Bài 1: Triển khai môn tích hợp Khoa học tự nhiên: Quyết chí ắt thành công
Sau 3 năm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Khoa học tự nhiên được đánh giá là môn học gây nghẽn, gây rối nhất. Dù khó khăn hiện hữu nhưng các thầy cô, nhà trường đã từng bước khắc phục và khẳng định mạnh mẽ: Quyết chí ắt thành công!
Bài 1: Thách thức ngay buổi đầu
Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ra đời năm 2014 nhưng phải đến 6 -7 năm sau, học sinh mới được thụ hưởng khi Chương trình GDPT 2018 chính thức được triển khai. Trong bối cảnh dịch bệnh Covod- 19 diễn biến phức tạp, thách thức đặt ra càng nhiều hơn, nhất là với môn Khoa học tự nhiên (KHTN).
Triển khai trong bối cảnh “3 không”
Theo tiến trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018), năm học 2021- 2022, Chương trình được thực hiện với lớp 2 và lớp 6. Nếu lớp 2 là sự nối tiếp của mạch kiến thức và phương pháp được làm quen ngay từ lớp 1, dù đổi mới nhưng ở cấp độ đơn giản, học sinh và giáo viên được làm quen từ đầu; thì với lớp 6, việc triển khai chương trình mới thực sự khó chồng chất khó với “3 không”: Thiên không thời, địa không lợi, nhân không hòa.
Thời điểm này, dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Đúng năm học ấy, lần đầu tiên Lễ khai giảng được diễn ra bằng hình thức trực tuyến và sau đó là những ngày tháng học tập trực tuyến triền miên. Học sinh lớp 6 chưa một lần được làm quen, gặp trực tiếp thầy cô, bạn bè đã phải tiếp cận phương pháp học tập hoàn toàn mới. Bối cảnh đó, thách thức lớn nhất chỉ đích danh môn tích hợp KHTN.
Phải nói rõ, trước khi triển khai Chương trình mới, ngành giáo dục đã có thời gian dài chuẩn bị về sách giáo khoa, cơ sở vật chất, tập huấn đối ngũ…. cho các nhà trường. Tuy nhiên, do thực hiện trong điều kiện khó lường của dịch bệnh nên vẫn khiến thầy cô, học sinh có cảm giác lúng túng, chông chênh và hụt hẫng.
Chương trình GDPT 2018 là chương trình định hướng giáo dục và đào tạo cho mọi cấp học phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 26/12/2018 theo thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT về "ban hành chương trình giáo dục phổ thông". Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam, một chương trình giáo dục phổ thông hoàn chỉnh được ban hành trước khi tiến hành biên soạn sách giáo khoa.
Chương trình mới thực hiện sách giáo khoa mới với chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách”; khi giảng bài lại là một thầy ngồi trước màn hình máy tính để tương tác với học trò ở các địa điểm khác nhau. Thầy cô khó có thể nắm bắt tại chỗ và chính xác việc tiếp nhận kiến thức của từng em; không thể cầm tay chỉ việc cho học sinh tham gia các tiết thực hành, dự án…; đó là chưa kể các tình huống đang học mà đứt mạng, lỗi kết nối; học sinh thiếu thiết bị phải đi học nhờ… Tuy vậy, tất cả khó khăn đó chưa là gì so với việc thiếu thốn đội ngũ giáo viên.
KHTN cấp THCS có thời lượng 140 tiết/mỗi khối thông qua việc tích hợp các kiến thức, kĩ năng về Vật lí, Hóa học và Sinh học. Các kiến thức, kĩ năng này được tổ chức theo các mạch nội dung, được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính. Như vậy, về yêu cầu thì KHTN là kiến thức liên môn nên sẽ do một giáo viên phụ trách. Nhưng trên thực tế, giáo viên hiện có là giáo viên được đào tạo đơn môn (Vật lí, Hóa học, Sinh học), không được đào tạo bài bản, chuyên sâu liên môn KHTN nên thời gian đầu, tại Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước, môn học này do 3 giáo viên giảng dạy 3 phân môn độc lập.
Linh hoạt ứng phó
Bộ GD&ĐT đã có nhiều công văn như: Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH, Công văn 3699/BGDĐT-GDTrH…. để hướng dẫn các nhà trường triển khai thực hiện tốt môn KHTN trong Chương trình GDPT 2018.
Công văn 2613 ngày 23/6/2021 của Bộ GD&ĐT nêu rõ: “Chương trình môn KHTN bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời... Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm; đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên.
Kế hoạch dạy học môn KHTN được xây dựng phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường. Căn cứ vào điều kiện thực tế, nhà trường có thể tổ chức dạy học đồng thời các chủ đề trong từng học kỳ, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với nội dung môn học. Như vậy, tùy tình hình cụ thể, nhà trường có thể dạy học môn KHTN theo hướng nối tiếp hoặc song song.
PGS.TS Nguyễn Văn Biên, Phó Trưởng khoa Vật lí, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, mỗi hình thức tổ chức dạy học có ưu điểm và khó khăn riêng. Nếu tổ chức dạy học song song, ưu điểm là dễ xếp thời khóa biểu, dễ phân công giáo viên; nhưng có thể trong 1 tuần học sinh phải học 4 tiết KHTN, được dạy bởi 3 thầy cô khác nhau. Khi đó, cần lưu ý bảo đảm tính logic của môn học; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các giáo viên khi dạy học để học sinh có thể học tập một cách thuận lợi.
Nếu tổ chức dạy học tuần tự từng chủ đề theo chương trình thì ưu điểm là dễ bảo đảm logic các mạch nội dung; học sinh khá thuận lợi trong theo dõi sự phát triển mạch kiến thức. Tuy nhiên, với nhiều trường, thực hiện như vậy sẽ khó khăn trong xếp thời khóa biểu, phân công giáo viên.
Thực tế, đây chính là điểm vướng lớn nhất các trường gặp phải trong thời gian đầu thực hiện giảng dạy môn học này khiến việc sắp xếp thời khóa biểu, bố trí giáo viên tại hầu hết các trường THCS bị “rối như canh hẹ”.
Hiệu trưởng một trường THCS tại Hà Nội chia sẻ: Thời gian đầu triển khai tích hợp môn KHTN, trường gặp vô vàn khó khăn. Sau nhiều cân nhắc, trường quyết định dạy song song với môn KHTN; có phân môn 2 tiết/1 tuần, có phân môn 1 tiết/1 tuần rồi sau 1- 2 tuần lại hoán đổi ngược trở lại để đảm bảo mạch kiến thức.
Giữa bối cảnh chưa có giáo viên đào tạo liên môn, chỉ có giáo viên đào tạo đơn môn thì việc bố trí 3 giáo viên dạy 1 môn KHTN theo hình thức song song được đa số nhà trường áp dụng.
Thế nhưng, việc bố trí dạy song song làm phát sinh nhiều vấn đề. Chưa kể, đây là một môn học, không phải 3 môn học riêng rẽ cộng lại một cách cơ học nên về lâu dài, cách dạy học song song sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề bất hợp lý. Thời điểm đó, sớm có giải pháp để giải quyết tình trạng này là yêu cầu cấp bách được đặt ra.
Trước sự đổi thay của thời cuộc và sự phát triển của khoa học công nghệ trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hội nghị lần thứ 8 BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định ban hành nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Nghị quyết này đặt nền móng cho hàng loạt các cải cách, thay đổi những năm về sau, tiêu biểu nhất là Chương trình GDPT 2018, với lộ trình triển khai từ năm 2020 đến năm 2025. Đây được xem như một cam kết của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục phổ thông.