Bài 1: Trình chiếu bằng video clip thay cho cách đọc truyền thống
Nhìn lại hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố năm 2023 có thể thấy, cộng hưởng tinh thần đổi mới, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp đã cộng đồng trách nhiệm, tích cực đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế phát triển, thực hiện các đột phá chiến lược; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các nguồn lực, tạo động lực mới nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tỉnh, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách cao.
Phát huy tinh thần chủ động, đồng hành, trách nhiệm, bài bản, năm 2023, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành và tổ chức thực hiện hệ thống quy trình xây dựng nghị quyết của HĐND; công tác thẩm tra bảo đảm kỹ lưỡng, tính phản biện cao, kết hợp với hoạt động giám sát, khảo sát, chất vấn, giải trình, giám sát chuyên đề, TXCT; kiên quyết đưa ra khỏi chương trình kỳ họp những nội dung chưa bảo đảm căn cứ pháp lý, tính khả thi, phù hợp. Một số báo cáo giám sát, tờ trình được trình chiếu bằng video clip thay cho cách đọc truyền thống; 100% địa phương ứng dụng tối đa công nghệ số để đăng tải tài liệu kỳ họp…
Phát huy tinh thần chủ động, đồng hành
Trong công tác chuẩn bị kỳ họp HĐND, phát huy tinh thần chủ động, đồng hành, trách nhiệm, bài bản, nhiều tỉnh đã ban hành và tổ chức thực hiện hệ thống quy trình xây dựng nghị quyết của HĐND như: Bắc Kạn, Bình Dương, Bến Tre (đối với nghị quyết cá biệt có tác động lớn đến công tác quản lý nhà nước ở địa phương phải xin ý kiến của Sở Tư pháp). Thành phố Hà Nội, Quảng Ninh chủ động báo cáo Ban Chấp hành, Ban Thường vụ tỉnh, Thành ủy xin ý kiến tổ chức các cuộc họp chuyên đề nhằm giải quyết ngay những vấn đề bức thiết của địa phương kịp thời, hiệu quả, sớm cho chủ trương các nội dung theo Quy chế làm việc. HĐND tỉnh Thái Nguyên xây dựng, thực hiện các quy trình xử lý công việc nội bộ.
Các địa phương bám sát thực tiễn, nghiêm túc, kỹ lưỡng và có nhiều đổi mới, chuyên nghiệp, phù hợp với yêu cầu, tính chất của mỗi kỳ họp như: Chủ động tiếp cận sớm các dự thảo nghị quyết, xin ý kiến đối tượng chịu tác động, đối chiếu, rà soát những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn để thẩm tra dự thảo nghị quyết (các tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa xem xét từng vấn đề đặt ra; Lạng Sơn, Sơn La, Thường trực HĐND cho ý kiến vào các báo cáo thẩm tra trước khi trình kỳ họp…). Công tác thẩm tra bảo đảm kỹ lưỡng, tính phản biện cao, kết hợp với hoạt động giám sát, khảo sát, chất vấn, giải trình, giám sát chuyên đề, TXCT. Do đó, chất lượng các nghị quyết được ban hành ngày càng được nâng lên. Nhiều địa phương, HĐND kiên quyết đưa ra khỏi chương trình kỳ họp những nội dung chưa bảo đảm căn cứ pháp lý, tính khả thi, phù hợp.
Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội; các tỉnh: Yên Bái, Hà Giang, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang… một số báo cáo giám sát, tờ trình được trình chiếu bằng video clip thay cho cách đọc truyền thống. 100% địa phương ứng dụng tối đa công nghệ số để đăng tải các tài liệu kỳ họp (đăng các tài liệu kỳ họp trên các cổng thông tin điện tử của cơ quan dân cử, mã QR, hòm thư công vụ, kết nối đường dây “nóng”, thực hiện các chuyên mục kết nối với cử tri trên sóng phát thanh, truyền hình địa phương… bảo đảm sự chia sẻ, kết nối thông tin đầy đủ, kịp thời).
Hướng tới mục tiêu cao nhất là lợi ích của cử tri, Nhân dân
Chủ tọa kỳ họp điều hành chương trình theo từng lĩnh vực theo hướng chuyên sâu, ngắn gọn, súc tích, dành nhiều thời gian cho nội dung thảo luận, chất vấn. Các nội dung nghị quyết được đại biểu xem xét thận trọng, toàn diện, khách quan, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, tập trung vào những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau. Do đó, các nghị quyết được thông qua với sự đồng thuận cao. Để kịp thời ban hành một số nghị quyết mang tính cấp bách trong điều kiện chưa kịp tổ chức họp HĐND, có địa phương đã linh hoạt xin ý kiến đại biểu HĐND bằng hình thức lấy phiếu biểu quyết để ban hành nghị quyết.
Năm 2023, HĐND các tỉnh, thành đã tổ chức 357 kỳ họp nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách, gặp nhiều rào cản phải tháo gỡ hoặc công việc phát sinh đột xuất bảo đảm điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hoặc cần triển khai thực hiện các chủ trương mới của Trung ương, bảo đảm kịp thời, thực chất và hiệu quả cao hướng tới mục tiêu cao nhất là lợi ích của cử tri và Nhân dân địa phương. Tổng số nghị quyết được HĐND ban hành tại các kỳ họp là 6.377 nghị quyết (trong đó có 1.681 nghị quyết quy phạm pháp luật, 4.696 nghị quyết cá biệt). Thành phố Hà Nội, Vĩnh Long lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp; tỉnh Hải Dương có số lượng nghị quyết được ban hành nhiều nhất từ trước đến nay…
Công tác tổ chức thực hiện nghị quyết tiếp tục được quan tâm, từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Điển hình như: các tỉnh An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tuyên Quang xem xét báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận chất vấn, kiến nghị giám sát của HĐND. Hậu Giang tăng cường khảo sát việc triển khai nghị quyết của HĐND, hàng quý tổ chức Chương trình “Trao đổi và Lắng nghe” nhằm đưa nghị quyết vào cuộc sống nhanh nhất, hiệu quả nhất. Sơn La rà soát và giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị qua giám sát, giải trình, chất vấn. Tây Ninh tổ chức 2 đợt rà soát và giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị. Ninh Thuận thực hiện giám sát chuyên đề kết quả triển khai nghị quyết của HĐND tỉnh còn hiệu lực pháp luật…