Bài 1: 'Tôi đến đây để tìm tự do cho đồng bào tôi'
Cách mạng tháng Tám 1945 là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công triệt để nhất trong lịch sử. Nhà nước Dân chủ Cộng hòa ra đời trở thành nhân tố nền tảng đảm bảo vững chắc cho nền độc lập, tự do mà nhân dân ta hằng khát khao.
Từ đây, một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc mở ra: độc lập dân tộc. Kể từ thời khắc lịch sử ngày 2.9.1945, dân tộc Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” và hình ảnh “cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa” hoàn toàn thay đổi. Không ai khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn cờ cổ vũ cho phong trào đấu tranh giành độc lập và chính Người dẫn dắt dân tộc ta “xua tan những mây mù đen tối” trong đêm trường nô lệ. Đúng hai mươi tư năm sau, không kém một ngày (2.9.1945- 2.9.1969) Người ngủ yên nơi Người đã bắt đầu.
Tám năm sau khi rời cảng Nhà Rồng, năm 1919, người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc trả lời phỏng vấn của một phóng viên người Mỹ. Nội dung trả lời phỏng vấn chứng minh rằng, ngay từ khi còn rất trẻ và cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, mục tiêu, lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không thay đổi: “độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi”.
Theo thời gian, càng về sau, mục tiêu lớn nhất của cuộc đời Hồ Chí Minh càng được làm sáng tỏ, đặc biệt sau khi Cách mạng tháng Tám thành công và Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào, trước thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Các nhà nghiên cứu, nhà khoa học thế giới đánh giá rất cao mục tiêu cao cả của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 của dân tộc Việt Nam và sự ra đời của nước Việt Nam mới.
Nguyên văn cuộc phỏng vấn như sau:
Hỏi: Anh đến Pháp với mục đích gì?
Đáp: Để đòi quyền tự do cho dân An Nam.
Hỏi: Bằng cách nào?
Đáp: Bằng cách làm việc hết mình và luôn xông xáo tiến lên.
Hỏi: Nhưng đất nước đã sẵn sàng chưa? Các phong trào vũ trang hiện nay ra sao?
Đáp: Tình cảnh đất nước Việt Nam thật đáng buồn. Ngoài chúng tôi (chỉ một số người yêu nước) chưa có sự chuẩn bị nào cả và các hoạt động vũ trang gần đây đã hoàn toàn thất bại và không có tiếng vang nào.
Hỏi: Từ lúc tới Paris đến nay, anh đã đạt được kết quả nào rồi?
Đáp: Ngoài các nghị sĩ, tôi đã gặp tất cả những người chịu giúp chúng tôi. Những người Xã hội nghĩ rằng chính phủ Pháp không khi nào chấp nhận những yêu cầu của chúng tôi nhưng họ vẫn vui lòng giúp đỡ. Và đó là chỗ dựa quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi cũng hoạt động trong những tầng lớp khác nữa”.
Trong cuốn “The Vietnamese Revolution of 1945-Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War” (Cách mạng Việt Nam 1945-Roosevelt, Hồ Chí Minh và De Gaulle trong một thế giới chiến tranh) in năm 1991, nhà sử học người Na-uy (một quốc gia thịnh vượng ở Bắc Âu) Stein Tonnesson đánh giá, sau ngày Quốc khánh, Hồ Chủ tịch đã thực hiện tổng tuyển cử, thành lập chính phủ hợp pháp dựa trên quyền tự do dân chủ.
“Cuộc cách mạng ở Việt Nam năm 1945 là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, không chỉ có vậy, đó còn là một cuộc cách mạng chính trị chống lại nền quân chủ thối nát và là một cuộc cách mạng xã hội chống lại chủ đất và những người thu thuế”- nhà sử học đến từ Bắc Âu bình luận.
Theo nhà sử học phương Tây này, “cách mạng Việt Nam quan trọng và không phải chỉ thuần túy trong bối cảnh Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Việt Nam nằm trong những nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh lớn khác sau chiến tranh, đó là quá trình phi thực dân hóa. Trong các cuộc cách mạng cộng sản, cách mạng của người Việt Nam nổi lên như là một trong những cuộc cách mạng có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất”.
