tính ổn định, tính dự báo, tính khả thi của một số chính sách chưa cao. Đây là đánh giá của Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc sau khi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Rải rác ở nhiều văn bản
Dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, thúc đẩy phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc đã chọn làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu tiên. Qua báo cáo của Bộ này cho thấy, Bộ đã chủ trì, xây dựng, tham mưu cho Chính phủ thể chế hóa khá đầy đủ, toàn diện, quy định các biện pháp để tổ chức thi hành luật, pháp lệnh đối với Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Bộ cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Nghị định 161/2016/NĐ-CP về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan chỉ rõ, vẫn còn một số nội dung Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa ban hành văn bản triển khai thực hiện. Đó là, Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 quy định: ưu tiên đầu tư nguồn ngân sách nhà nước cho vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên thiên tai, bão lũ, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; hỗ trợ về nhà ở đối với hộ có công, cách mạng, nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu… Nghị quyết 71/2018/QH14 của Quốc hội về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn; Nghị quyết số 83/2019/QH14 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV về chính sách đầu tư thông qua đặt hàng, hỗ trợ cho sản xuất, phát hành phổ biến phim ảnh truyền thống lịch sử dân tộc…
Đáng lưu ý, bà Đinh Thị Phương Lan thẳng thắn, hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nằm rải rác ở nhiều văn bản, chưa thể hiện rõ chiến lược, tầm nhìn dài hạn; tính ổn định, tính dự báo, tính khả thi của một số chính sách cũng chưa cao.
Ảnh: Hoàng Ngọc
Cho điểm theo tiêu chí quá thấp
Từ thực tiễn giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, vẫn chưa rõ cơ chế đặc thù quản lý đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ chế này chưa cụ thể, chưa sát với thực tiễn. Đơn cử, dù đã xác định tiêu chí để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng việc chấm điểm theo tiêu chí vẫn quá thấp, kéo theo đó là vốn phân bổ cho vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số rất thấp.
“Địa phương có 100 người dân tộc thiểu số được cộng 0,5 điểm. Trong khi đó, để có 100 nghìn người dân tộc thiểu số trên địa bàn, nơi đó phải rất rộng, quản lý phức tạp hơn nhiều so với 100 nghìn người dân ở đồng bằng. Một huyện ở vùng miền núi rộng gấp đôi tỉnh Bắc Ninh. Cho nên việc chấm tiêu chí này rất cần phải xem xét, nghiên cứu lại cơ cấu cho điểm đầu tư”, ông Nguyễn Lâm Thành phân tích.
Liên quan đến đầu tư, Chính phủ cũng phân theo tiêu chí vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, cách làm như vậy rất không ổn định khi vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn thay đổi theo năm. Đầu tư phải lâu dài và cần căn cứ theo tiêu chí miền núi, vùng cao. "Rõ ràng, tiêu chí hiện đang rất chồng lấn, lộn xộn", ông Nguyễn Lâm Thành lưu ý và cho rằng, đầu tư theo vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn chỉ nên áp dụng cho chương trình giảm nghèo.
Liên quan đến quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sử dụng người lao động là người dân tộc thiểu số cũng chưa phù hợp, chưa tác động mạnh đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực này. Xét về nguồn lực đầu tư, việc bố trí vốn rất chậm, nhất là với Quyết định 2085/QĐ-TTg phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020; Quyết định 2086/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 đã được Hội đồng Dân tộc chỉ ra nhiều lần.
“Ưu tiên” là từ được nhấn mạnh nhiều lần trong các chính sách đầu tư công cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dẫu vậy, theo Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc, nhìn vào các danh mục đầu tư thì lại dường như không tương xứng, tương quan với yêu cầu phát triển của địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đầu tư phân bổ theo nguyên tắc tỉnh nào phát triển hơn, có nguồn thu hơn được bố trí vốn nhiều hơn, trong khi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, giữ rừng, giữ nước, giữ biên cương lại cho rằng không sinh lời, phân bổ vốn thấp hơn, thì đã đúng chưa? - ông Nguyễn Lâm Thành đặt câu hỏi.
Cùng nhận diện và đánh giá chính sách để từ đó đưa ra phương hướng giải quyết, đó là đích đến chung của Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, chính sách phải thực sự ổn định, đi vào thực tiễn.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-1%C2%A0tinh-on-dinh-kha-thi-chua-cao