Bài 1: Từ 'ông lớn' SEA Games đến 'vùng trũng' ở Olympic
Sau tấm Huy chương Vàng (HCV) của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016, thể thao Việt Nam 'trượt dốc không phanh' với 2 kỳ Olympic liên tiếp trắng tay.
Tại Olympic Paris 2024, Đoàn Thể thao Việt Nam chỉ giành 16 suất tham dự và không có vận động viên nào giành được huy chương, trong khi nhìn sang các nước Đông Nam Á khác như Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đều có thành tích tương đối tốt. Điều đáng nói, ở mỗi kỳ SEA Games, Việt Nam đều trong nhóm 3 nước có thành tích tốt nhất toàn đoàn. Vậy điều gì khiến Việt Nam luôn trắng tay tại sân chơi lớn như Olympic?
Ở 2 kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) gần nhất, thể thao Việt Nam luôn đứng đầu khu vực. Thậm chí, các vận động viên của Việt Nam bỏ xa đối thủ ở các đoàn thể thao khác. Dù vậy, khi bước ra sân chơi lớn, thể thao Việt Nam luôn hụt hơi và liên tiếp thất bại.
Say sưa với chiến thắng ở sân chơi nhỏ
Chắc hẳn mỗi người dân Hà Nội nói riêng, người dân Việt Nam nói chung đều không thể quên những khoảnh khắc tuyệt vời của kỳ SEA Games 31 khi chúng ta đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á trong bối cảnh vừa kiểm soát hoàn toàn đại dịch Covid-19. Rất lâu sau một thời gian dài giãn cách xã hội bởi dịch bệnh, người dân cũng như bạn bè quốc tế mới lại chứng kiến cảnh những khán đài dậy sóng khán giả, những nụ cười tỏa nắng của các vận động viên… Ở kỳ SEA Games này, Việt Nam giành thắng lợi toàn diện, cả công tác tổ chức lẫn kết quả thi đấu của các vận động viên.
Khép lại kỳ đại hội, thể thao Việt Nam không chỉ giành vị trí số 1 mà còn bỏ xa các đoàn phía sau với thành tích giành đến 446 huy chương các loại, trong đó có 205 HCV, chiếm 39% tổng số HCV được trao tại đại hội (525 HCV). “Đoàn Thể thao Việt Nam đã đi vào lịch sử của SEA Games, vượt kỷ lục 194 HCV mà Đoàn Thể thao Indonesia đã đạt được tại SEA Games Jakarta 1997; phá kỷ lục SEA Games tại 17/30 nội dung” - Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh khi báo cáo tổng kết kỳ đại hội trên sân nhà.
Thành tích này được ngành thể thao ca ngợi như một chiến tích lẫy lừng. Thậm chí, tư lệnh ngành VHTT&DL còn khẳng định, việc có tới hơn 120 HCV của Đoàn Thể thao Việt Nam thuộc các môn thể thao Olympic chứng tỏ chúng ta đã thành công cả về chất lượng và số lượng. Các môn thể thao mũi nhọn của chúng ta đều đã thi đấu rất tốt, đạt hiệu suất cao, đa số vượt chỉ tiêu HCV đề ra trước đó.
Bước vào kỳ SEA Games 32 được tổ chức sau đó 1 năm tại Campuchia, thể thao Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu cao khi số lượng môn, phân môn và nội dung thi đấu cao nhất trong các kỳ đại hội. Chủ nhà Campuchia cắt rất nhiều môn có trong chương trình thi đấu của Olympic vì lý do không có cơ sở vật chất như: bắn súng, bắn cung, thể dục dụng cụ nữ... và đưa nhiều môn mang đậm tính đặc trưng của quốc gia mình vào đại hội, nhất là các môn võ như: bokator, kun khmer, cờ ok chaktrong nhưng mục tiêu của thể thao Việt Nam là giành hơn 100 HCV và đứng trong top 3.
Đúng như kỳ vọng, Đoàn Thể thao Việt Nam giành 355 huy chương các loại, trong đó 136 HCV. Đây là thành tích lịch sử của thể thao Việt Nam khi lần đầu tiên giành vị trí nhất toàn đoàn tại một kỳ SEA Games tổ chức ở quốc gia khác.
Mặc dù vậy, nhìn lại 2 kỳ SEA Games gần nhất mà thể thao Việt Nam ở vị trí nhất toàn đoàn, những môn giành nhiều HCV lại trở nên “xa xỉ” khi bước ra đấu trường Asiad và Olympic. Cả hai kỳ SEA Games diễn ra liên tiếp, thể thao Việt Nam giành được tổng cộng 801 huy chương. Tuy nhiên, thông số của các môn như điền kinh, bơi, bắn súng… vẫn còn ở quá xa so với đấu trường Olympic.
Trong khi đó, những môn mang tính chất cảm tính khi chấm điểm như các môn võ (karatedo, vovinam, wushu) vốn không xuất hiện tại Thế vận hội. Thậm chí, các môn như lặn, pencak silat, cờ, khiêu vũ thể thao, bóng ném, kurash, thể hình, E-sport gần như không thể xuất hiện tại Olympic gần đây cũng như trong tương lai.