Đối với nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và sử gia người Pháp, cách mạng tháng Tám của dân tộc Việt Nam là sự kiện đặc biệt ấn tượng. Nhà sử học người Pháp, ông Alain Ruscio, viết: “Chiến thắng năm 1945 của Việt Nam không chỉ là sự kiện gây bất ngờ, đó là sự tất yếu mang tính lô-gíc trong lịch sử phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, Việt Nam là dân tộc đầu tiên trong số các dân tộc trên thế giới bị thực dân Pháp đô hộ đã thành công trong cuộc kháng chiến của mình. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào đấu tranh đòi độc lập của các nước thuộc địa trên thế giới lúc bấy giờ, nhất là các nước ở châu Phi.
Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có vai trò quan trọng, là người đầu tiên tuyên bố độc lập của một nước thuộc địa”. Nhà sử học đến từ “chính quốc” phân tích, sau chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa thực dân vẫn còn tồn tại, khi đó, 1/3 các dân tộc trên thế giới phải sống dưới sự chiếm đóng của thực dân Pháp, Anh và Bồ Đào Nha.
“Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam là một tấm gương, là biểu tượng của quá trình đấu tranh giành độc lập, các dân tộc bị đô hộ cần phải lên tiếng”- ông phân tích. Nhà sử học này có nhiều hơn 15 tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam, các cuộc kháng chiến, về Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam.
Hơn 30 năm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, càng đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu, nhà sử học người Pháp càng thấy những điều hấp dẫn và cảm phục trước những thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến, đặc biệt là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
Cũng đến từ nước Pháp, nhà sử học nổi tiếng Charles Fournieau bình luận, Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng hết sức quan trọng không chỉ đối với Việt Nam. Đây là cuộc cách mạng thực sự, với sự đồng lòng, chung sức của cả dân tộc đứng lên giành độc lập dân tộc.
Charles Fournieau nhìn nhận, cuộc cách mạng của Việt Nam có tác động lớn trên thế giới, đặc biệt đối với các nước thuộc địa khi đó. Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đánh dấu thời điểm quan trọng trong lịch sử Việt Nam, phản ánh cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam chống lại sự chiếm đóng của giặc ngoại xâm, đồng thời đánh dấu sự chuyển giao sang thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam.
Không những vậy, thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam còn có ý nghĩa quốc tế, bởi lẽ đây là một trong những phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu tiên trên thế giới. Đối với phong trào cách mạng Đông Dương cũng như thế giới, Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng.
Cách nay chừng năm năm, một cán bộ ngoại gia từng công tác tại Ủy ban Ðối ngoại của Quốc hội kể lại trên báo ViệtNamNet câu chuyện, năm 1982, tức chỉ 7 năm sau khi đất nước thống nhất, một người Mỹ, vốn là sĩ quan tình báo đã xin lãnh đạo của nước ta lúc đó vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại thời điểm đó, chiến tranh kết thúc chưa lâu, quyết định để cho một cựu sĩ quan tình báo Mỹ vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều không đơn giản. Hóa ra, người cựu sĩ quan tình báo này, do cơ duyên của lịch sử, ông là người được chính Bác Hồ mời tham dự lễ tuyên ngôn độc lập tại Hà Nội, mùa thu năm 1945.
Trước khi vào viếng Lăng Bác, người ta hỏi ông, lý do vì sao lại vào viếng và ông trả lời: “Tôi đi gặp lại bạn cũ, gặp lại người bạn vĩ đại của tôi”. Khi đến trước lăng, thấy hàng chữ viết bằng tiếng Việt, người cựu sĩ quan không hiểu, vị cán bộ ngoại giao đã dịch cho ông biết hàng chữ đó là “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Nghe dịch xong, người cựu sĩ quan Mỹ nói rằng, câu nói của Bác Hồ là giá trị chung của nhân loại, tất nhiên, có cả nước Mỹ.
Chịu khó để ý sẽ thấy, mỗi khi nhà sử học, nhà văn, nhà nghiên cứu quốc tế nào của phương Tây đánh giá tốt về Việt Nam (qua từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì những nhà “dân chủ” trong nước lại quy kết rằng, họ (nhà nghiên cứu người nước ngoài) là những người thiên tả. Hàm ý của những nhà “dân chủ, nhân quyền” là, ý kiến của giới chuyên gia, nhà sử học nước ngoài đánh giá về lịch sử cách mạng Việt Nam không đáng tin, vì bị cảm tính chi phối, bị “cộng sản mua chuộc”. Thực tế đúng như thế không? Câu trả lời là không.
Việt Đông
(còn tiếp)
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-1-toi-den-day-de-tim-tu-do-cho-dong-bao-toi-a178036.html