Bài 1: Trở lại bình thường sau 'cơn bạo bệnh'
Đầu năm 2023, hàng loạt trung tâm đăng kiểm xe cơ giới (TTĐK) trên cả nước bị tạm dừng hoạt động; nhiều cán bộ và đăng kiểm viên bị khởi tố, bắt tạm giam hoặc đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra, khiến hoạt động đăng kiểm bị đình trệ, gây bức xúc trong dư luận. Hiện nay, 'cơn bạo bệnh' đã dần qua, hoạt động đăng kiểm đã trở lại bình thường...
Phát triển về số lượng và chất lượng
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) thuộc Bộ Giao thông Vận tải, chia sẻ: đăng kiểm là hoạt động kiểm tra, giám sát, xác nhận việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Vì vậy, mục đích quan trọng nhất của việc đăng kiểm là kiểm tra, phát hiện các phương tiện không đáp ứng được điều kiện trên, từ đó đề nghị chủ phương tiện có trách nhiệm đi sửa chữa, khắc phục, để khi tham gia giao thông được bảo đảm an toàn.
Những năm qua, các TTĐK trên cả nước đã phát triển cả về số lượng, lẫn chất lượng thông qua việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị. Theo số liệu của Cục ĐKVN cung cấp, đến cuối năm 2023, trên cả nước có tổng số 287 TTĐK (thực tế hoạt động là 269). Trong đó, Trung tâm thuộc Cục ĐKVN là 20 đơn vị; thuộc Sở Giao thông Vận tải là 64; xã hội hóa do doanh nghiệp thành lập và đầu tư là 203 đơn vị. Về trang thiết bị kiểm định hiện nay tại các TTĐK trên cả nước hầu hết được sản xuất từ các nước tiên tiến trên thế giới (Đức, Pháp, Tây Ban Nha...), đáp ứng yêu cầu kiểm tra tương tự như các nước trong khu vực và các quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia Tổ chức Đăng kiểm ô tô quốc tế (CITA) mà Việt Nam là thành viên.
Như vậy, có thể đánh giá, đăng kiểm của Việt Nam có cơ sở vật chất bảo đảm, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, cán bộ, đăng kiểm viên được đào tạo bài bản và trải qua thử thách để trụ lại và nâng cao năng lực chuyên môn.
Không còn tình trạng ùn tắc
Sau những khó khăn vì giai đoạn đại dịch Covid-19, lượng xe đến các TTĐK đã giảm, thì đầu năm 2023, nhiều TTĐK xe cơ giới trên cả nước, đặc biệt ở thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai... có vi phạm nên đã bị cơ quan công an các tỉnh, thành phố điều tra, khám xét; hàng trăm lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên bị khởi tố và bắt tạm giam, hoặc bị đình chỉ công tác. Hậu quả là trên 100 TTĐK phải dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra. Do đó, hoạt động đăng kiểm đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu nhân lực dẫn đến hoạt động đăng kiểm đình trệ, gây bức xúc trong dư luận.
Chỉ tính riêng TP. Hà Nội thời điểm đó có tổng 31 TTĐK, thì 30 Trung tâm bị điều tra. Chia sẻ về giai đoạn khó khăn này, ông Trần Quốc Hoan, Phó Giám đốc Phụ trách TTĐK xe cơ giới 29.03V tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: trước khởi tố, Trung tâm có 13 đăng kiểm viên, thì 9 người bị khởi tố, chỉ còn 4 người, nên không phục vụ được.
Anh Ngô Quang Vũ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ "kỷ niệm" đáng nhớ khi đi đăng kiểm: tôi đi xếp hàng mấy lần, nhưng chưa đến lượt mình thì đã hết số. Sau mấy ngày kiên trì, cuối cùng thì cũng lấy được số thứ tự từ hôm trước, nửa đêm dậy đi xếp hàng dài từ 4 - 5 giờ sáng trầy trật mãi mới đăng kiểm được cho chiếc xe của mình. Còn anh Hoàng Hải Long (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thì không kiên trì xếp hàng được, nghe người bạn nói đem xe đi các tỉnh lân cận sẽ vắng hơn, nên đã đưa xe đi hơn trăm cây số để đăng kiểm, rất vất vả. Tất cả họ đều kể câu chuyện đăng kiểm đã qua và cho rằng tốn thời gian, công sức và tiền bạc, tâm trạng mệt mỏi và bức xúc. Lợi dụng tình trạng đó, đã xảy ra hiện tượng cò mồi lợi dụng vòi tiền chủ xe với lời hứa được “chen ngang - đăng kiểm sớm”, gây mất trật tự và phát sinh hành vi tiêu cực.
Trước tình hình đó, được sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Bộ Giao thông Vận tải, sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, các địa phương, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Cục ĐKVN đã từng bước khắc phục khó khăn, phục hồi hoạt động đăng kiểm. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông, lực lượng kiểm định viên của quân đội đã được điều tới hỗ trợ công tác kiểm định xe cơ giới dân sự; nên đã góp phần từng bước giảm thiểu tình trạng ùn tắc, giúp các TTĐK từng bước ổn định; tại thành phố Hà Nội, các lực lượng đã hỗ trợ 22 TTĐK; tại thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 18 TTĐK; tại tỉnh Đồng Nai 6 TTĐK và các địa phương khác.
Bên cạnh đó, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ, người dân thay vì thói quen tự đi xếp hàng đăng kiểm như trước đây, thì đã hình thành cách đăng ký hẹn lịch kiểm định thông qua hệ thống phần mềm trực tuyến của Cục ĐKVN. Người dân được cán bộ đăng kiểm hướng dẫn và khuyến cáo đã chủ động tự kiểm tra, bảo dưỡng xe của mình trước khi đi đăng kiểm. Điều này giúp cho cán bộ đăng kiểm chủ động sắp xếp công việc và công tác đăng kiểm được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi hơn; hầu hết các TTĐK không còn tình trạng ùn tắc và cơ bản đã hoạt động bình thường.
Được biết, từ thực tế hoạt động, Cục ĐKVN đã và đang nghiên cứu, tổng hợp để báo cáo, tham mưu cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phù hợp yêu cầu thực tiễn, góp phần bảo đảm hoạt động đăng kiểm được thực hiện khoa học và hiệu quả hơn.