Bị “ngợp” ở sân chơi lớn
Thành tích vang dội của thể thao Việt Nam tại SEA Games lại trái ngược với những gì các vận động viên thể hiện tại Olympic. Bằng chứng là 2 kỳ liên tiếp tại Olympic Tokyo 2020 và Olympic Paris 2024, thể thao Việt Nam bị loại ra khỏi bảng xếp hạng khi không giành được bất cứ huy chương nào.
Trong khi đó, nhìn ra các nước bạn, có tới 5/11 quốc gia Đông Nam Á đã giành được huy chương tại Olympic Paris 2024 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore. Trong đó, Philippines đã có kỳ Olympic thành công nhất lịch sử với 2 HCV, 2 HCĐ. Thể thao Indonesia kết thúc Olympic 2024 với 2 HCV và 1 HCĐ - thành tích tốt nhất trong 32 năm qua. Thái Lan cũng giành được 1 HCV, 3 HCB và 23 HCĐ.
Nhìn lại sự chuẩn bị kỹ càng của các nước trong khu vực mới thấy, họ hướng đến sân chơi rộng lớn hơn khuôn khổ của SEA Games, nơi mà thể thao Việt Nam vẫn say sưa với ngôi vương. Trước khi Olympic Paris 2024 diễn ra, mục tiêu cao nhất của thể thao Việt Nam là bảo toàn chỉ tiêu giành từ 12 - 15 suất chính thức góp mặt. Cuối cùng, chúng ta có 14 suất trực tiếp, 2 suất đặc cách (môn bơi và điền kinh không thể giành vé chính thức) dự Olympic Paris 2024.
Trong khi đó, các nước trong khu vực đều thể hiện sự vượt trội hơn ở sân chơi lớn. Cụ thể, tại kỳ Olympic vừa diễn ra trên đất Pháp, thể thao Đông Nam Á có 182 tuyển thủ tham dự, trong đó Thái Lan có tới 51 vận động viên, Indonesia 29, lần lượt phía sau là Malaysia với 26, Singapore 23 và Philippines góp mặt 22 vận động viên. Trước đó, tại Olympic Tokyo 2020, thể thao Việt Nam cũng chỉ giành 18 suất tham dự, trong đó một số vận động viên bắn súng, điền kinh, cầu lông… nhận được suất đến Tokyo không qua thi đấu.
Không chỉ Olympic, tại sân chơi khu vực châu Á - Asiad, thể thao Việt Nam cũng tỏ ra đuối sức với các đối thủ. Đơn cử, tại Asiad Hàng Châu diễn ra năm 2023, Việt Nam tham dự với hơn 330 vận động viên thi đấu 31/40 môn thể thao với 202/483 nội dung nhưng giành vỏn vẹn 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ và xếp dưới cả Singapore (cùng 3 HCV nhưng 6 HCB), Philippines (4 HCV), Malaysia (6 HCV), Indonesia (7 HCV), Thái Lan (12 HCV, xếp hạng 8 châu lục).
Những tấm vé vượt qua vòng loại để tham dự Olympic là minh chứng rõ nhất cho sự phát triển bền vững cho các nền thể thao. Tuy nhiên, các vận động viên của Việt Nam phần nào đã “ngợp” với sân chơi lớn nhất thế giới. Nhìn cách Hà Thị Linh, Võ Thị Kim Ánh (boxing), Huy Hoàng (bơi), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Lê Quốc Phong (bắn cung), Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing), Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát (cầu lông)… gục ngã một cách chóng vánh cho thấy sự chênh lệch của thể thao Việt Nam khi bước ra thế giới.
Trong số các vận động viên của Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024, Trịnh Thu Vinh là cái tên được chú ý nhất khi về thứ 4 ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ. Đó là thành tích đáng khích lệ nhưng để có thể cạnh tranh huy chương ở kỳ Thế vận hội sau là điều khó nói khi 4 năm tới sẽ còn có nhiều thay đổi với Thu Vinh nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ VHTT&DL) Lâm Quang Thành khẳng định ngay sau Asiad 19 (năm 2023), thể thao thành tích cao Việt Nam đã có sự khởi sắc và tiến bộ hơn so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, nhìn chung thành tích thể thao ở các môn thể thao Olympic còn thấp so với châu lục và thế giới. Công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ thể thao trong đào tạo, huấn luyện vận động viên, nhất là vận động viên có trình độ cao còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Sau nhiều lần tham dự Olympic, thể thao Việt Nam giành được tổng cộng 5 huy chương gồm 1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ và thường xuyên duy trì vị trí ngoài top 60 thế giới. Duy nhất một lần, tại Thế vận hội Rio 2016 (Brazil), Đoàn Thể thao Việt Nam xếp hạng 48 nhờ kỳ tích của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh với 1 HCV, 1 HCB.
(còn nữa)
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-1-tu-ong-lon-sea-games-den-vung-trung-o-olympic.html